Bất động sản 2015 sẽ bứt phá nhờ hạ tầng ?
(Tài chính) Hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh đầu tư và từng bước đưa vào sử dụng trong thời gian vừa qua không chỉ làm thay đổi bộ mặt đô thị của Thành phố mà còn góp phần mở lối cho thị trường bất động sản phát triển.
Trong năm vừa qua, hạ tầng đô thị ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có sự phát triển vượt bậc, nhiều công trình hoàn thiện và nhiều công trình mới được khởi công. Theo sau sự phát triển của hạ tầng, thị trường bất động sản khu vực này cũng khởi sắc trở lại sau thời gian dài “băng giá”.
Tại Hà Nội, ba dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại khu vực bắc bao gồm đường 5 kéo dài, cầu Nhật Tân và đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân. Ba dự án có tổng mức đầu tư gần 27.000 tỷ đồng. Đây là những tuyến đường huyết mạch, hiện đại kết nối trung tâm Thủ đô với Đông Anh –Nội Bài.
Sau gần 3 năm sụt giảm, nhà đất quanh khu vực Đông Anh đang chờ đón cơ hội sau khi cầu Nhật Tân chính thức được hợp long. Những tháng đầu năm 2014 giao dịch bất động sản đã cải thiện. Tuy nhiên, với những khu vực xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ, việc mua bán nhà đất vẫn còn đìu hiu.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, việc cầu Nhật Tân hoàn thành sẽ rút ngắn một nửa thời gian và hành trình từ trung tâm Hà Nội đến sân bay Nội Bài, bên cạnh đó, các công trình giao thông đường bộ gồm vành đai 1 - 2 - 2,5, đặc biệt là các đường cắt ngang nối từ Lạc Long Quân sang đường Phạm Văn Đồng đang dần hoàn thiện... tạo một diện mạo hạ tầng giao thông đồng bộ cho khu vực này... Hơn nữa, mật độ xây dựng khu vực quanh cầu Nhật Tân còn khá thấp, lại gần sông, gần hồ, nên nhiều người muốn chuyển về đây để tận hưởng môi trường sống thoáng đãng.
Qua khảo sát, bên chân cầu Nhật Tân, phía Tây Hồ, các dự án nhà ở không nhiều, chỉ có hai dự án quy mô lớn là Ciputra và Vườn Đào. Nhà ở tại các dự án này đã được mở bán từ khi thị trường bất động sản còn sôi động, sau thời điểm giảm giá, đến nay đã tăng lên tương đương với mức giá ban đầu. Cụ thể, giá nhà liền kề, biệt thự tại Ciputra cuối năm 2013 có mức bán khoảng 70 - 90 triệu đồng/m2; nay vào khoảng 120 - 130 triệu đồng/m2. Chung cư Vườn Đào năm 2013 là 25 - 30 triệu đồng/m2; nay là 35 - 40 triệu đồng/m2; giá biệt thự tăng từ 100 triệu đồng lên 120 triệu đồng/m2.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, hàng loạt dự án hạ tầng được đầu tư xây dựng trong thời gian qua như metro, đại lộ Mai Chí Thọ, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, đường Vành đai 2 nối khu vực Q.7 với Q.2, Q9... đã khiến thị trường bất động sản, đặc biệt là khu vực phía đông TP phát triển mạnh thời gian gần đây.
Đáng kể nhất phải nhắc đến Tuyến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng. Đây là một trong những tuyến đường được đánh giá là sẽ đem lại sức bật cho vùng cửa ngõ phía Đông – Bắc thành phố. Dự án có tổng vốn đầu tư là 340 triệu USD, dài 13,7 km nằm trên hệ thống giao thông vành đai của TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là tuyến đường huyết mạch với 12 làn xe lưu thông, kết nối trung tâm thành phố với các khu đô thị vệ tinh xung quanh và các tỉnh liền kề. Một số đoạn của tuyến đường đã được thông xe trong năm 2014, dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thiện vào đầu năm 2015.
Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông ở phía Đông TP. Hồ Chí Minh được khẩn trương hoàn thiện, đặc biệt là Tuyến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài và tuyến đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, giới kinh doanh địa ốc kỳ vọng, sự bứt phá của cơ sở hạ tầng sẽ mở lối cho thị trường bất động sản phát triển.
Đáng nói là thời gian gần đây, rất nhiều chủ đầu tư chấp nhận san sẻ gánh nặng với ngân sách thông qua việc bỏ vốn đầu tư hạ tầng. Tập đoàn Vingroup khi triển khai dự án Vinhome Tân Cảng đã cam kết với UBND TP nâng cấp con đường Nguyễn Hữu Cảnh, xây dựng tuyến đường ven sông từ đường Tôn Đức Thắng đến đường chui bên dưới dạ cầu Sài Gòn và mở rộng đường Ung Văn Khiêm, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.100 tỉ đồng. Để triển khai Khu đô thị Sa La, Công ty Đại Quang Minh đã ký hợp đồng với TP xây dựng 4 tuyến đường chính, quảng trường trung tâm, khu công viên bờ sông. Nhờ hệ thống hạ tầng ở khu vực Thủ Thiêm được đầu tư, dự án Sa La cũng được hưởng lợi, tăng giá trị.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, cũng đánh giá thị trường thời gian gần đây ấm lên một phần nhờ vào các chính sách hỗ trợ, một phần nhờ vào hệ thống hạ tầng trọng điểm được đầu tư và đưa vào sử dụng khá nhiều. Hiện các nhà đầu tư BĐS nước ngoài cũng đổ dồn về đây săn quỹ đất sạch triển khai dự án.
Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho vào cuối năm 2012, đến nay đã giải quyết được 8.208 căn (56,64%), trong đó 11 tháng đầu năm 2014 giải quyết được 3.131 căn. 6.282/14.490 căn hộ tồn kho còn lại chủ yếu là các căn hộ có diện tích lớn hơn 70 m 2 , các căn hộ ở các dự án có vị trí không thuận lợi, chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hoặc các dự án xây dựng chậm tiến độ.