Bằng chứng mới về sự đi xuống của kinh tế châu Á

Theo Cafef

Tác động từ khủng hoảng nợ công châu Âu và kinh tế Trung Quốc giảm tốc đối với châu Á ngày càng rõ rệt...

Bằng chứng mới về sự đi xuống của kinh tế châu Á
Kinh tế châu Á đang gặp nhiều khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế
Việc Ngân hàng Trung ương Thái Lan cắt giảm lãi suất cơ bản chỉ 4 ngày sau khi Thống đốc Prasarn Trairatvorakul tuyên bố không cần nới lỏng chính sách, đã góp thêm một bằng chứng cho thấy triển vọng kinh tế châu Á đang xấu đi, hãng tin tài chính Bloomberg cho hay.

Theo một thông báo đưa ra ngày hôm qua (17/10), Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã quyết định hạ mức lãi suất tái chiết khấu 0,25 điểm phần trăm xuống còn 2,75%. Quyết định này hoàn toàn bất ngờ, bởi theo một cuộc thăm dò dư luận trước đó của Bloomberg, chỉ có 3 trên tổng số 23 nhà kinh tế dự đoán sẽ có động thái này.

Kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan đã giảm nhiệt do tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc chậm lại và các biện pháp khắc khổ ở châu Âu đã tác động mạnh tới nhu cầu hàng hóa châu Á. Trong tuyên bố của mình, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết không có sự can thiệp về mặt chính trị vào quyết định hạ lãi suất này của họ.

Nói một cách khác, việc Thái Lan hạ lãi suất hoàn toàn xuất phát từ thực trạng khó khăn của nền kinh tế này. Việc hạ lãi suất sẽ giúp giảm chi phí cho vay để bảo vệ nền kinh tế hạn chế ảnh hưởng từ bên ngoài. Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, nền kinh tế nước này có khả năng chỉ tăng trưởng 5,7% trong năm 2012.

Đầu tháng này, Ngân hàng Thế giới cũng đã đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2012 của khu vực châu Á. Định chế này đã hạ dự báo tăng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Ấn Độ và Nhật Bản) xuống còn 7,2%, từ mức 7,6% đưa ra trong lần dự báo hồi tháng 5.

Mặc dù vậy, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn được WB đánh giá là có vị thế tốt để chống chọi được với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu hoặc suy giảm tăng trưởng toàn cầu. Những điểm mạnh của các nền kinh tế trong khu vực mà WB chỉ ra là các ngân hàng có mức vốn cao, thâm hụt ngân sách công thấp, và dự trữ ngoại hối cao.

WB dự báo, nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm nay. Định chế này cho rằng, GDP toàn cầu sẽ tăng 2,3% trong năm nay, trước khi tăng 2,6% trong năm 2013. Riêng về Thái Lan, Ngân hàng Thế giới dự báo, nền kinh tế này sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm nay.

Ngay sau dự báo của WB, trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu công bố trước thềm cuộc họp thường niên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 và 2013 lần lượt là 3,3% và 3,6%, thấp hơn dự báo 3,5% và 3,9% trước đó. Như vậy, tăng trưởng năm 2012 được dự báo thấp nhất kể từ năm 2009.