Bất ngờ mức lãi suất cho vay quá rẻ

Theo vnmedia.vn

(Tài chính) Một số doanh nghiệp đã được các ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ từ 6,5-7%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 và chỉ bằng 50% mức lãi suất vào nửa cuối năm 2011, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bất ngờ mức lãi suất cho vay quá rẻ
Mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm. Nguồn: internet

Thanh khoản dồi dào, ngân hàng đua giảm lãi suất

Tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là đang hết sức dồi dào trong hai tháng đầu năm 2014. Tính đến ngày 20/2, huy động vốn tăng khoảng 0,83% so với cuối năm 2013; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo trước và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Trong khi đó, lãi suất thị trường liên ngân hàng sau khi tăng trong thời gian trước Tết đã giảm và hiện ổn định ở mức thấp.

Cũng trong hai tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các ngân hàng đối với lĩnh vực ưu tiên, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND và USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay (kể cả các khoản vay cũ) về mức dưới 13%/năm; điều chỉnh giảm 1%/năm mức lãi suất của ngân hàng thương mại Nhà nước áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở từ mức 6%/năm của năm 2013 xuống 5%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giữ ổn định trong dịp trước Tết, sau Tết tiền gửi quay trở lại hệ thống ngân hàng nên mặt bằng lãi suất huy động VND kỳ hạn ngắn (1-2 tháng) giảm 0,2-0,5%/năm, lãi suất cho vay ổn định so với mặt bằng trước Tết.

Ngay trong tháng 2 đầu năm nay, đồng loạt nhiều ngân hàng thương mại đã tự động cắt giảm lãi suất huy động từ 0,1%-0,5%/năm.

Cụ thể, từ ngày 10/2, Ngân hàng Nam Á đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng từ 8,6%/năm xuống còn 8%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 9%/năm trước đây xuống còn 8,7%/năm.

Ngày 12/2, Ngân hàng Sacombank (STB) đã giảm mạnh lãi suất huy động từ 0,3% - 0,5%/năm cho kỳ hạn ngắn. Theo đó, đối với kỳ hạn 1 tháng giảm còn 6%/năm (đối với số tiền gửi dưới 50 triệu đồng) và 6,6% đối với số tiền trên 50 triệu đồng. Kỳ hạn 2 tháng còn 6,2% - 6,7%/năm tương ứng với dưới và trên 50 triệu đồng.

Tiếp đến ngày 20/2, Sacombank lại điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống thêm 0,1%/năm, xuống mức 6,5%/năm đối với tiền gửi trên 50 triệu đồng cho kỳ hạn 1 tháng; còn 6,6%/năm kỳ hạn 2 tháng với với khoản tiền gửi trên 50 triệu đồng và còn 6,1%/năm với khoản tiền dưới 50 triệu đồng.

Từ ngày 15/2, ngân hàng ACB cũng đã giảm khoảng 0,3% lãi suất so với trước đó. Theo đó, kỳ hạn 1-2 tháng, mức lãi suất chỉ còn 6,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 6,6%/năm.

Ngày 17/2, Ngân hàng Techcombank cũng giảm lãi suất với ở kỳ hạn 1 tháng còn 6,55%/năm, kỳ hạn 2 là 6,64%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 6,84%/năm, kỳ hạn 4 - 5 tháng là 6,94%/năm.

Nối tiếp đà giảm lãi suất này, ngày 18/2 Ngân hàng Eximbank (EIB) cũng nhanh chóng giảm lãi suất huy động. Thậm chí tiếp đến ngày 21/2 ngân hàng này lại điều chỉnh giảm thêm. Cụ thể cả hai lần giảm đó, mức lãi suất huy động của Eximbank còn 6,5% ở kỳ hạn 1 tháng; kỳ hạn 2 tháng là 6,6% và kỳ hạn 3 tháng là 6,8%.

Ở Ngân hàng HDBank, mức lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được điều chỉnh giảm từ 0,1% - 0,2%/năm. Cụ thể, lãi suất 1 và 2 tháng còn lần lượt còn 6,8% - 6,9%/năm.

Lãi suất cho vay rẻ hơn lãi suất huy động

Lãi suất cho vay cũng được các ngân hàng cắt giảm, đơn cử như tại ACB, ngân hàng này áp dụng chương trình vay lãi suất ưu đãi 8%/năm, triển khai từ ngày 20/2-20/3/2014.

Tại Hội nghị sơ kết chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng diễn ra cuối tháng 2 vừa qua, bốn ngân hàng gồm Sacombank, Agribank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Vietinbank chi nhánh Sài Gòn và Vietcombank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã ký thỏa thuận cho vay 11 doanh nghiệp với lãi suất chỉ từ 6%-8,5% đối với khoản vay ngắn hạn và 9%-11% đối với khoản vay trung và dài hạn.

Ở tuần vừa qua, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, lãi suất cho vay bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu,doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-9%; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9-11,5% đối với khoản vay ngắn hạn, 11,5-13% đối với vay trung và dài hạn; trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7%/năm.

Như vậy, có thể thấy, mức lãi suất cho vay hiện đã thấp hơn lãi suất huy động. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, vốn ngân hàng khó đẩy ra thị trường do có nhiều doanh nghiệp khó hấp thụ được vốn. Trong khi đó, áp lực kinh doanh của ngân hàng hiện cũng khá lớn, do những quy định siết lại nợ xấu. Do đó, hạ lãi suất huy động là cách để giảm chi phí của các ngân hàng, còn hạ lãi suất cho vay với mức "rẻ" bất ngờ cũng là cách để đẩy vốn ra thị trường (tuy nhiên, với lãi suất rẻ cũng tùy thuộc vào từng ngân hàng cân đối các chi phí để quyết định).

Đánh giá về vấn đề này, trả lời báo giới mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết: Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp lãi suất, tín dụng để giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân. Một số doanh nghiệp tốt được ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ từ 6,5-7%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 và chỉ bằng 50% mức lãi suất vào nửa cuối năm 2011. Xét về tương quan, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện nay là phù hợp với diễn biến và kỳ vọng lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích của ngân hàng, người vay và người gửi tiền.

Đánh giá về việc xu hướng giảm tiếp của lãi suất, bà Hồng cho rằng: "Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn lãi suất có thể giảm thêm. Việc các tổ chức tín dụng có tiếp tục giảm được lãi suất cho vay nữa hay không còn phụ thuộc vào giá vốn, tình hình tài chính của từng ngân hàng cũng như mức độ rủi ro đối với từng khách hàng. Chúng tôi cho rằng, nếu điều kiện tài chính thuận lợi, các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm”.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đề cập, hiện mặt bằng lãi suất chung tiếp tục ổn định, đang có xu hướng giảm, cố gắng cả năm giảm 1 - 2%.

Cơ sở để lãi suất có thể hạ được Thống đốc nêu: Nếu CPI được kiểm soát tốt trong năm nay, thì cơ hội giảm tiếp lãi suất là hoàn toàn có.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế;điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất và tỷ giá ở mức phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát.