Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ và triển vọng TPP

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Sự kiện đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện được dự báo sẽ có tác động lớn tới các bước đi tiếp theo của Tổng thống Barack Obama trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - vấn đề mà Chính quyền của ông Obama cho là nền tảng kinh tế chính của chiến lược tái cân bằng tại châu Á.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ và triển vọng TPP
Mục tiêu xoay trục sang châu Á sẽ gặp trục trặc nghiêm trọng nếu không có TPP. Nguồn: internet
Là một bộ phận cấu thành di sản chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama, chiến lược tái cân bằng tại châu Á giành được sự ủng hộ không ít của lưỡng đảng Mỹ. Mặc dù vẫn còn tranh cãi, song Quốc hội Mỹ hiểu sự cần thiết của chiến lược này. Tuy nhiên, thương mại tự do lại không thu hút được sự ủng hộ rộng rãi trong lưỡng đảng và vấn đề càng phức tạp khi các thỏa thuận thương mại đều cần Quốc hội thông qua. Trong khi nghị sỹ đảng Cộng hòa có truyền thống ủng hộ tự do thương mại, thì các nghị sỹ Dân chủ lại không mặn mà với tiến trình này. Khi các cuộc đàm phán diễn ra, một loạt nhóm lợi ích mạnh và có tổ chức đã gây sức ép cho các nghị sỹ của cả hai đảng. Hậu quả là những tranh cãi chính sách thương mại tại Mỹ có xu hướng chia rẽ nghiêm trọng, cản trở sự thành công của tiến trình đàm phán TPP. Với các nhà hoạch định ở Mỹ, TPP không đơn thuần là hiệp định tự do thương mại, mà còn là một động thái địa chính trị cốt yếu gắn chặt quyền lợi và quyền lực kinh tế của Mỹ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính vì vậy, mục tiêu xoay trục sang châu Á sẽ gặp trục trặc nghiêm trọng nếu không có TPP.

Sự chồng chéo mục đích và lợi ích này khiến TPP rơi vào mối quan hệ căng thẳng giữa chính sách đối ngoại và các vấn đề bầu cử trong nước. Tổng thống Obama không có được mối quan hệ tốt với Quốc hội, ông vấp phải nhiều chỉ trích cho rằng cách tiếp cận trong vấn đề TPP của ông quá mờ nhạt. Thậm chí, một số ý kiến ở phe Cộng hòa cho rằng, Tổng thống đã đặt chính sách tái cân bằng châu Á vào trọng tâm trong chính sách đối ngoại nhưng lại không muốn bỏ vốn liếng chính trị để biến nó thành hiện thực.

Tuy nhiên, kết quả bầu cử giữa kỳ vừa qua có thể nói là một tin tốt đối với TPP. Việc đảng Cộng hòa nắm giữ quyền lực ở cả hai Viện Quốc hội sẽ là nhân tố tạo thuận lợi cho bất kỳ ý tưởng thúc đẩy tự do hóa thương mại nào. Ngoài ra, các ứng cử viên tổng thống tiềm năng của cả hai cánh ôn hòa và bảo thủ của đảng Cộng hòa đều nhấn mạnh, tự do thương mại là một trong số ít các vấn đề mà họ sẵn sàng làm việc với ông Obama sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Điều này sẽ gúp các nghị sỹ đảng Cộng hòa có cơ hội chứng minh rằng họ có một chương trình nghị sự tích cực và đã sẵn sàng điều hành đất nước. Trong khi đó, các nhà ngoại giao thương mại thuộc Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đang nỗ lực xúc tiến TPP. Các nhà đàm phán USTR đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản ở Washington hồi tháng trước, làm việc tại Sydney trong tháng này nhằm tháo gỡ một số vấn đề nhạy cảm của thỏa thuận.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát đều nhất trí rằng, yếu tố chính trị trong Nhà Trắng đang ngày càng chi phối TPP. Hoàn tất TPP sẽ cần đến sự thỏa hiệp chính trị mà ông Obama chưa làm được kể từ khi tái đắc cử năm 2012. Các tiếp cận gần đây của Tổng thống Obama đối với TPP chủ yếu nhằm bảo vệ đảng Dân chủ không bị thua trong cuộc đua tại Thượng viện và Hạ viện.

Những người lạc quan đang tìm kiếm dấu hiệu sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vừa qua. Khi phe Cộng hòa đã hoàn toàn chiếm lĩnh Thượng việån và Hạ viện, ông Obama có làm tất cả để theo đuổi chính sách tái cân bằng châu Á trong đó có TPP hay không? Họ hy vọng Tổng thống Obama sẽ nhanh chóng đề nghị Quốc hội trao cho ông Quyền xúc tiến thương mại (TPA) trước khi ông trao quyền cho các nhà đàm phán để hoàn thành TPP.