Bất đồng thương mại EU và Trung Quốc gia tăng

Theo Thời báo Ngân hàng

Trung Quốc đã cảnh báo về tình trạng tranh chấp thương mại ngày càng gia tăng giữa nước này và Liên minh châu Âu (EU) trong những năm gần đây, với một loạt các vụ tranh chấp thương mại "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên, liên quan nhiều mặt hàng, từ nông sản cho tới các ống thép.

Bất đồng thương mại EU và Trung Quốc gia tăng
EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Nguồn: Internet

Tranh chấp gia tăng

Việc xảy ra tranh chấp thương mại giữa EU và Trung Quốc cũng là điều khá thường tình, bởi nền kinh tế nào cũng muốn thúc đẩy xuất khẩu để làm điểm tựa cho tăng trưởng. Tần suất và quy mô các vụ tranh chấp ngày càng lớn. Đặc biệt, Trung Quốc và EU hiện đang vướng vào vụ tranh chấp thương mại lớn nhất cho tới thời điểm này.

Đó là EU vừa cáo buộc Trung Quốc đã bán phá giá tấm thu năng lượng Mặt Trời và thiết bị viễn thông di động tại châu Âu để lũng đoạn thị trường, gây khó khăn cho các DN châu Âu. Uỷ ban châu Âu (EC) ngày 4/6 cho biết, EU sẽ từng bước áp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm tấm thu năng lượng mặt trời của Trung Quốc, cho phép hai bên có 2 tháng để tìm ra giải pháp cho đến khi các mức thuế chống bán phá giá được áp dụng đầy đủ.

Theo đó, các loại thuế ban đầu sẽ được áp ở mức 11,8% từ ngày 6/6, sau đó tăng lên mức trung bình 47,6% vào ngày 6/8 nếu như không có giải pháp nào đạt được vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã phủ nhận mọi cáo buộc trên và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng, kế hoạch áp thuế của EU sẽ gây phương hại cho các bên. Thủ tướng Trung Quốc cảnh báo việc áp thuế chống phá giá đối với các sản phẩm thương mại của Trung Quốc chẳng những đe dọa việc làm ở Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng những hành động bảo hộ thương mại là không thể chấp nhận được và tuyên bố nếu châu Âu áp thuế đối với sản phẩm của Trung Quốc, nước này sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương cũng cảnh báo rằng, thị phần của các công ty sản xuất thiết bị viễn thông di động EU tại Trung Quốc lớn hơn thị phần của các công ty Trung Quốc tại EU, bởi vậy bất cứ động thái nào của EU cũng đều gây phương hại tới cả hai bên. Ông này cũng tỏ ý hy vọng EU sẽ không thực hiện kế hoạch đánh thuế, đồng thời kêu gọi EU tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch cho các công ty Trung Quốc.

Khẳng định Trung Quốc không muốn có cuộc chiến tranh thương mại với châu Âu song ông Thẩm Đan Dương cũng cảnh báo, việc châu Âu áp thuế trừng phạt đối với các tấm thu năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ thương mại song phương.

Ngày 16/5, Trung Quốc đã cảnh báo về tình trạng tranh chấp thương mại ngày càng gia tăng giữa nước này và EU trong những năm gần đây, với một loạt các vụ tranh chấp thương mại "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên, liên quan nhiều mặt hàng, từ nông sản cho tới các ống thép.

Trong những năm qua, trong số 31 vụ điều tra do EU tiến hành, có tới 18 vụ liên quan tới Trung Quốc. Việc tranh chấp thương mại giữa EU và Trung Quốc về vấn đề tấm thu năng lượng Mặt Trời, ống thép và thiết bị viễn thông trở nên căng thẳng đặc biệt trong tháng 5 vừa qua, làm dấy lên nhiều lo ngại về khả năng bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa hai đối tác thương mại lớn hàng đầu thế giới.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của tình trạng căng thẳng gia tăng là do cả hai bên đều đang thời kỳ sa sút về kinh tế, đang rất cần thúc đẩy tăng trưởng. Năm 2012, kinh tế Trung Quốc lần đầu tiên tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong 13 năm, trong khi các nền kinh tế EU đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng, tình trạng thất nghiệp gia tăng và cuộc suy thoái dài kỷ lục.

Giáo sư Trương Hán Lâm thuộc Đại học Kinh doanh Quốc tế ở Bắc Kinh, cho rằng EU đang trên đà hồi phục kinh tế và cần đến sự hỗ trợ của thị trường toàn cầu, vì lẽ, tương tự như Trung Quốc, châu Âu là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhu cầu nước ngoài.

Và phản ứng thận trọng của các bên

Theo thông báo ngày 27/5 của Bộ Thương mại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ này, ông Chung Sơn sẽ gặp Ủy viên Thương mại châu Âu Karel De Gucht tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về các cuộc điều tra mà EU đã tiến hành đối với tấm thu năng lượng Mặt Trời và thiết bị viễn thông di động của Trung Quốc xuất sang EU.

Tuy nhiên, vì EU thông qua luật mức thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm này vào đầu tháng 6, nên các cuộc đàm phán chính thức giữa Trung Quốc và EU nhằm đạt được một thỏa thuận chung chỉ có thể được bắt đầu tiến hành sau đó.

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso đêm 3/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bày tỏ hy vọng có thể giải quyết bất đồng thương mại với EU thông qua đối thoại và tham vấn bởi nếu không được giải quyết êm thấm, vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai bên.

Ông khẳng định Trung Quốc kiên quyết phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp hài hòa mà cả hai bên đều có thể chấp nhận, dựa trên cơ chế thương mại song phương, nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Trung Quốc - EU.

Trong khi đó, lưu ý tới lo ngại của Trung Quốc về vụ việc đang diễn ra, ông Barroso nói EU sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để giải quyết các bất đồng thương mại bằng đối thoại và tham vấn, nhằm củng cố các mối quan hệ song phương và sự hợp tác giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực.

Trước đó, khi thông báo việc mở điều tra nhằm vào các công ty Trung Quốc, EC cũng thận trọng nhấn mạnh rằng đó là một quyết định trên nguyên tắc, trong khi cũng có thể tiến hành các cuộc đàm phán hướng tới một giải pháp thân thiện với Trung Quốc.

Trước đó, trong cuộc họp báo chung ngày 26/5 với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp ông sang thăm Đức lần đầu tiên kể từ khi giữ cương vị này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác bỏ nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại EU-Trung Quốc và với tư cách là Thủ tướng nền kinh tế lớn nhất EU.

Bà Merkel cũng cam kết thúc đẩy các cuộc thảo luận với Trung Quốc để tháo gỡ bất đồng hiện nay. Trong khi đó, theo kết quả cuộc khảo sát công bố ngày 27/5, đa số các nước thành viên EU cũng đều phản đối kế hoạch áp thuế của EC, vì lo ngại về những tác động của nó.

Sự thận trọng của các bên là dễ hiểu nếu xét đến quan hệ thương mại EU-Trung Quốc cũng như những tác động có thể hình dung đối với mỗi bên khi cuộc chiến thương mại nổ ra. EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trao đổi thương mại song phương năm 2012 lên tới 546 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của EU vào Trung Quốc đạt 212 tỷ USD, còn nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 334 tỷ USD.

Với Trung Quốc, nhà sản xuất lớn nhất thế giới về tấm thu năng lượng Mặt Trời, EU là thị trường quan trọng. Xuất khẩu tấm thu năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc năm ngoái ước đạt 35,8 tỷ USD, trong đó 60% được xuất sang EU, còn nhập khẩu nguyên liệu và thiết bị trong lĩnh vực này của Trung Quốc từ châu Âu 7,5 tỷ USD. Sản xuất tấm thu năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2009-2011 và từ không có chỗ đứng tại thị trường châu Âu, chỉ trong vòng vài năm, các công ty Trung Quốc đã thống lĩnh hơn 80% thị phần tại thị trường này.