Bàn về chính sách sử dụng gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn
Hỗ trợ gạo cho học sinh là chính sách lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, cho vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Với những ý nghĩa, hiệu quả thiết thực đó, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh khu vực đặc biệt khó khăn cần được tiếp tục duy trì, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam hiện vẫn còn có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường.
Chính sách xuất phát từ cuộc sống
Theo “Báo cáo Trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam 2016” được Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện trong khuôn khổ “Sáng kiến toàn cầu về trẻ em ngoài nhà trường” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Viện Thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khởi xướng, có khá nhiều rào cản ngăn trẻ em Việt Nam đến trường, trong đó nghèo đói và trẻ em phải lao động sớm là 2 rào cản kinh tế chủ yếu ngăn trẻ em đến trường.
Hai rào cản kinh tế chủ yếu ngăn trẻ em đến trường nêu trên được nhìn nhận rõ nét đặc biệt là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Việt Nam. Thực tế, những nơi này thường có địa hình phức tạp, không thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Đồng bào các khu vực này đa số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, tình trạng thiếu lương thực xảy ra quanh năm. Đói nghèo dẫn đến học sinh, đặc biệt là các học sinh cấp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) không được đi học hoặc phải bỏ học để lên nương, lên rẫy, đi làm thuê, trở thành các lao động chính trong gia đình.
Nếu không có các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, nghèo đói và trẻ em phải lao động sớm sẽ tiếp tục là những rào cản lớn nhất ngăn trẻ em đến trường. Để "nâng bước" cho trẻ em đến trường, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ gạo cho người dân, hỗ trợ gạo cho học sinh và việc hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) cho học sinh vùng khó khăn đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện từ năm 2013 theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2016, chính sách hỗ trợ gạo được tích hợp cùng với chính sách hỗ trợ tiền ăn, nhà ở theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Theo đó, hàng năm Chính phủ xuất cấp không thu tiền gạo DTQG để hỗ trợ đối với học sinh tiểu học, THCS và THPT ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh. Mức hỗ trợ 15kg gạo/người/ tháng, thời gian hỗ trợ 9 tháng/năm được chia thành 2 kỳ (học kỳ 1 và học kỳ 2).
Thực hiện chính sách này, từ năm 2013 đến nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) đã xuất cấp 507.251 tấn gạo, trung bình mỗi năm xuất cấp hơn 72.000 tấn gạo từ nguồn DTQG giao cho các địa phương để hỗ trợ học sinh nghèo. Tổng số lượng học sinh đã được thụ hưởng khoảng 1.878.707 lượt, mỗi năm có khoảng hơn 268.000 em học sinh tiểu học, THCS và THPT ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi được thụ hưởng.
Hiệu quả tích cực góp phần “nâng bước” trẻ em đến trường
Chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn DTQG cho học sinh tiểu học, THCS, THPT ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi nhằm giải quyết trước mắt tình trạng thiếu lương thực-nguyên nhân chính của việc học sinh trong độ tuổi đến trường nhưng không đi học, bỏ học, giúp các em có đủ cái ăn, giảm gánh nặng cho gia đình là giải pháp hữu hiệu phá vỡ rào cản để đưa các em quay về với trường học.
Các số liệu Điều tra dân số năm 1999, 2009 và 2019 cho thấy, trong giai đoạn 1999-2019, đặc biệt là từ 2009-2019, giáo dục phổ thông đã có sự cải thiện rõ rệt về tỷ lệ trẻ em đi học, cụ thể:
Thứ nhất, tỷ lệ đi học đúng tuổi tăng mạnh, trong đó, bậc THCS, THPT có sự cải thiện rõ ràng nhất.
Tỷ lệ đi học đúng tuổi của cấp tiểu học năm 1999 là 87,8% nhưng đến năm 2019 đã là 98,5%. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp THPT là 53,7% vào năm 1999 nhưng đã tăng lên 68,3% vào năm 2019%.
Điểm đáng lưu ý là với bậc THCS, tỷ lệ đi học đúng tuổi bậc học này năm 2009 là 82,6% thấp hơn năm 1999 (83,2%) nhưng đến năm 2019, tỷ lệ đi học đúng tuổi đã có sự tăng vọt, lên 89,2%.
Thứ hai, giai đoạn 2009-2019, nếu xét về vùng miền thì tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi của bậc THCS khu vực nông thôn có tốc độ tăng cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ tăng bình quân của toàn quốc (nông thôn tăng từ 80,6% lên 88,1%, toàn quốc tăng từ 82,6% lên 89,2%, thành thị từ 88,8% lên 91,6%).
Đặc biệt, 2 vùng có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, có điều kiện kinh tế khó khăn nhất lại có tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc học THCS tăng cao nhất so với cả nước, cụ thể: vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng 13% (từ 77,2% lên 90,2%), vùng Tây Nguyên tăng 7,9% (từ 74,9% lên 82,8%).
Những con số này cho thấy, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã hội trong những năm gần đây đối với giáo dục phổ thông khu vực nông thôn, khu vực có nhiều khó khăn đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong đó, chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn DTQG cho học sinh tiểu học, THCS và THPT ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi có vai trò quan trọng.
Chính sách hỗ trợ gạo đã tác động trực tiếp, phá dỡ các rào cản, tạo điều kiện cho các em đến trường, đặc biệt đối tượng học sinh cấp THCS và THPT, nhờ đó, tỷ lệ đi học đúng tuổi bậc THCS và THPT trong khoảng 10 năm gần đây tăng lên một cách rõ rệt.
Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ gạo là các học sinh nghèo vùng nông thôn, trong đó các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên có lượng thụ hưởng nhiều nhất. Điều này giải thích vì sao trong những năm qua tỷ lệ đi học đúng tuổi bậc THCS và THPT ở nông thôn tăng cao hơn bình quân toàn quốc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên có tỷ lệ tăng cao nhất cả nước.
Vấn đề đặt ra và kiến nghị chính sách
Việc hỗ trợ gạo từ nguồn DTQG cho học sinh khu vực khó khăn là một trong những chính sách mang lại hiệu quả và có ý nghĩa chính trị lớn. 15kg gạo/tháng/em với giá cả hiện tại thì số tiền hỗ trợ chỉ ở mức 150.000 đồng/tháng và nếu xét trong cơ cấu hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, thì tỷ lệ lương thực (gạo) so với toàn bộ mức hỗ trợ cho các em chỉ ở mức 17,6%. Số gạo tưởng như ít nhưng với học sinh nghèo thì đây là món quà quý giá, không chỉ giúp các em học sinh khu vực khó khăn không bị “đứt bữa” mà còn là điểm tựa “nâng bước” giúp các em đến trường.
Từ những ý nghĩa thiết thực nêu trên, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh khu vực khó khăn cần được tiếp tục duy trì, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam hiện vẫn có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không được đến trường. Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường ở khu vực nông thôn cao hơn gần hai lần khu vực thành thị (9,5% so với 5,7%). Cấp học càng cao, tỷ lệ này càng lớn: Cấp tiểu học, cứ 100 em trong độ tuổi đi học cấp tiểu học thì có khoảng 1 em không được đến trường; con số tương ứng ở cấp THCS là gần 7 em, ở cấp THPT là 26 em.
Tại “Báo cáo Trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam 2016”, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc và Viện Thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc cũng đã kiến nghị Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người sinh sống có điều kiện đặc biệt khó khăn để duy trì kết quả đã đạt được và tiếp tục giảm tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường…
Tuy nhiên, để chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh khu vực khó khăn phát huy được hiệu quả cao nhất, tác giả kiến nghị một số vấn đề gồm:
Thứ nhất, bổ sung đối tượng thụ hưởng.
- Chính sách hiện nay chỉ hỗ trợ cho các em học sinh ở các trường phổ thông. Để bảo đảm công bằng và phát huy mọi đối tượng đi học cần bổ sung đối tượng được hưởng chính sách là học sinh thuộc hộ nghèo đang theo học cấp THPT tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có hộ khẩu thường trú tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Một thực tế cho thấy, không phải hộ gia đình dân tộc nào cùng nghèo, thậm chí có hộ người dân tộc rất giàu, vì vậy, cần bổ sung thêm điều kiện đối với đối tượng người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đang theo học tại các trường tiểu học, THCS, THPT phải là con hộ nghèo thì mới được hưởng chính sách hỗ trợ.
Thứ hai, đầu tư xây dựng kho lưu trữ, bảo quản gạo hỗ trợ.
Điều kiện cơ sở vật chất tại một số trường còn khó khăn, không có kho bảo quản gạo chuyên dụng, riêng biệt mà chủ yếu tận dụng phòng giáo viên, phòng học, lán tạm để bảo quản, lưu giữ gạo nấu ăn cho các em học sinh; Có trường chưa có đủ nhà bán trú, bếp nấu ăn cho học sinh nên công tác lưu giữ, bảo quản gạo còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng gạo hỗ trợ.
Vì vậy, cần đầu tư xây dựng kho lưu trữ, bảo quản gạo hỗ trợ; tập trung đầu tư xây dựng trường học phổ thông dân tộc bán trú cho học sinh để việc hỗ trợ các chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP dễ dàng thuận lợi và phát huy hiệu quả tốt hơn. Trước mắt cần tăng số lần giao gạo mối năm chia thành 2 kỳ (vào học kỳ 1 và học kỳ 2) như hiện nay thành 4 kỳ để giảm lượng gạo tồn chưa sử dụng kịp làm suy giảm chất lượng.
Tựu chung, bằng chính sách hỗ trợ gạo của Nhà nước cho học sinh khu vực khó khăn, "vòng xích" trói chặt đồng bào dân tộc thiểu số bao đời nay đó là: đói nghèo - thất học, lạc hậu - đói nghèo đã dần được phá bỏ.
Khi học sinh có đủ cái ăn, yên tâm đi học, "vòng xích" trên sẽ được phá dỡ, chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện, sẽ góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - nguồn nhân lực sẽ trực tiếp tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013;
2. Chính phủ (2016), Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016;
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, “Báo cáo Trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam 2016”;
4. Báo cáo Điều tra dân số năm 1999, 2009, 2019