Bất động sản giữ sức hút trong năm 2021
Kinh tế vĩ mô tốt, tâm lý nhà đầu tư tích cực, lượng cầu mạnh và sản phẩm đa dạng tạo nền móng vững vàng cho bất động sản.
Covid-19 xảy đến bất ngờ tưởng chừng đã khiến thị trường bất động sản rung lắc mạnh, nhưng với diễn biến năm 2020, thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng minh khả năng miễn nhiễm. Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường vẫn ghi nhận sự tăng giá của bất động sản với mức tăng phân hóa tùy từng khu vực.
Kỳ vọng của nhà đầu tư vào thị trường này được cho là đã đạt đến mức độ mạnh đến nỗi khó có yếu tố nào có thể phá vỡ. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của thị trường không chỉ đến từ niềm tin mà còn được "đổ móng" bằng kinh tế vĩ mô giàu triển vọng tích cực và chiến lược phát triển sản phẩm khôn ngoan của các tên tuổi đầu ngành.
Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2020, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,4% và là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có tăng trưởng GDP cao nhất. Hiệu quả chống dịch và giữ vững tăng trưởng kinh tế được dự báo tiếp tục là điểm sáng trong năm nay. Trong năm được gọi là "năm vaccine", Fitch Ratings dự báo GDP của Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng 7,5% bất chấp đợt dịch mới đang bùng phát.
"Việt Nam kiểm soát rất tốt đại dịch Covid-19 nên chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế sẽ hồi phục khi nhu cầu nội địa tăng trưởng cao trở lại", bà Sagarika Chandra, Trưởng bộ phận phân tích về Việt Nam tại Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, chia sẻ.
Tín hiệu tích cực từ nền kinh tế vĩ mô
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lý giải, năm qua, tâm lý nhà đầu tư tốt xuất phát từ đặc trưng của cuộc khủng hoảng Covid-19. Lần này, nền tảng vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn, hệ thống tài chính vẫn đứng vững, thị trường vẫn có tiền. Trong năm nay, dù vaccine được phân phối nhanh hay chậm thì tin chắc rằng vẫn sẽ đến tay người dân, do đó tâm lý nhà đầu tư vẫn tích cực.
"Cách đây 10 năm, khi kinh tế khó khăn, vĩ mô bất ổn định, Việt Nam phải thắt chặt chính sách. Lần này, nền tảng vĩ mô tốt, bơm được tiền ra, Nhà nước tăng chi được, tiền vẫn có nên đầu tư vào chứng khoán vẫn tốt, bất động sản vẫn tốt. Đây sẽ là tín hiệu tích cực cho cả năm 2021", ông Thành khẳng định.
Điều đáng nói, mặc dù thị trường bất động sản Việt Nam là một thị trường thiên về đầu tư với đặc tính người bán nhiều hơn người mua, đã có một sự chuyển dịch mạnh mẽ trong khẩu vị rót vốn tại những thị trường trọng điểm như vùng TP. Hồ Chí Minh. Nếu trước đây thị trường miền Nam nổi bật nhất là khu vực nội thành Sài Gòn thì trong năm qua, những đô thị vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và những Tỉnh thành có tiềm năng du lịch như Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa… đã trỗi dậy mạnh mẽ.
Theo bà Bùi Nguyễn Huyền Trang – Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam, JLL, các nhà phát triển ngày nay đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển quy hoạch thành phố. Vì vậy, họ phải nghiên cứu kỹ các nguyên tắc của quy hoạch đô thị để tạo ra giá trị bền vững cho các Dự án quy mô lớn của mình.
Chủ đầu tư đón đầu xu hướng phát triển của thị trường
Cũng trong năm qua, Covid-19 buộc nhiều doanh nghiệp bất động sản phải thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm. Những đơn vị có nền tảng cơ bản tốt, danh mục sản phẩm đa dạng, hướng đến nhu cầu ở thực của người mua có nhiều cơ hội thắng thế.
Trong năm nay, "vùng trũng" bất động sản được dự báo tiếp tục hướng về phía Đông TP. Hồ Chí Minh khi thành phố Thủ Đức chính thức được thành lập, đẩy nhà đất khu vực này lên mặt bằng giá kỷ lục. Hạ tầng ngày càng hoàn thiện theo hướng tăng liên kết vùng đang tạo sức hút lớn cho những đô thị vệ tinh và đô thị du lịch tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.
Ông Terence Alford -Giám đốc phòng thị trường vốn và dịch vụ đầu tư Colliers Việt Nam cho biết khi TP. Hồ Chí Minh ngày càng trở nên đông đúc và phát triển, các chủ đầu tư bất động sản bắt đầu tìm kiếm các địa điểm thay thế để gia tăng giá trị.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng chú trọng đến việc kiến tạo các không gian sống mới để không chỉ đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng, mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống và tạo nên những trào lưu mới, trải nghiệm sống mới.
Trong xu thế đó, những doanh nghiệp đón đầu được làn sóng phát triển hạ tầng và xu hướng lựa chọn sản phẩm của người mua đã gặt hái thành công lớn, bất chấp tác động của Covid-19. Báo cáo tài chính vừa công bố của Novaland cho thấy kết thúc năm 2020, tập đoàn này ghi nhận 3.907 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 7% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2020, tăng 15,3 % so với cùng kỳ năm 2019. Tổng doanh thu hợp nhất bao gồm doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng dự án là 8.600 tỷ đồng. Tại ngày 31/12, tổng tài sản của Novaland đạt 144.536 tỷ đồng, tăng 60,6% so với cuối năm 2019.
Trong năm 2020, các khoản giải ngân được Novaland được sử dụng cho các hoạt động M&A và đầu tư phát triển dự án. Việc tiếp tục nhận giải ngân từ các định chế tài chính uy tín trong và ngoài nước trong tình hình Covid-19 có diễn biến phức tạp và tác động không nhỏ tới thị trường tài chính toàn cầu thể hiện sự tin tưởng của đối tác, nhà đầu tư vào năng lực triển khai đồng loạt các dự án của tập đoàn này.
Trong chiến lược phát triển sản phẩm, năm vừa qua tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường khi đại dịch vẫn hiện hữu. Novaland tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu sản phẩm mới trong những tháng cuối năm 2020. Đáng chú ý kể cả ở phân khúc đang gặp nhiều sóng gió như bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, Novaland vẫn ghi nhận sức hút lớn tại dự án NovaWorld Phan Thiet và NovaWorld Ho Tram.
Các chuyên gia nhận định, dù mặt bằng giá gia tăng, thị trường bất động sản vẫn sẽ không "vỡ" trong năm nay mà ngược lại còn tiếp tục gia tăng khi được hậu thuẫn bởi lượng cầu mạnh, vĩ mô ổn định và những chiến lược khôn ngoan của doanh nghiệp, nhắm trúng nhu cầu an cư của người mua và hướng đến lợi ích lâu dài.
Trong báo cáo "Sẵn sàng cho chu kỳ mới từ 2021" vừa được Công ty Chứng khoán VNDirect phát hành, thị trường bất động sản Việt Nam có chu kỳ 7 năm và bất động sản năm 2021 sẽ bước vào chu kỳ tăng cao trong bối cảnh vấn đề pháp lý có dấu hiệu tích cực từ việc sửa đổi Luật Xây dựng năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 và kỳ vọng GDP đạt tăng trưởng khả quan trong năm 2021 như dự báo.
"Xu hướng tăng giá bán sẽ tiếp tục duy trì nhờ nhu cầu nhà ở tăng. Nguyên nhân do thúc đẩy phát triển các cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và lãi suất vay mua nhà giảm sẽ hỗ trợ quyết định mua nhà", VNDirect nhận định.