Thực trạng chống gian lận thuế, trốn thuế
Số liệu thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) toàn quốc năm 2013 ước đạt 810.000 tỷ đồng, bằng 99% dự toán, tăng hơn 200.000 tỷ đồng so với năm 2012 (607.844 tỷ đồng). Tổng thu do cơ quan thuế quản lý ước đạt 676.696 tỷ đồng, bằng 105% so với dự toán (tương ứng vượt 32.196 tỷ đồng) và bằng 112,7% so với thực hiện năm 2012.
Có được kết quả trên là nhờ vào sự đóng góp quan trọng của việc chống gian lận thuế và trốn thuế của lực lượng chống thất thu thuế như: Thanh tra Thuế, Thanh tra Hải quan, Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các đơn vị chống buôn lậu của các bộ, ngành. Trong thời gian qua, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 13.186,5 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 904 tỷ đồng; giảm lỗ là 11.430 tỷ đồng. Số tiền thuế đã nộp vào ngân sách qua thanh tra, kiểm tra là 9.255 tỷ đồng. Trong năm 2013, cơ quan Thuế các cấp đã chuyển cho cơ quan Công an 2.029 hồ sơ vụ việc có các dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế và cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan Công an là 1.379 vụ việc. Trên cơ sở đó, cơ quan Công an đã tiến hành xử lý hình sự 13 vụ, cơ quan thuế xử lý hành chính 457 vụ, tổng số tiền thu vào NSNN là 39,9 tỷ đồng.
Thực trạng trên cho thấy, gian lận thuế là hành vi vi phạm pháp luật luôn tồn tại song hành cùng với hoạt động thuế của Nhà nước. Nhà nước còn đánh thuế thì sẽ còn tồn tại hành vi gian lận thuế, trốn thuế do động cơ của gian lận thuế, trốn thuế. Có thể thống kê một số hành vi và nguyên nhân dẫn đến các đối tượng nộp thuế gian lận thuế và trốn thuế gây thất thu ngân sách và thất thoát NSNN như sau:
- Thực hiện hai hệ thống sổ sách kế toán bao gồm:
Một là hệ thống sổ kế toán nội bộ phản ánh đầy đủ các giao dịch kinh tế nhằm giúp giám đốc DN hoặc chủ kinh doanh theo dõi quản lý các hoạt động kinh tế phát sinh của các DN. Hiện tượng này là hiện tượng phổ biến của các DN tư nhân hiện nay; Hai là hệ thống kế toán nhằm phản ánh các hoạt động kinh tế để kê khai đóng thuế. Hệ thống hạch toán này chỉ phản ánh một phần, một số hoạt động kinh tế phát sinh của DN mà DN thấy không thể trốn thuế được hoặc không cần thiết phải trốn thuế để kê khai thuế. Hành vi này thường xảy ra ở các DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu, xây dựng và sản xuất nhỏ. Việc hạch toán bỏ ngoài sổ sách kế toán là phổ biến trong nền kinh tế tiền mặt, khi các hoạt động kinh tế diễn ra chỉ mỗi DN và người sử dụng hàng hóa của DN biết.
- Do sơ hở của việc quản lý hóa đơn chưa chặt chẽ, một số kẻ xấu đã dựa vào đó để thành lập DN ồ ạt, mua bán hóa đơn thu lợi bất chính cho các DN xuất nhập khẩu trốn thuế qua đường tiểu ngạch. Hình thức này được hiểu là tạo giao dịch mua hàng giả mạo để rút tiền của DN làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận trốn thuế thậm chí còn tiếp tay cho các đơn vị sự nghiệp làm thất thoát NSNN.
- Ghi giá bán trên hóa đơn và kê khai doanh thu tính thuế thấp hơn giá khách hàng thực tế thanh toán nhằm làm giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN phải nộp, gây ảnh hưởng đến số thu ngân sách.
- Hạch toán kế toán sai quy định để che giấu doanh thu tính thuế, hạch toán tăng chi phí tính thuế thu nhập DN và tăng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ. Các kiểu hạch toán sai chế độ kế toán rất đa dạng, khi bị kiểm tra phát hiện, cán bộ kế toán có thể lấy cớ là hạch toán nhầm hoặc do trình độ hạn chế nhằm tránh bị phạt.
- Lợi dụng sự quản lý của hải quan có hạn các DN xuất khẩu, nhập khẩu khai sai mã hàng hóa, sai tên hàng hóa, chủng loại hàng hóa nhập khẩu nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp.
- Gian lận thuế trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thông qua giá tính thuế: Khai báo thấp trị giá đối với những mặt hàng chịu thuế suất cao, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, những mặt hàng hay biến động về giá; Dựa vào danh mục dữ liệu giá của cơ quan hải quan để khai báo thấp trị giá của các lô hàng nhập khẩu thấp hơn trị giá giao dịch thực tế; Khai tăng trị giá tính thuế so với giá trị thực tế của hàng hóa nhập khẩu để tăng vốn đầu tư và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài…
- Lợi dụng kẽ hở của quy định khi thành lập DN, cá nhân, tổ chức sẽ được cấp một mã số thuế và xin phép được quyền in hóa đơn. Lợi dụng khe hở này các DN “ma” thành lập một cách ồ ạt (DN thương mai, dịch vụ, sản xuất nhỏ) và in hóa đơn bán cho các DN khác có nhu cầu. Việc sơ hở này chưa có tổng kết cụ thể, nhưng chắc chắn gây tổn thất rất lớn cho nền kinh tế từ thất thu thuế...
Bàn thêm về giải pháp chống gian lận thuế, trốn thuế
Nhằm giải quyết được việc gian lận thuế, trốn thuế, thất thu ngân sách và thất thoát NSNN, cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:
- Hoàn thiện chính sách thuế nói chung và các văn bản pháp luật về thuế nói riêng, đảm bảo có được hệ thống thuế thống nhất, phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu về nguồn thu ngân sách; Quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với khả năng đóng góp của các chủ thể trong nền kinh tế vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tăng thu nhập của dân cư. Cần nghiên cứu, khảo sát thực tế hệ thống thuế trong và ngoài nước nhiều hơn nữa để xây dựng được hệ thống thuế đạt yêu cầu: Công bằng, rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý thuế và đối tượng nộp thuế.
- Nghiên cứu xây dựng luật kế toán thuế riêng và cụ thể hóa các nghiệp vụ kinh tế phát sinh để hoạch toán thuế, nghiệp vụ được miễn giảm thuế, nghiệp vụ khấu trừ giá trị thuế giá trị gia tăng và quy định chi tiết các loại hàng hóa dịch vụ được tính thuế, khấu trừ thuế, hạch toán thuế để các kế toán khi hạch toán không hiểu nhầm, không hạch toán sai, đỗ lỗi không hiểu biết….
- Đẩy mạnh thực hiện việc chi tiêu, thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc kho bạc, tiến tới không sử dụng tiền mặt thanh toán cho việc mua bán hàng hóa. Ban hành quy chế thanh toán giữa các DN qua ngân hàng để ngân hàng và cơ quan thuế phối hợp với nhau trong việc kiểm soát nguồn gốc các hoạt động thanh toán qua các hệ thống của ngân hàng.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thuế hơn nữa giúp người nộp thuế nâng cao ý thức tuân thủ, kết hợp với hỗ trợ người nộp thuế trong tuân thủ pháp luật thuế
- Nâng cao mức phạt gian lận, trốn thuế để đối tượng nộp thuế phải sợ việc gian lận, trốn thuế. Quản lý chặt chi tiêu từ ngân sách cũng như chi tiêu tính vào chi phí của DN, tránh tình trạng lãng phí, thất thoát ngân sách hoặc giảm thu thuế giá trị gia tăng cũng như thuế thu nhập DN.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thuế và hiệu lực của các biện pháp cưỡng chế, xử lý vi phạm về thuế:
- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chống gian lận thuế, trốn thuế... của Bộ Tài chính với Bộ Công an, Bộ Công Thương khởi tố nhiều vụ việc trốn thuế để có tính răn đe với những đối tượng vi phạm, kịp thời ngăn chặn hành vi chiếm đoạt thuế, chuyển giá, trốn thuế.
- Nâng cao năng lực quản trị DN giúp các DN hoạt động kinh doanh tốt có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế, chấp hành tốt, nhưng quy định của luật thuế cũng như không vi phạm việc gian lận và trốn thuế, gây mất uy tín và thiệt hại cho DN. Từ đó, tạo điều kiện DN ngày càng phát triển bền vững.
- Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hơn nữa giúp cơ quan thuế giám sát tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh của DN từ khi thành lập, hoạt động đến khi giải thể.
Bàn thêm về giải pháp chống gian lận thuế
(Tài chính) Hơn 70% ngân sách nhà nước là thu từ thuế. Như vậy thuế giữ vai trò chủ đạo, chi phối toàn bộ nền kinh tế. Nếu hành vi trốn thuế, gian lận thuế càng nhiều thì nguồn ngân sách sẽ càng giảm, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Xem thêm