Bất ngờ với cổ tức cao

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Cổ tức là câu chuyện được quan tâm trong các mùa đại hội cổ đông. Mùa đại hội cổ đông năm nay cũng không ngoại lệ.

 Bất ngờ với cổ tức cao
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Điều bất ngờ là mặc dù tình hình làm ăn còn khó khăn, nhưng năm nay, một số công ty đã chia cổ tức ở mức cao… đẹp như mơ.

Tính đến cuối tháng 4/2013, đã có hàng chục công ty quyết định chi trả cổ tức năm 2012 ở mức cao, trung bình khoảng 25%/mệnh giá, tức 2.500 đồng/cổ phiếu. Mức cao nhất lên đến 120%/vốn điều lệ, một tỉ lệ ít thấy ở hầu hết DN hiện nay. Và phần lớn đều trả bằng tiền mặt.

Như mọi năm, nhóm các công ty có lợi thế về tài nguyên và hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vẫn giữ mức cổ tức cao như Than Hà Giang (HGM) với mức chia 120%/vốn, Công viên Nước Đầm Sen (DSN) với 60%/vốn.

Mặc dù niêm yết chưa lâu, nhưng CNG Việt Nam (CNG) được xem là DN chịu chi cổ tức. Tuy thấp hơn năm rồi (60%), nhưng tỉ lệ 45%/vốn cho cổ tức vẫn được xem là rất cao so với nhiều đơn vị khác.

Những khoản cổ tức này khiến nhiều cổ đông hân hoan, nhất là khi nhìn sang những doanh nghiệp (DN) khác. Tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), chẳng hạn, dù lợi nhuận ròng năm 2012 tăng gần gấp 3 lần so với năm 2011, đạt hơn 460 tỉ đồng, nhưng Công ty chỉ chia cổ tức ở mức 10%/mệnh giá, tức 1.000 đồng/cổ phiếu. Còn Công ty Cơ Điện lạnh (REE), dù vượt cả kế hoạch lợi nhuận, nhưng cũng chỉ chia mức cổ tức như mọi năm, 16%/mệnh giá.

Việc trả cổ tức cao sẽ giúp DN ghi điểm với cổ đông, nhưng chỉ khi việc đó không làm ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của DN. Đối với Cao su Đồng Phú (DPR), chắc hẳn Công ty không cần phải suy tính nhiều khi quyết định chia cổ tức đến 40% (hơn 170 tỉ đồng tiền mặt). Bởi lẽ, tính đến cuối năm 2012, Công ty còn hơn 800 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Tính riêng khoản tiền và tương đương tiền cũng còn gần 500 tỉ đồng.

Ngược lại, chia hết lợi nhuận mà không để dành cho đoạn đường khó khăn phía trước chỉ làm cho cổ đông thêm lo. Các cổ đông của Cảng Đoạn Xá (DXP) dù vui vẻ chia nhau hơn 55 tỉ đồng của gần 80 tỉ đồng lợi nhuận năm 2012 nhưng vẫn lo ngay ngáy. Họ lo là vì lợi nhuận năm 2012 chủ yếu có được nhờ yếu tố đột biến. Trong khi đó, ban lãnh đạo Công ty lại quá tin tưởng vào khả năng phát hành cổ phiếu và vay vốn mà chưa tính đến các rủi ro đi kèm.

“Cổ tức cao chỉ hấp dẫn khi DN cân đối được tài chính và chuẩn bị sẵn sàng cho các kế hoạch đầu tư trong tương lai”, Giám đốc khu vực TP. Hồ Chí Minh của một công ty chứng khoán (không muốn nêu tên) nhận xét. Bởi lẽ, DN sẽ gặp rủi ro nếu có nhiều kế hoạch đầu tư trong khi không còn nguồn tiền dự trữ.

Theo vị này, một rủi ro là DN phải đi vay nợ để dùng cho việc đầu tư do thiếu tiền mặt. Khi đó, lãi suất sẽ làm xói mòn lợi nhuận trong năm sau. Nếu huy động vốn qua kênh phát hành thêm cổ phiếu, có thể DN sẽ khó thành công. Cũng không loại trừ khả năng các công ty này dùng chiến lược cổ tức cao để hấp dẫn cổ đông khi phát hành thêm, nhưng kể cả khi phát hành thành công thì cũng sẽ làm giảm lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS). Hai rủi ro này đều dẫn đến việc làm giảm sự hấp dẫn của cổ phiếu.

Đối với Cảng Đoạn Xá, nếu Công ty giữ mục tiêu ổn định và không đầu tư trong năm 2013 thì rủi ro này có thể không xuất hiện. Nhưng đối với những DN đã chia gần hết lợi nhuận như Nhựa Đông Á nhưng vẫn có kế hoạch đầu tư khá nhiều thì cổ đông không thể không lo. Theo chủ trương đã được thông qua, năm 2013 Nhựa Đông Á sẽ đầu tư 10 dây chuyền sản xuất các loại. Đó là chưa kể đến một hệ thống nhà kho và xưởng cơ khí khác.

Về góc độ đầu tư, chưa chắc cổ phiếu nào có cổ tức cao cũng hấp dẫn. Chẳng hạn giá cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á hiện gần 14.000 đồng, còn cổ tức gần 1.400 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tỉ lệ cổ tức/thị giá sẽ khoảng 10%. Nhưng nếu xét ở cổ phiếu HGM của Than Hà Giang thì lại khác. Với thị giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu, cổ tức 120%/vốn tương đương hơn 1.200 đồng/cổ phiếu thì tỉ lệ cổ tức/thị giá ở HGM rõ ràng chẳng đáng là bao so với DAG.

Một điểm đáng chú ý khác là việc đề xuất trả cổ tức cao ở một số DN đều xuất phát từ cổ đông lớn. Các cổ đông lớn này đều là các đơn vị nhà nước. Chẳng hạn ở Đồng Phú là Tập đoàn Cao su (nắm gần 56%), ở Cảng Đoạn Xá là Tổng Công ty Hàng hải (51%), ở Than Hà Giang là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (gần 47%).

Nếu tính trên tỉ lệ sở hữu thì việc tăng hay giảm cổ tức, cổ đông lớn hay nhỏ đều được hưởng lợi như nhau. Nhưng nếu xét về giá trị, các cổ đông lớn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi có quyền quyết định tăng thêm cổ tức. Điều này cũng đúng nguyên tắc. Tuy nhiên, cổ tức cao quá đôi khi lại mang hơi hướng thoái vốn. Mặt khác, chia cổ tức cao trong khi chưa có kế hoạch đầu tư lâu dài, như ở Cảng Đoạn Xá thì cũng thật đáng lo.