Bảo vệ Cơ chế một cửa quốc gia bằng “tường lửa”
(Tài chính) Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) vừa ban hành Quyết định số 75/QĐ-BCĐASW về quy chế quản lí, vận hành, khai thác, sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin của Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Quy chế áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị chức năng có nhiệm vụ cấp phép hoặc giải quyết các thủ tục hành chính thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc có hệ thống CNTT kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Trong quá trình quản lí, vận hành, sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin trên Cổng các đơn vị liên quan phải đảm bảo sự chủ động, tích cực. Đặc biệt, đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, đạt chất lượng và hiệu quả, tuân thủ theo thời gian quy định, tạo thuận lợi cho người khai trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Để đảm bảo an toàn thông tin trên Cổng, Ban chỉ đạo quốc gia, quy định CBCC các đơn vị sau khi được cấp tài khoản, quyền truy cập hệ thống và các trang thiết bị khác (nếu có) có trách nhiệm thay đổi, bảo mật mật khẩu truy cập, bảo quản các trang thiết bị và sử dụng đúng quyền hạn được xác lập trên hệ thống.
Tên truy cập, mật khẩu hoặc chữ kí số là căn cứ xác định trách nhiệm của từng người sử dụng trong thực hiện các chức năng của hệ thống…
Cổng thông tin một cửa quốc gia phải được bảo vệ tối thiểu bởi thiết bị tường lửa và phòng chống xâm nhập, được rà soát điểm yếu bảo mật định kỳ và khắc phục các điểm yếu nếu có.
Đơn vị quản lí Cổng thông tin một cửa quốc gia, các cơ quan quản lí có trách nhiệm giám sát, phát hiện, báo cáo về các hành vi gian lận trong khai báo và việc thực hiện các trách nhiệm của người khai…
Ngày 12-11, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh- Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia cơ chế một cửa ASEAN và NSW, chính thức khai trương Cơ chế một cửa quốc gia.
3 thủ tục được thực hiện đầu tiên trong Cơ chế một cửa quốc gia gồm: Thủ tục với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh tại 3 khu vực cảng biển: Hải Phòng; TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu. Các bộ, ngành tham gia giải quyết với 3 thủ tục nêu trên gồm: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan); Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Y tế; Bộ Quốc phòng.
Giai đoạn đầu có 9 DN được lựa chọn tham gia NSW. Trong đó, khu vực cảng Hải Phòng có các công ty: SITC Việt Nam, Dịch vụ hàng hải Nhật Thăng và chi nhánh Công ty CP vận tải và thuê tàu tại Hải Phòng (Vietfrancht); khu vực cảng TP.HCM có các hãng tàu Hanjin Shipping Việt Nam, Vitamas (hãng NYK Line Vietnam) và Công ty đại lý Liên hiệp vận chuyển Gemadept; tại Vũng Tàu, các công ty tham gia gồm: Vận tải dầu khí Sài Gòn (SP Shipping), Hoyer Transport Việt Nam và Dịch vụ giao nhận vận tải Sao Đại Dương.