Bảo hiểm xã hội khu vực I quyết tâm lan tỏa chính sách an sinh tại Hà Nội
Sáng 17/5, không khí trên nhiều tuyến phố, khu dân cư, chợ dân sinh tại Hà Nội trở nên rộn ràng hơn thường lệ. Khắp các con phố từ trung tâm tới vùng ven, lực lượng cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội cùng các Tổ chức dịch vụ thu đồng loạt ra quân, mang theo thông điệp của sự sẻ chia, của niềm tin vào chính sách nhân văn vì cuộc sống ổn định, lâu dài cho mọi người dân.
Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân do Bảo hiểm xã hội khu vực I phối hợp cùng 17 Tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn TP. Hà Nội tổ chức, được thực hiện song song trực tuyến và trực tiếp tại hàng loạt điểm cầu của bảo hiểm xã hội các quận, huyện trên toàn thành phố. Chủ đề “Bảo hiểm xã hội – An tâm cho mọi gia đình” không chỉ là khẩu hiệu, mà là cam kết, là hành động cụ thể hướng tới mục tiêu bao phủ toàn dân về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Công Định – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội khu vực I nhấn mạnh: “Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội khu vực I đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các cấp và các tổ chức đoàn thể để vận động, hỗ trợ người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế. Giúp mọi người dân trên địa bàn Thủ đô được tiếp cận chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.”
Ngay sau lễ phát động, các tổ tuyên truyền đã tỏa đi khắp các quận, huyện, khu dân cư, chợ dân sinh tại Thủ đô. Đội hình roadshow len lỏi qua từng tuyến phố với băng rôn, loa phát thanh, tờ rơi... mang theo những thông điệp nhân văn như: “bảo hiểm xã hội tự nguyện – Của để dành của người lao động”, “Đóng góp hôm nay, để dành tương lai”, “Bảo hiểm xã hội giúp bạn giảm bớt khó khăn tài chính khi gặp rủi ro”…
Từ sáng sớm, tại chợ Hà Đông – một trong những khu chợ sầm uất bậc nhất Thủ đô Hà Nội - chúng tôi ghi nhận không khí sôi nổi của lực lượng tuyên truyền viên, cán bộ bảo hiểm xã hội đang trực tiếp gặp gỡ, tư vấn cho người dân. Những cuộc trò chuyện chân thành, cởi mở không chỉ giúp người dân hiểu rõ hơn về chính sách mà còn khơi dậy sự chủ động tham gia bảo hiểm – như một “của để dành” cho chính mình và gia đình.
Trò chuyện với cán bộ Bảo hiểm xã hội khu vực I, chị Kiều Hoài Ân – chủ sạp quần áo chia sẻ: “Trước đây, tôi nghĩ bảo hiểm xã hội là chuyện của người có lương, có hợp đồng. Hôm nay, được nghe giải thích cặn kẽ, tôi mới hiểu bảo hiểm xã hội tự nguyện chính là tấm lưới an toàn tài chính cho những người làm nghề tự do như mình. Đóng đều đặn một khoản nhỏ hôm nay, để sau này không phải lo nghĩ khi về già.”
Chị Khuất Thị Kim Thoa – một tiểu thương khác không giấu được niềm vui: “Tôi đã tìm hiểu từ trước nhưng còn lăn tăn. Nay gặp cán bộ bảo hiểm xã hội tư vấn tận nơi, rõ ràng về thủ tục và quyền lợi, tôi quyết định tham gia luôn. Cảm giác thật nhẹ lòng khi biết mình và gia đình đã có một điểm tựa cho tương lai.”
Với cách tiếp cận trực tiếp, gần gũi, kết hợp tuyên truyền đa phương tiện trên mạng xã hội, livestream, fanpage..., các tổ chức dịch vụ thu và Bảo hiểm xã hội khu vực I đang từng bước thay đổi nhận thức cộng đồng. Theo ông Nguyễn Công Định, đây chính là giải pháp trọng tâm của đơn vị trong việc mở rộng độ bao phủ của chính sách. “Bảo hiểm xã hội khu vực I đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình đến gần hơn với người dân. Trong đó, trọng tâm là phải đa dạng hình thức tuyên truyền, tận dụng ưu thế của truyền thông hiện đại để lan tỏa chính sách bảo hiểm xã hội tới từng hộ dân.”, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội khu vực I Nguyễn Công Định nhấn mạnh.
Nhờ nỗ lực ấy, kết quả phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn TP. Hà Nội trong 4 tháng đầu năm 2025 rất khả quan. Số người tham gia bảo hiểm y tế đã vượt 8,1 triệu, đạt tỷ lệ bao phủ 95,35% dân số toàn Thành phố; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 110.000, tăng hơn 5.500 người so với cuối năm 2024. Những con số này là bằng chứng sống động cho thấy chính sách bảo hiểm xã hội đang được nhân dân Thủ đô ngày một đón nhận và tin tưởng.
Chị Nguyễn Thị Oanh – người bán hoa quả lâu năm tại chợ Hà Đông – là minh chứng cho sự thay đổi ấy. “Buôn bán bấp bênh, thu nhập không đều, trước đây tôi cũng ngại tham gia vì sợ không kham nổi. Nhưng cán bộ bảo hiểm xã hội phân tích rằng mức đóng có thể linh hoạt, thấp nhất chỉ hơn 300.000 đồng/tháng, lại còn được Nhà nước hỗ trợ một phần, tôi thấy rất hợp lý. Vợ chồng tôi bàn bạc và quyết định tham gia cả bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế để yên tâm cho tương lai.”
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể cho mỗi cán bộ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế – cố gắng phát triển ít nhất 1 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 1 người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình trong ngày ra quân. Đây là hành động cụ thể để từng bước hiện thực hóa chỉ tiêu mà UBND TP. Hà Nội giao trong năm 2025: tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,5%, tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 3,5% lực lượng lao động. Bảo hiểm xã hội khu vực I không chỉ cam kết đạt, mà còn nỗ lực vượt mức các chỉ tiêu này.
Có thể nói, bảo hiểm xã hội tự nguyện đang trở thành một lựa chọn ngày càng thiết thực đối với hàng triệu lao động tự do. Không cần hợp đồng lao động, không phụ thuộc vào doanh nghiệp, người dân có thể chủ động tham gia, lựa chọn mức đóng phù hợp, tích lũy dần để khi đến tuổi nghỉ hưu có lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế miễn phí suốt đời. Chính sách này thể hiện rõ tinh thần nhân văn và bao trùm của hệ thống an sinh xã hội Việt Nam "không ai bị bỏ lại phía sau".
Cũng như nhiều người dân Thủ đô hôm nay, chị Thoa, chị Ân, chị Oanh đến chợ không chỉ để buôn bán, mà còn mang theo cả một niềm tin rằng mình đang tích lũy từng ngày cho một tương lai vững vàng. Và đó chính là thành công lớn nhất của chiến dịch - gieo mầm an sinh từ những cuộc trò chuyện giản dị, vun đắp niềm tin từ những hành động thiết thực.