Bị luận tội, ông Trump vẫn có tương lai chính trị tươi hồng
Donald Trump có thể trở thành vị Tổng thống thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ bị Quốc hội luận tội. Tuy nhiên, tương lai chính trị của Tổng thống Mỹ thứ 45 vẫn không bế tắc như phe đối lập hy vọng.
Trái với tiên liệu của đảng Dân chủ từ nhiều tháng qua, khả năng chủ nhân Nhà Trắng tái đắc cử ngày càng được củng cố.
Trong lịch sử nước Mỹ, chỉ có hai Tổng thống là Bill Clinton và Andrew Johnson bị luận tội, nhưng cả hai ông này đều không bị kết án. Riêng Tổng thống Richard Nixon thì ông này đã từ chức trước khi có thể bị luận tội. Với thiểu số tại Thượng viện, phe Dân chủ khó có hy vọng phế truất được tổng thống Donald Trump cho dù bản luận tội đưa ra hai cáo buộc rất nghiêm trọng.
Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã công bố hai điều khoản luận tội ông Trump: lạm dụng quyền lực phục vụ quyền lợi cá nhân và cản trở Quốc hội. Tổng thống Donald Trump bị tố “đích thân gây áp lực với Ukraina, dùng viện trợ quân sự để buộc Kiev điều tra về cựu Phó Tổng thống Joe Biden”, đối thủ tiềm tàng trong cuộc đua vào Nhà Trắng trong 11 tháng tới.
Luận tội là chặng đầu tiên của một tiến trình gồm hai giai đoạn, để từ đó Quốc hội có thể bãi nhiệm Tổng thống khỏi chức vụ. Nếu Hạ viện bỏ phiếu thông qua các điều khoản luận tội, Thượng viện buộc phải tổ chức một phiên toà. Một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện đòi hỏi đa số (2/3 số Thượng Nghị sỹ) phải bỏ phiếu thuận cho việc kết án cho việc kết án và bãi nhiệm.
Trường hợp nói trên nhiều khả năng không xảy ra bởi đảng Cộng hoà của ông Trump đang kiểm soát Thượng viện. Ngày từ bây giờ, Tổng thống Trump đã nhanh chóng phản bác thông tin về các cáo buộc chống lại ông. Một lần nữa, ông nhắc lại: “Đây là một cuộc săn lùng phù thuỷ”.
Câu hỏi đặt ra là với những cuộc đọ sức nhằm bầm dập uy tín của Donald Trump trong nghị trường, đảng Dân chủ có thể huy động cử tri để chiến thắng trong thùng phiếu vào cuối năm 2020, hay sẽ bị thua ngược? Đây không phải là lần đầu tiên giới bình luận nêu lên nghịch lý này, nhưng câu trả lời ngày càng thấy rõ hơn.
Trong bài phân tích với tựa “Donald Trump khởi sắc trở lại”, hãng thống tấn AFP cho rằng lãnh đạo hành pháp Mỹ sẵn sàng giao đấu, phối hợp chiến lược tự vệ rất dũng mãnh với các chỉ số kinh tế đáng phấn khởi. Một mặt Donald Trump phủ nhận toàn bộ các cáo cuộc, từ chối tham gia vào tiến trình luận tội và nỗ lực chứng minh ông là nạn nhân của một 'thủ đoạn chính trị rẻ tiền'. Chiến lược này tỏ ra hiệu nghiệm.
Tại nước Mỹ, nơi mà lập trường chính trị của hai phe đã được phân định rõ nét và gần như bất di bất dịch, thái độ và lập luận của Donald Trump gây bất bình trong công luận ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng lại có tác động tích cực trong phe Cộng hòa, theo nghĩa, đoàn kết cử tri cơ sở của đảng thành một khối thống nhất.
Quốc hội Mỹ hiện đang bị chia rẽ nghiêm trọng. Phe Dân chủ cho rằng, ông Trump phải chấm dứt việc tái tranh cử vào năm tới, không phải vì lý do chính trị mà vì ông đã phạm trọng tội và đáng bị luận tội. Theo Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff, người đang giám sát các phiên điều trần của Quốc hội, nếu không có hành động nào cản trở ông Trump ngay từ bây giờ thì Trump có thể gian lận thêm một lần nữa vào năm 2020. Tuy nhiên, phe Cộng hoà phản pháo lại, cho rằng đảng Dân chủ cố gằng tìm mọi cách loại bỏ ứng cử viên của đảng Cộng hoà.
Trừ một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng, trong vài hôm nữa, Hạ viện, do phe Dân chủ kiểm soát sẽ biểu quyết truy tố Tổng thống Donald Trump. Rồi vài hôm sau đó, đến lượt Thượng viện biểu quyết, và phe đa số Cộng hòa sẽ huỷ bản án. Tan cuộc, chiến dịch vận động tranh cử sẽ mở lại với bầu không khí quen thuộc. Mỗi bên sẽ lao vào cuộc đua thuyết phục cử tri phe mình.
Theo chủ nhân Nhà Trắng, đảng Dân chủ càng tấn công, càng bài xích ông thì đảng Cộng hòa càng đoàn kết sau lưng ứng cử viên duy nhất của đảng và càng “lên dây cót” tinh thần cử tri ở các tiểu bang thiên về phe bảo thủ. Trước khi lên đường đến gặp cử tri ở bang Pennsylvania hôm 11/12, Tổng thống Donald Trump tuyên bố là “chưa bao giờ thấy bầu không khí trong đảng Cộng hòa phấn chấn như hiện nay”.
Theo AFP, đúng là các chỉ số đều đáng khích lệ cho tổng thống đương nhiệm. Tuy nhịp độ tăng trưởng kinh tế có giảm đi kể từ đầu năm nay, viễn cảnh suy thoái đã xa dần. Thị trường lao động khởi sắc thấy rõ với kết quả ngoạn mục. Tạo ra thêm 266.000 công ăn việc làm trong tháng 11/2019. Tỉ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, xuống 3,5% thành phần dân chúng ở tuổi lao động. Theo thăm dò của viện Gallup, 55% người được hỏi ý kiến thẩm định tình hình kinh tế Mỹ “là tốt” thậm chí “rất tốt”.
Theo nhận định từ lâu nay trong giới chính trị Hoa Kỳ, nếu kinh tế đi lên thì Tổng thống hết nhiệm kỳ đầu thế nào cũng sẽ tái đắc cử. Nhưng liệu quy luật chung này sẽ đúng với Donald Trump, một nhân vật phải nói là khác thường hay không? Điều này đến nay, chưa ai dám khẳng định.
Cho đến tận bây giờ, niềm tin vào thắng lợi giúp phe Cộng hòa kết đoàn sau lưng chủ nhân Nhà Trắng. Trong số các yếu tố có thể làm thay đổi cuộc chơi là những diễn biến mới trong quan hệ Mỹ - Trung, hiện đã đạt được những thoả thuận căn bản nhằm chấm dứt cuộc thương chiến kéo dài đã 17 tháng.