Bài toán kiềm chế lạm phát 2013: Không dễ giải!
Kiềm chế lạm phát sẽ tiếp tục là mục tiêu ưu tiên trong năm 2013 và quy luật “2 cao 1 thấp” vẫn gây lo ngại về việc lạm phát sẽ trở lại.
Thận trọng không thừa
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2013, CPI tăng 1,25% so với tháng 12/2012 và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,4%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,34%, may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,3%.
Theo lẽ thông thường, trong tháng đầu năm của năm mới, nhóm hàng tác động mạnh nhất đến CPI phải là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp tết Nguyên đán của người dân. Thực tế điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định khi nhấn mạnh “… giá cả tăng cao chủ yếu tập trung vào những tháng đầu năm”.
Từ đó, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát giá cả, lạm phát ngay từ tháng 1, quý I/2013, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, găm hàng, đẩy giá lên cao, phát huy tốt hơn nữa cơ chế về bình ổn giá. Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã ban hành một loạt các chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp cuối năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 như: Chỉ thị số 04/CT-BTC; Công điện số 01/CĐ-BTC;… của Bộ Tài chính đã được ban hành nhằm kiềm chế sự gia tăng giá cả đột biến của các mặt hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, trái hẳn với quy luật thông thường và những dự báo trước đó, CPI tháng 1 vẫn tăng, nhưng vấn đề là tăng chủ yếu do giá viện phí và dịch vụ y tế tăng. Cụ thể, trong tháng 1 đã có 10 tỉnh thực hiện giá trị dịch vụ y tế mới. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhiều nhất với 7,4%, riêng dịch vụ y tế tăng 9,5%.
Ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết: “CPI tháng 1 tăng chủ yếu là do hàng chục tỉnh thành trong cả nước tiếp tục tăng giá viện phí và dịch vụ y tế như lộ trình mà ngành y tế đã công bố trong năm 2012 khiến cho giá dịch vụ y tế tăng tới 9,5%. Với việc điều chỉnh đồng loạt này, nhóm y tế đã đóng góp 0,44% vào mức tăng CPI chung”.
Hiện tượng “bất thường” này đang đặt ra rất nhiều lo ngại cho nền kinh tế bởi thực tế, cùng với mức tăng 2,5% trong năm 2012 thì việc gia tăng thêm 0,44% trong tháng 1/2013 của nhóm y tế ít nhiều sẽ tác động đến hầu bao của người dân. Và nếu hiện tượng này không được kiềm chế lại cộng hưởng với sự tăng giá của nhóm hàng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn vào tháng Tết thì CPI tháng 2 và rất có thể là những tháng tiếp theo biến động khó lường.
Lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở khi theo chu kỳ tính thì CPI tháng 2 sẽ được tính từ 16/1 đến 15/2 và đây cũng chính là thời gian có tết cổ truyền, giá cả nhiều lại hàng hóa tăng sẽ tăng. Và nếu dựa theo cách tính bình quân mức tăng CPI tháng 2 so với tháng 1 từ năm 2004 đến 2012 thì CPI tháng 2 hoàn toàn có thể “cán đích” ở mức 2,2%.
Vì vậy, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã lưu ý rằng, dù mọi diễn biến cho thấy kinh tế vĩ mô có xu hướng ổn định hơn nhưng CPI tăng trên 1% là “tín hiệu cảnh báo, phải hết sức thận trọng”.
Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ ngày 7/1/2013 cũng nêu, dù nền kinh tế nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, song áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn.
Quan trọng là phối hợp trong điều hành
Có thể nói, bài toán kiềm chế lạm phát của Việt Nam đang tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là vấn đề túi tiền của người dân với bài toán hàng tồn kho, kích thích sản xuất.
Và đây cũng là điều mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đề cập khi cho rằng, vấn đề cần quan tâm trong năm 2013 là khả năng cân bằng giữa mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ ở mức hợp lý. Việc tăng giá một số dịch vụ, hàng hóa là cần thiết và hợp lý, khi giá cả của các hàng hóa, dịch vụ đó đã quá lạc hậu so với giá thành, làm biến dạng các quy luật kinh tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, “vấn đề là Nhà nước phải điều phối, các cơ quan như: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp chặt chẽ. Chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ khoa học để tính toán tác động của việc tăng giá các dịch vụ, hàng hóa tới nền kinh tế, tới lạm phát, từ đó có thể điều khiển quá trình tăng giá theo lộ trình một cách chặt chẽ, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát”.
Đồng nhất với quan điểm này, người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát luôn là mục tiêu điều hành cơ bản. Nếu siết chặt quá tiền tệ tín dụng thì sản xuất trở nên yếu, tăng trưởng chững lại, lao động sẽ dư thừa. Tuy nhiên, nếu quá chạy theo mục tiêu tăng trưởng, mở rộng tín dụng, nếu chúng ta làm không cẩn thận thì nguy cơ lạm phát sẽ quay trở lại, đồng tiền mất giá, mất ổn định kinh tế vĩ mô.
"Chính phủ đã tính toán kỹ và báo cáo Quốc hội và được Quốc hội thông qua với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5%, lạm phát phấn đấu thấp hơn mức lạm phát trong năm 2012", Bộ trưởng Đam cho biết.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, kiên quyết và kiên trì các giải pháp chủ yếu đã đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 01 và 02, đồng thời tập trung vào một số trọng tâm như: cụ thể hóa các giải pháp được nêu trong các Nghị quyết này và triển khai thực hiện nhất quán từ Trung ương đến địa phương, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…