Bạn là mẫu người tiết kiệm hay tiêu hoang
Nếu luôn tìm kiếm phiếu giảm giá và hay mua những đồ không cần thiết chỉ để thỏa mãn thú vui, bạn chính là con nghiện mua sắm
Thói quen chi tiêu được chia làm 5 loại chính. Hãy cùng tìm hiểu xem thói quen tiêu tiền của bạn thuộc hình mẫu nào:
Người tiết kiệm
Những người này không bao giờ quan tâm đến những món đồ xa xỉ như xe hơi, điện thoại đời mới và họ hài lòng với những gì đang có. Đây là những người căn cơ, tiết kiệm và sống rất thanh đạm.
Họ tự sửa ống nước rò rỉ để tránh lãng phí nước hoặc ngay lập tức chuyển sang bóng đèn tiết kiệm điện.
Có thể trong mắt người khác, họ là người quá căn cơ nhưng họ biết thỏa mãn với cuộc sống của mình hơn là ném tiền vào việc mua sắm, ăn chơi. Họ cũng là những người có thể nghỉ hưu sớm với số tiền tiết kiệm được.
Ảnh: rewards4mom.com. |
Người tiêu xài hoang phí
Trái ngược với mẫu người tiết kiệm. Thói quen tiêu xài của những người này là luôn muốn sở hữu những món đồ thời thượng nhất, đắt đỏ nhất và hầu hết những người này muốn thể hiện sự hào nhoáng trong mắt người khác.
Họ sẵn sàng vay nợ để mua bất kì món đồ gì mình muốn và không bao giờ bỏ công tham khảo để mua được mức giá rẻ nhất. Họ luôn được đám đông yêu mến bởi sự hào phóng chi tiền cho người thân và bạn bè.
Con nghiện mua sắm
Mẫu người này là sự trung hòa giữa hai mẫu người trên. Cũng như những người thích vung tiền, mẫu người này không thể kìm lòng được trước những món đồ mới như quần áo, đồ công nghệ… để thể hiện đẳng cấp vượt trội.
Họ coi việc mua sắm là thú vui không thể thiếu, họ thỏa mãn với việc săn được những món đồ đẹp giá hời – khiến họ cũng mang nét tính cách của người tiết kiệm. Những người này rất thích thú tìm kiếm phiếu giảm giá và dẫn đến việc mua sắm những đồ không cần thiết chỉ để thỏa mãn thú vui.
Nhiều người có thể biến khả năng săn đồ giảm giá của mình thành một khoản tiết kiệm. Và nhiều người sẽ không phiền nếu không có nhiều tiền mặt cho lần mua sắm tiếp theo.
Người luôn mắc nợ
Những người mắc nợ thường không suy nghĩ nhiều về vấn đề tiền bạc đến mức tiền hết trước cả khi thanh toán các hóa đơn.
Họ không hẳn là những người nghiện mua sắm hoặc thích thể hiện mình. Đơn giản, những người này không biết cách quản lí tiền bạc của mình xem chúng đi về đâu.
Họ nợ nhiều nên khái niệm tiết kiệm cho lúc về hưu trở nên vô cùng xa vời. Những người này thường cảm thấy choáng ngợp nên dễ bỏ qua những vấn đề về tài chính cần giải quyết.
Nhà đầu tư
Mẫu người đầu tư có pha trộn tính cách của những người tiết kiệm và một chút của những người thích mua sắm. Những người này sẵn sàng mạo hiểm tiền tiết kiệm để kiếm được khoản lợi nhuận cao hơn.
Trong khi nhiều người không dám đầu tư vào chứng khoán vì rủi ro thì những người này sẵn sàng hi sinh khoản tiền trước mắt để đạt được lợi nhuận dài lâu. Họ luôn hướng tới viễn cảnh trở nên độc lập về tài chính trong tương lai.
Khi đã nhận ra thói quen chi tiêu của mình thuộc hình mẫu nào, bạn cần tận dụng lợi thế và hạn chế điểm yếu của nó. Dưới đây là những lời khuyên giúp bạn trở nên khôn ngoan hơn khi sử dụng tiền bạc:
Người tiết kiệm: Nới lỏng hầu bao hơn một chút
Vì bạn không thích tiêu tiền cho những món đồ xa xỉ nhưng thỉnh thoảng tự thưởng cho mình sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên thú vị hơn.
Việc cân nhắc đầu tư tiền để kiếm được lợi nhuận cao hơn cũng rất quan trọng hơn chỉ là khư khư giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm. Phần thưởng cho sự mạo hiểm có thể khiến bạn hài lòng.
Người tiêu xài hoang phí: Nhìn xa trông rộng
Những người này khó có thể kìm hãm thói quen mua sắm của mình nhưng hãy chắc chắn những đồ mình mua xứng đáng với số tiền bỏ ra.
Hãy hỏi bản thân, trong vòng một năm tới, bạn vẫn hài lòng với đồ vật mình mua? Nếu câu trả lời là không, hãy cân nhắc dành số tiền mua sắm đó cho việc đầu tư.
Bằng cách này, bạn sẽ không bao giờ phải từ chối bản thân đồng thời mang lại sự ổn định về tài chính cho cuộc sống của bạn trong tương lai.
Con nghiện mua sắm: Giảm thiểu sử dụng thẻ tín dụng
Nếu bạn nghiện mua sắm, mục tiêu số một của bạn là hạn chế tiêu tiền không phải của mình. Bạn hãy kiểm soát việc sử dụng thẻ tín dụng mà ưu tiên sử dụng tiền mặt khi mua sắm những món đồ không thiết yếu.
Bạn hãy lên ngân sách chi tiêu cụ thể cho gia đình để xem còn lại bao nhiêu tiền mặt có thể tiêu tùy ý. Khi số tiền này hết đi, bạn hãy ngừng việc mua sắm lại. Nếu bạn vẫn còn tiền thừa vào cuối tháng, hãy chuyển khoản này vào tài khoản tiết kiệm cho tương lai.
Người luôn mắc nợ: Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia
Nếu bạn đang mắc nợ và không cách gì tháo gỡ được, đã đến lúc tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia. Một nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp có thể giúp tìm ra các giải pháp cho vấn đề của bạn để trả hết nợ và bắt đầu tiết kiệm cũng như đầu tư.
Nhà đầu tư:
Thường thì những người này có tình hình tài chính khá ổn nhưng đừng vì thế mà tự mãn về viễn cảnh kinh tế trong tương lai. Bạn hãy học cách tiết kiệm bằng việc sống căn cơ hơn để có thêm tiền đầu tư. Bạn cũng có thể cân nhắc nhiều con đường đầu tư khác để kiếm được lợi nhuận nhiều hơn.
Cho dù thói quen chi tiêu của bạn thuộc loại nào, hãy tìm cách khắc phục những điểm yếu và hướng tới sự độc lập tài chính. Tất cả những gì bạn cần là thành thật với bản thân về thói quen chi tiêu của mình và bắt đầu hành trình mới.