Bảo đảm quyền giám sát của dân trong hoạt động ngân sách

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tại Diễn đàn góp ý cho dự thảo Luật Ngân sách nhà nước và việc lồng ghép giới do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vừa tổ chức ngày 27.1, không ít ý kiến cho rằng, dự thảo luật cần có quy định cụ thể bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò giám sát của cộng đồng đối với việc sử dụng ngân sách nhà nước.

Bảo đảm quyền giám sát của dân trong hoạt động ngân sách
Việc quy định một điều riêng về trình tự, thủ tục thực hiện công khai, minh bạch sẽ phần nào giảm thiểu được tình trạng lãng phí trong phân bổ và sử dụng ngân sách. Nguồn: internet
Bảo đảm tính công khai minh bạch

Phó chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã cho biết, dự thảo luật được sửa đổi toàn diện và cân bằng, tạo ra nhiều nét đột phá, đặc biệt trong việc bảo đảm tính công khai, minh bạch về quản lý ngân sách. Theo Điều 55 Hiến pháp 2013, ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác do Nhà nước thống nhất quản lý và phải được sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Nhằm cụ thể hóa nội dung này, dự thảo Luật Ngân sách nhà nước cũng dành một điều riêng để quy định về việc công khai ngân sách nhà nước và việc giám sát ngân sách của cộng đồng.

Rõ ràng, việc quy định một điều riêng về trình tự, thủ tục thực hiện công khai, minh bạch sẽ phần nào giảm thiểu được tình trạng lãng phí trong phân bổ và sử dụng ngân sách đồng thời bảo đảm quyền giám sát của người dân trong các hoạt động ngân sách, khắc phục những hạn chế của pháp luật hiện hành. Thực tế cho thấy, có những trường hợp người dân bức xúc về việc phân bổ ngân sách cho các công trình xây dựng tại địa phương nhưng ý kiến của dân lại chưa được phản ánh hoặc ghi nhận một cách tương xứng. Ngân sách ở một số địa phương tập trung phân bổ quá nhiều cho những mục tiêu cứng của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong khi nhiều nhu cầu cơ bản và cấp bách hơn của người dân lại chưa được đáp ứng.  

Mặc dù Điều 15 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 đã có quy định cụ thể về yêu cầu công khai ngân sách các cấp nhưng những quy định này gần như không được thực hiện. Công khai minh bạch trong hoạt động ngân sách của các cấp nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa bảo đảm thuận lợi để người dân hiểu và bày tỏ ý kiến của mình. Tại một số địa phương, thông tin về thu chi ngân sách không được niêm yết hoặc không được công bố trực tiếp đến người dân.

Nâng cao trách nhiệm giải trình

Không ít chuyên gia cho rằng, dự thảo luật với những quy định cụ thể không chỉ tạo điều kiện giúp người dân hiểu và bày tỏ ý kiến của mình mà còn nâng cao trách nhiệm giải trình, cung cấp thông tin bổ sung về các vấn đề có liên quan hoặc cơ chế giải đáp thắc mắc cho người dân về những thông tin đã công khai – vốn là một trong những điểm còn hạn chế hiện nay.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng CECEM, mặc dù có những xã đã công bố thông tin về dự toán, quyết toán ngân sách cấp xã song mới chỉ công bố số tiền về các khoản chi đã được phê duyệt hoặc đã được thực hiện, người dân không có thông tin về căn cứ phân bổ và sử dụng ngân sách do không có bất kỳ giải trình nào kèm theo. Chưa kể, cũng có trường hợp người dân bày tỏ sự quan tâm của mình về thông tin có liên quan đến lập dự toán, phương án phân bổ ngân sách nhà nước, tuy nhiên họ cũng rất khó khăn trong việc xác định gặp ai để hỏi và bày tỏ ý kiến, hoặc nếu có xác định được thì cũng chưa hài lòng về những phản hồi đã nhận được. Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp, người dân thường lựa chọn cách ứng xử là không quan tâm tới thông tin về ngân sách nhà nước. Từ đó dẫn tới tình trạng là các cấp ngân sách cứ công khai thông tin còn người dân vẫn không nắm bắt được.

Thực tế cho thấy, tại Bắc Giang, từ 37,7 -  43,2% người dân được hỏi không biết rằng ngân sách được chi cho phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng và hoạt động của bộ máy nhà nước; từ 59,7 - 63,1% số người được hỏi không biết rằng, ngân sách được chi trả nợ của Nhà nước và chi viện trợ. Trong khi đó, có đến 42,7% người dân được tham vấn tại các tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Vũng Tàu, Nam Định cho biết, họ có nghe hoặc có nhìn thấy về báo cáo thu chi ngân sách của xã nhưng không nhớ hoặc không hiểu được những thông tin này.

Bà Nguyễn Thu Hương - điều phối viên cấp cao Chương trình Quản trị nhà nước của Tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam nhận định, để khắc phục những hạn chế trên, dự thảo cần quy định rõ quyền yêu cầu cung cấp thông tin của người dân và trách nhiệm giải trình của cơ quan có thẩm quyền, bởi nếu không rõ vấn đề này thì công chúng và các tổ chức rất khó có thể tham gia thực hiện chức năng giám sát.

Dân giám sát tới đâu?

Dự thảo đã quy định cụ thể bảo đảm quyền giám sát của dân thông qua việc thực hiện cơ chế công khai minh bạch. Thế nhưng, vẫn không ít người băn khoăn đặt câu hỏi: có nên để người dân đóng góp ý kiến vào việc lập dự toán ngân sách? Bởi theo quy định của pháp luật, ngân sách nhà nước được giám sát bởi cộng đồng, người dân có quyền tham gia đóng góp ý kiến vào dự toán và quyết toán đã được Quốc hội và HĐND phê chuẩn, công khai.

Không ít chuyên gia cho rằng, sự tham gia của người dân vào quy trình lập dự toán, lập phương án phân bổ ngân sách nhà nước là rất cần thiết, xuất phát từ chính mong muốn của người dân với vai trò là người đóng góp trực tiếp cho ngân sách. Do vậy, cần có phương thức phát huy sự tham gia của người dân vào quá trình lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách, đặc biệt là bảo đảm phương thức tham gia trực tiếp của người dân ở cấp cơ sở. Các khoản dự toán thu, chi ngân sách phải được công khai và minh bạch về thông tin, không áp dụng cơ chế báo cáo mật đối với dự toán, quyết toán khi trình ra các cơ quan dân cử. Các thông tin mật chỉ được áp dụng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Theo Phó chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã, sự tiếp cận của người dân với ngân sách là một chuyện nhưng để người dân hiểu ngân sách được lập, phân bổ như thế nào cũng là cả một vấn đề. Muốn như vậy, dự toán công khai phải bằng ngôn ngữ đơn giản, thân thiện và dễ hiểu. Đơn cử như tiền thuế của dân đi như thế nào, dùng vào vấn đề gì, người dân đã được hưởng những gì phải được công khai, minh bạch.

Ủy viên Thường trực UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Khá cũng cho rằng, tùy theo cơ chế công khai mà có cơ chế giám sát hiệu quả, tức là công khai tới đâu thì giám sát tới đó. Khi đã công khai rồi thì phải có thuyết minh bởi người dân đọc bản công khai nhưng thiếu thông tin thì sẽ không hiểu và không giám sát được.