Bán hàng qua… mạng xã hội
(Tài chính) “Làm văn phòng” luôn được coi là công việc nhàn nhã vì mưa chẳng tới mặt, nắng chẳng tới đầu. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế khó khăn, nhiều công ty lớn phải giảm lương thì công việc này lại tạo ra áp lực khá lớn cho giới văn phòng do khối lượng công việc nhiều hơn nhưng thu nhập sụt giảm. Để đảm bảo cuộc sống, không ít người đã phải làm thêm các công việc “tay trái”. Và một trong những công việc đó là bán hàng qua mạng xã hội.
Khai thác lợi thế của mạng xã hội
Bán hàng qua mạng đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, tuy nhiên người bán vẫn chủ yếu bán sản phẩm qua các trang rao vặt, qua các website giới thiệu sản phẩm. Do khó kiểm định được uy tín người bán hàng, chất lượng hàng hóa nên loại hình này chưa thực sự phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, với những người làm việc văn phòng thì đây lại là kênh bán hàng tương đối hiệu quả bởi chỉ cần sử dụng thông thạo máy tính, internet, dân văn phòng có thể theo dõi đơn hàng, giao tiếp khách hàng một cách nhanh chóng.
Nếu việc mua hàng online qua các website khiến không ít người e ngại bởi phải đăng ký tài khoản, khai báo nhiều thông tin, hình ảnh sản phẩm chỉ mang tính chất minh họa và khó kiểm chứng thì điều khiến nhiều người thích mua qua mạng xã hội là dễ tiếp cận người bán hàng, hơn nữa người bán lại là bạn bè, đồng nghiệp, quen biết nhau nên độ tin tưởng khá cao khi giao dịch.
Thông tin bán hàng thường được đăng trên trang cá nhân, tất cả những người kết bạn với người bán đều có thể truy rõ “thân thế” người bán, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua việc liên hệ với người bán và cả những người đã từng sử dụng sản phẩm.
Những mặt hàng được giới văn phòng bán nhiều hiện nay chủ yếu là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, người nào khéo tay thì bán chà bông, khô bò, mứt… do chính mình hoặc gia đình làm. Thông tin, hình ảnh sản phẩm hay quá trình chế biến đồ ăn được cập nhật liên tục trên mạng xã hội của người bán cùng với những comment hỏi giá, đặt hàng chính là một trong những cách gia tăng niềm tin đối với những người chịu mua và thích mua hàng qua mạng.
Nói về lý do quyết định bán hàng qua mạng xã hội, chị Kim Thư – Chuyên viên thiết kế đang bán đồ trẻ sơ sinh tâm sự: “Mình bán hàng qua mạng vì muốn tăng thu cho gia đình, không tốn tiền mặt bằng, lại tiết kiệm thời gian. Mặc dù đã có nhiều người bán hàng qua mạng xã hội nhưng mình nghĩ nếu chọn được mặt hàng độc đáo hoặc khác biệt, giá cả phù hợp thì vẫn dễ bán”.
Chị Phương Trang – nhân viên PR đang kinh doanh mỹ phẩm Hàn Quốc thì cho rằng: “Mình bán hàng qua facebook vì có sẵn mạng lưới bạn bè rộng rãi, đặc biệt là bạn bè tuổi teen. Tuy nhiên, do nhiều người cùng bán và cũng dễ kiểm tra giá cả nên giá phải thực sự tốt mới bán được. Nói chung, buôn bán thêm không dễ tí nào nhưng vẫn ham làm để “lai rai” kiếm thêm thu nhập.”
Với những ưu điểm mà bán hàng trực tiếp không thể có được, bán hàng qua mạng xã hội đang là nghề tay trái tối ưu đối với những người làm công việc văn phòng.
Buôn bán khéo thì…nhàn
Nhìn chung, với những người lanh lợi thì bán hàng qua mạng là công việc khá nhàn nhã. Chỉ việc đặt hàng sỉ, hàng được chuyển đến tận nhà, chụp hình đưa lên trang cá nhân, chờ khách đặt mua rồi giao hàng lẻ. Do khách hàng chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp nên người bán có thể giao hàng trực tiếp tại văn phòng hoặc nhờ người chuyển giùm. Với những khách xa hơn chút thì người bán có thể tranh thủ thời gian ngoài giờ hành chính hoặc ngày nghỉ để giao hàng.
“Biết mình quê Bến Tre nên mỗi khi về quê nhiều đồng nghiệp hay nhờ mua giùm dầu dừa. Thấy dầu dừa được nhiều người quan tâm, mình động viên ba mẹ duy trì nghề làm dầu dừa, nước màu dừa và mứt dừa để bán. Rồi, ba mẹ trở thành nhà sản xuất, gửi dầu lên thành phố bằng xe đò. Chỉ đăng thông tin bán dầu dừa lên “phây” một lần thôi mà bạn bè, người nọ giới thiệu người kia, giờ không đăng tin nữa nhưng vẫn có người hỏi. Mỗi tháng mình cũng bán được vài chục lít dầu dừa, không nhiều nhưng vẫn vui”, chị Kim Thoa, một nhân viên nhân sự tại Tân Bình tâm sự.
Đó là những nguồn hàng ở gần, dễ vận chuyển, còn những mặt hàng có xuất xứ nước ngoài thì việc đặt mua tốn nhiều công đoạn hơn. Phương Trang – bán mỹ phẩm cho biết, sau giờ làm việc, chị lên một số trang web của Hàn Quốc để đặt mua sữa rửa mặt, kem dưỡng da, sữa tắm, son môi của các thương hiệu nổi tiếng như The Face Shop, Etude... Một người bạn đang học tại Hàn Quốc sẽ nhận hàng và chuyển về Việt Nam theo dạng bưu phẩm, mỗi lần chuyển về từ 9-10kg mỹ phẩm. Với hình thức này, người mua hàng qua mạng xã hội, đặc biệt những người chuộng hàng ngoại có thể lựa chọn thoải mái các loại mỹ phẩm ngoại với giá mềm hơn so với giá mỹ phẩm chính hãng phân phối tại Việt Nam.
Bạn trẻ có nickname Lơ Lí Lắc kể: “Mua hàng do bạn bè bán qua mạng xã hội thường được “chiều chuộng” hơn vì nhiều khi có thể đặt mua món hàng mà người bán không có sẵn. Chỉ cần mình đưa ra yêu cầu về loại hàng mình thích, thương hiệu cụ thể thì chỉ sau 1-2 tuần, hàng từ nước ngoài sẽ được gửi về”.
Có mối mua hàng chính hãng, biết các phương thức vận chuyển, có thể coi là lợi thế mà dân văn phòng đã nắm bắt được và không ngừng khai thác để tranh thủ kiếm thêm thu nhập từ việc kinh doanh theo nhu cầu của khách hàng.
Mạng xã hội đang được coi là kênh bán hàng hiệu quả của giới văn phòng. Với người bán, đây là hình thức kinh doanh tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, việc bán hàng online hiện nay vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, và những sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài thường khó kiểm chứng về chất lượng, người mua chỉ có thể đặt niềm tin vào thương hiệu sản phẩm và mối quan hệ bạn bè trong giao dịch. Vì vậy, khi quyết định mua hàng online, người mua nên chọn những người bán hàng thực sự tin tưởng, so sánh giá kỹ, dành thời gian đánh giá sản phẩm qua những phản hồi (comment) của các khách hàng trước, để tránh bị mua hớ và mua nhầm sản phẩm kém chất lượng.