Bất động sản du lịch ven biển phía Bắc đang trỗi dậy

Theo kinhdoanhnet.vn

(Tài chính) Nếu như vài năm trước đây, giới nhà giàu Hà Nội phải đầu tư tiền tỷ vào các dự án biệt thự biển ở Đà Nẵng, Nha Trang... thì người dân có thu nhập cao tại Miền Bắc trong thời gian tới sẽ không nhất thiết phải vào tận miền Trung để tận hưởng dịch vụ, sở hữu bất động sản (BĐS) biển cao cấp vì BĐS du lịch, nghỉ dưỡng ven biển phía Bắc trong thời gian gần đây đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ.

Bất động sản du lịch ven biển phía Bắc đang trỗi dậy
Thực tế đang cho thấy một khoảng trống lớn trên thị trường bất động sản. Nguồn: internet

Sau gần 5 năm trầm lắng do khủng hoảng kinh tế, từ đầu năm 2014, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam dường như được hâm nóng trở lại khi hàng loạt dự án đầu tư vào lĩnh vực này được công bố. Tuy nhiên khác với thời điểm của năm 2008 – 2009, khi phần lớn dự án nghỉ dưỡng chủ yếu tập trung vào ven biển Miền Trung thì địa điểm thu hút các nhà đầu tư bây giờ đã khác.

Quan sát trên thị trường cho thấy, hiện nay điểm nóng về đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, có sức hút lớn với các nhà đầu tư chính là Hạ Long và Phú Quốc. Thực tế này cũng không có gì là khó lý giải, bởi bên cạnh tiềm năng phát triển du lịch của hai khu vực này, thì Phú Quốc và Hạ Long đang là những địa điểm có thể trở thành một trong những đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam.

Tại Phú Quốc, hiện đã có hơn 108 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD. Ngoài ra, còn có gần 100 dự án khác đã được chấp thuận đầu tư nhưng chưa được cấp giấy phép. Trong khi đó, với tham vọng thành đô thị quốc tế vào năm 2050, Quảng Ninh đang là động lực cho các nhà đầu tư rót vốn. Tập đoàn Amata của Thái Lan đang xúc tiến thực hiện đầu tư khu đô thị công nghiệp công nghệ cao với số vốn đầu tư gần 2 tỷ USD tại Quảng Ninh. Theo ý tưởng của liên doanh Amata – Tuần Châu, dự án rộng 7.834ha. Tập đoàn ISC Corp của Mỹ cũng ngỏ ý đầu tư vào Dự án phức hợp vui chơi giải trí (Casino) tại đảo Tuần Châu, TP. Hạ Long, với tổng vốn đầu tư lên tới 7,5 tỷ USD.

Không chỉ thu hút nhiều dự án từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính trong nước cũng tham gia vào thị trường Quảng Ninh. Mới đây, tập đoàn Tuần Châu đã khởi động Dự án cảng du thuyền quốc tế và Dự án (Smart City – Thành phố Thông minh) trị giá hàng trăm triệu USD. Vingroup cũng đang xúc tiến đầu tư Khu khách sạn nghỉ dưỡng biển cao cấp tại đảo Rều và khu đón tiếp trên bờ tại thành phố Hạ Long. Theo đề xuất, tại đây sẽ xây khách sạn resort 5 sao với tổng diện tích là 4,96ha.

Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam (một thành viên của BIM Group) cũng đã cho ra mắt dự án Little Vietnam, nằm trong quần thể Khu đô thị Halong Marina, Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh. Đây là dự án mô phỏng phương thức kinh doanh truyền thống của Hà Nội 36 phố phường và phố cổ Hội An.

Theo thông tin từ chủ đầu tư, Little Vietnam sở hữu vị trí tuyệt đẹp tại kỳ quan thiên nhiên thế giới – Vịnh Hạ Long, tại trung tâm của Khu đô thị du lịch Halong Marina đã được quy hoạch đồng bộ và hoàn chỉnh. Đây còn là nơi an cư an toàn, tiện lợi với đầy đủ và đa dạng các loại hình dịch vụ tiện ích. Từ Little Vietnam, chỉ mất 5 – 10 phút đi bộ Tổ hợp thương mại và giải trí Halong Marine Plaza, rạp chiếu phim tiêu chuẩn quốc tế CGV Cinemas, bãi biển Marina Bay, trường học, bệnh viện, trung tâm tài chính… đã hiện ra ngay trước mắt.

Sau khi sở hữu một biệt thự biển ở Đà Nẵng và tham gia đầu tư nhiều sản phẩm biển ở các dự án miền Trung, ông Nguyễn Quang Bình - một doanh nhân ở Hà Nội cho rằng, dù BĐS đang trải qua giai đoạn khó khăn nhưng nhu cầu BĐS biển vẫn rất lớn và không ngừng tăng lên. Khách hàng không chỉ cần một nơi thụ hưởng dịch vụ cao cấp, tạo dựng một tài sản cho bản thân mà nhu cầu đầu tư cũng rất lớn. Họ sẵn sàng mua một vài biệt thự hoặc căn hộ nghỉ dưỡng có giá triệu đô. Vấn đề họ quan tâm là sẽ thu được những gì nếu bỏ tiền ra mua sản phẩm đó.

Đại diện một doanh nghiệp BĐS đầu tư dự án ở Hội An cho biết: "Nhu cầu mua căn hộ, biệt thự để đầu tư và nghỉ dưỡng cuối tuần của người dân Hà Nội khá cao. Thực tế, có tới 80% số khách hàng mua căn hộ và biệt thự trong các khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, Hội An đến từ Hà Nội. Thậm chí, các dự án bất động sản du lịch ở Phan Thiết cũng nhắm đến đối tượng khách hàng là người Hà Nội".

Nhu cầu về BĐS nghỉ dưỡng lớn như vậy nhưng ở phía Bắc trước đây chưa có một dự án nào xứng tầm. Mặc dù có một vài dự án được triển khai hay lên kế hoạch nhưng chưa thực sự hút được khách. Dù có bất lợi hơn về thời tiết theo quan điểm khai thác du lịch biển kiểu cũ, biển miền Bắc không hề thua kém bất cứ nơi đâu về các tiêu chí. Hơn thế, biển miền Bắc lại có những lợi thế đặc biệt về cảnh quan, di sản, văn hóa ít nơi bì kịp.

Những địa danh biển như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An... đều hội tụ đủ tiềm năng nhưng hiện đều đang khai thác ở mức sơ khai. Như vậy, một mảng thị trường đã bị bỏ trống, và cả một tiềm năng lớn của biển miền Bắc cũng đang ở dạng "ngủ quên".

Tuy nhiên, thực tế hiện nay phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng ven biển phía Bắc đã có những chuyển biến tích cực. Một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, thời gian gần đây, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng thuộc khu vực miền Trung đã có sự dư cung nên các nhà đầu tư đang chuyển hướng sang khu vực phía Bắc. Thị trường BĐS nghỉ dưỡng phía Bắc càng tăng nhiệt khi hàng loạt nhà đầu tư ở Hà Nội dồn sức chạy đua vào phân khúc này. Những gì mà các ông chủ như Tuần Châu, Vingroup, hay Sungroup và mới đây nhất là FLC... đã làm là một ví dụ.

Một vài dự án khác cũng gây chú ý trong thời gian gần đây như quần thể Halong Marina tại Quảng Ninh của BIM Group hay Tổ hợp dự án sân golf 18 lỗ cùng khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Thanh Hóa của tập đoàn FLC. FLC cũng đồng thời đầu tư xây dựng khu Quần thể Văn hóa - Du lịch Cồn Nổi và Khu resort tiêu chuẩn 5 sao nằm liền kề sân golf có quy mô trên 340 ha với tổng mức đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng tại Sầm Sơn. Ngoài ra một số dự án lớn như Cát Bà Amita đã từng đình đám một thời vẫn tiếp tục được đẩy mạnh triển khai. Hàng loạt dự án lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang hướng đến Vân Đồn khi nơi đây được định hướng thành Đặc khu kinh tế biển.

Ông Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định, ngoài điểm nóng Hạ Long và Vân Đồn (Quảng Ninh) thì những địa danh như Thanh Hóa, Hải Phòng... có vị trí tốt liên quan chặt chẽ đến du lịch, văn hóa... cũng đang cho thấy sự quan tâm tương tự. Đây là những biểu hiện rõ rệt nhất cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam về bất động sản hiện đang còn khá hấp dẫn, đặc biệt là tiềm năng về các dự án nghỉ dưỡng, du lịch ven biển...

Không thể so sánh các dự án BĐS nghỉ dưỡng ven biển miền Trung hay phía Nam với các dự án BĐS nghỉ dưỡng phía Bắc nhưng cái mà chúng ta thấy rõ nhất lợi thế của các dự án nghỉ dưỡng ven biển phía Bắc là khu vực này vẫn còn thiếu một lượng lớn các cơ sở lưu trú mang tầm cỡ quốc tế để phát triển du lịch. Trong khi đó, giao thông từ Hà Nội ngày càng được cải thiện, tuyến đường cao tốc đã đi vào sử dụng rút ngắn thời gian đi lại, việc mở rộng sân bay của các tỉnh phía Bắc cũng là một động lực lớn để phát triển du lịch.