Bị chiếm đoạt 147 lượng vàng: Người bị hại đòi bồi thường ở đâu?

Theo Đầu tư Chứng khoán

Phó giám đốc chi nhánh Tổng công ty (TCT) vàng Argibank đã bị kết án 20 năm, nhưng những người gửi vàng hầu như không có cơ may lấy lại 147,1 lượng vàng.

 Bị chiếm đoạt 147 lượng vàng: Người bị hại đòi bồi thường ở đâu?
Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (bên phải) bị tuyên phạt 20 năm tù và phải hoàn trả vàng cho người bị hại. Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn

Phiên tòa sơ thẩm ngày 23/5 xét xử vụ án Nguyễn Tuấn Anh lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tổng công ty Vàng Agribank đã khép lại, với bản án 20 năm tù được tuyên cho người phạm tội. Bản án được tuyên, những người gửi vàng hầu như không có cơ may lấy lại tổng cộng 147,1 lượng vàng.

“Không phải khách hàng của Tổng công ty”

Tại tòa, phần xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Tuấn Anh diễn ra khá nhẹ nhàng, bởi bị cáo thừa nhận động cơ, hành vi phạm tội, thừa nhận đã nhận vàng của khách hàng nhưng không nhập kho, không đưa vào hệ thống mà chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan trách nhiệm của TCT Vàng Agribank đối với khách hàng đã khiến phần xét hỏi trở nên căng thẳng và kéo dài đến 16h và 17h30 cùng ngày bản án mới được tuyên.

Theo bản án sơ thẩm, Tuấn Anh phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho các bị hại số vàng là 147,1 lượng. Tuy nhiên, với một phạm nhân 45 tuổi và có bản án 20 năm tù giam, các bị hại không trông mong gì vào việc Tuấn Anh sẽ trả lại tài sản và cũng không hy vọng được hưởng quyền được bồi thường dân sự này.

Trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử, đại diện TCT Vàng Agribank khẳng định quan điểm của TCT rằng, giao dịch của những bị hại này và Tuấn Anh là giao dịch cá nhân, bởi giao dịch diễn ra tại phòng làm việc của Tuấn Anh, thay vì ở quầy giao dịch. Do đó, họ không phải là khách hàng của TCT Vàng Agribank, nên TCT không có trách nhiệm trả vàng cho họ.

Lý lẽ của vị đại diện này khiến những bị hại bất bình. Theo trình bày của những bị hại, vì tin tưởng vào uy tín của TCT nên họ đến gửi vàng, họ không quen biết Tuấn Anh, không gửi vàng cho cá nhân Tuấn Anh, mà trực tiếp đến Chi nhánh Hà Đông (Hà Nội) để giao dịch. Giấy tờ gửi vàng họ giữ có chữ ký và con dấu thật, người giao dịch với họ là Phó giám đốc Chi nhánh được TCT Vàng Agribank bổ nhiệm là thật. Do đó, TCT Vàng Agribank phải chịu trách nhiệm đối với tài sản mà khách hàng đã gửi, việc TCT quản lý nhân sự lỏng lẻo dẫn đến thất thoát, chiếm đoạt thì TCT phải chịu hậu quả.

Đáng chú ý, một Phó giám đốc Chi nhánh Hà Đông có mặt tại tòa cho biết, tuy các bị hại có giấy tờ gửi giữ vàng, nhưng tại Chi nhánh Hà Đông không có trong sổ lưu, không có nhập kho nên không thể thanh toán vàng.

Một bị hại đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Nếu chẳng may vì lý do gì đó, sổ lưu bị mất thì phải chăng TCT Vàng Agribank sẽ không trả vàng cho tất cả các khách hàng có trong sổ đó? Đại diện TCT khẳng định, trong quy định về gửi giữ thì phải trả vàng trực tiếp cho người gửi vàng, mà không được đưa cho nhân viên của TCT nhận hộ. Nhưng kể từ khi gửi vàng đến nay, tôi chưa từng đến rút vàng, vậy tại sao vàng của tôi lại biến mất? TCT Vàng Agribank quy định thế nào mới là khách hàng?...”. Nhiều câu hỏi của người bị hại và luật sư đã khiến đại diện TCT Vàng Agribank không thể trả lời.

Lừa ai?

Điều 51 Luật Tố tụng hình sự định nghĩa, người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây nên. Trong vụ án nêu trên, tội phạm chủ đích nhắm tới chiếm đoạt tài sản của ai: khách hàng hay TCT Vàng Agribank? Trên thực tế, trong nhiều vụ án, bản thân các tội phạm là người của pháp nhân khi dự định thực hiện hành vi phạm tội không có ý thức xác định lừa tiền của ai, mà chỉ đơn giản lợi dụng hoạt động kinh doanh của pháp nhân, tận dụng kẽ hở của quy trình, quy định và cấu kết với nhân viên khác để chiếm đoạt tài sản.

Chẳng hạn, vụ một trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại cổ phần lập hơn 30 hồ sơ khống cho vay cầm cố sổ tiết kiệm của khách hàng để rút tiền cho vay trên thị trường “đen”. Rất khó xác định bị cáo này chủ định lấy tiền của ai, ngân hàng hay khách hàng.

Hay trường hợp Lý Thị Trúc Quỳnh 2 lần lĩnh án tù chung thân vì tội lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng hơn 60 tỷ đồng trong cả 2 vụ án, trong đó có việc Quỳnh lấy xe ô tô của một công ty nhập khẩu rồi đem bán cho đối tượng khác. Người mua xe cho rằng, giữa Quỳnh và công ty nhập khẩu đã có giao dịch mua bán, xe đã giao, trường hợp tiền chưa thanh toán thì pháp nhân phải đòi tiền Quỳnh. Nhưng phía Công ty cho rằng, Công ty không bán xe cho Quỳnh, mà Quỳnh chỉ là môi giới nhưng lại lừa Công ty lấy xe cho khách hàng xem rồi đem bán. Vậy Quỳnh là môi giới hay mua xe? Ai là người được lấy lại xe, Công ty hay người mua xe từ Quỳnh? Rõ ràng, nếu được lấy xe thì còn có thể thu hồi một phần tài sản.

Luật cần được giải thích, vận dụng nhất quán

Một định nghĩa bị hại rõ ràng, dễ hiểu và có tính khái quát cao trong Luật Tố tụng hình sự, song khi áp dụng vào từng trường hợp cụ thể lại cho thấy có cách hiểu, cách giải thích khác nhau. Với vụ việc xảy ra tại TCT Vàng Agribank, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định, Tuấn Anh phải có trách nhiệm bồi thường dân sự cho các bị hại. Ở vụ Lý Thị Trúc Quỳnh, Hội đồng xét xử tuyên trả xe ô tô cho pháp nhân. Ở vụ án lập hồ sơ khống cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, ngân hàng thương mại cổ phần chịu trách nhiệm thanh toán cho các khách hàng có sổ tiết kiệm bị cầm cố.

Ở một số vụ án kinh tế xảy ra tại ngân hàng thì các ngân hàng chịu trách nhiệm thanh toán cho khách hàng nếu như hợp đồng, sổ tiết kiệm… của họ đúng là do ngân hàng phát hành. Theo giải thích của ngân hàng thì họ không xem xét đến việc ai bị lừa, mà do phải giữ uy tín của ngân hàng nên họ chấp nhận thanh toán cho khách hàng.

“Nguyên tắc cơ bản là: nếu giao dịch giữa khách hàng và pháp nhân là hợp pháp, người ký kết có thẩm quyền, con dấu, chữ ký là thật thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm với khách hàng. Sau đó, pháp nhân sẽ xử lý nội bộ và xử lý đến đâu tùy thuộc vào hành vi và mức độ thiệt hại”, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho biết.

Theo luật sư Trần Minh Hải, hệ thống luật pháp Việt Nam còn có những bất cập, song về cơ bản, những điều luật không phải là nguyên nhân gây ra tranh cãi, mâu thuẫn giữa các đương sự, giữa đương sự với cơ quan tiến hành tố tụng. Vấn đề là ở cách giải thích và vận dụng luật của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nó đòi hỏi một cách giải thích, vận dụng luật một cách nhất quán, tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận của các bên và ai là người quyết định thì người đó phải chịu trách nhiệm.