Biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển

Hồng Vân - TCTC, số 10/2010

Biến đổi khí hậu (BĐKH) giờ đây không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là vấn đề về phát triển bền vững. Với những tác động tiêu cực đến môi trường, có thể BĐKH sẽ khiến toàn bộ Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về giảm đói nghèo khó thành hiện thực. Vì vậy các nhà lãnh đạo thế giới phải đạt được một thỏa thuận để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu.

BĐKH: Đi tìm nguyên nhân

BĐKH toàn cầu là vấn đề được đề cập đến trên các diễn đàn quốc tế từ ít nhất vài thập kỷ qua. Thực chất của BĐKH hiện nay là do sự biến đổi của hệ thống tương tác đa chiều của khí quyển, thủy quyển, thạch quyển, sinh quyển và con người, trong đó 90% nguyên nhân do con người gây ra. Hàm lượng khí CO2 do con người phát thải tăng lên quá mức cho phép, tạo nên hiệu ứng nhà kính, làm bề mặt trái đất không ngừng nóng lên, gây ra xáo động môi trường sinh thái. Nhiệt độ bề mặt trái đất đang nóng dần lên: từ năm 1850 đến nay, nhiệt độ trung bình hằng năm đã tăng 0,74oC, dự báo có thể tăng thêm 1,1oC - 6,4oC vào năm 2100, mức tăng chưa từng có trong lịch sử 10.000 năm qua. Do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu nên các lớp băng tuyết sẽ bị tan nhanh trong những thập niên tới. Vào cuối thế kỷ 21, khả năng xảy ra thảm họa sinh thái có thể sẽ tăng lên. Những bằng chứng gần đây nhất là sự gia tăng tốc độ tan chảy của các tảng băng ở Nam Cực và Greenland, hiện tượng axít hóa đại dương, sự thu hẹp các hệ rừng nhiệt đới và hiện tượng tan chảy của lớp băng được coi là vĩnh cửu dưới lòng đất ở Bắc Cực.

Các nước có mức đóng góp rất khác nhau vào lượng phát thải chung và đang làm gia tăng trữ lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển. Mặc dù chỉ có 13% dân số thế giới, song các nước giàu chiếm gần một nửa lượng khí CO2  phát thải. Tăng trưởng tốc độ cao ở Trung Quốc và Ấn Độ đang dẫn đến sự hội tụ dần của lượng phát thải tổng hợp. Tuy nhiên, sự hội tụ của tổng lượng các-bon quy đổi theo đầu người thì hạn chế hơn. Dấu chân các-bon của Mỹ lớn gấp gần 5 lần so với Trung Quốc và hơn 15 lần so với Ấn Độ. Ở Etiopia, tổng lượng CO2 quy đổi trung bình theo đầu người là 0,1 tấn trong khi con số này ở Canada là 25 tấn.

Sự tích tụ nhanh chóng khí nhà kính trong khí quyển của Trái đất đang làm thay đổi cơ bản dự báo khí hậu cho các thế hệ tương lai. Đây là những hiện tượng không thể dự báo được, không diễn biến theo quy luật tuyến tính và có thể làm cho các thảm họa sinh thái ập đến. Điều đó sẽ làm thay đổi các mô hình định cư của con người và hủy hoại tính bền vững của các nền kinh tế.

BĐKH và các mục tiêu phát triển

Giảm nghèo và tăng trưởng bền vững tiếp tục là những ưu tiên cơ bản mang tính toàn cầu. Theo Báo cáo Phát triển thế giới 2010 của WB thì 1/4 dân số thế giới vẫn đang sinh sống với mức thu nhập dưới 1,25 USD/ngày; 1 tỷ người thiếu nước sạch để uống; 1,6 tỷ người thiếu điện tiêu dùng; 3 tỷ người không có những điều kiện vệ sinh tối thiểu và 1/4 trẻ em tại các nước đang phát triển suy dinh dưỡng. Việc giải quyết những nhu cầu này phải được coi là ưu tiên của các quốc gia và của các khoản viện trợ phát triển nhưng những nhiệm vụ đó dường như không còn dễ dàng thực hiện nữa mà ngày càng khó khăn hơn do BĐKH.

BĐKH đã và đang đe dọa tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Những nước này được dự đoán là sẽ phải gánh chịu khoảng 75-80% những thiệt hại do BĐKH gây ra. Chỉ cần nhiệt độ tăng thêm 20C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp - tức là mức tăng thấp nhất mà thế giới có thể phải đối mặt - thì hậu quả là GDP của các nước châu Phi và Nam Á vẫn sẽ giảm 4-5% trong một thời gian dài. Phần lớn các quốc gia đang phát triển đều thiếu tiềm lực tài chính và kỹ thuật để ứng phó với nguy cơ của BĐKH, nhất là khi hầu hết các nước này đều nằm ở các khu vực nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, nơi khí hậu vốn đã biến động rất thất thường. Thu nhập và mức sống của người dân những nước này cũng phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn tài nguyên nhạy cảm với khí hậu.

Tất cả các nước đều bị tác động của BĐKH. Những nước bị tác động đầu tiên và nhiều nhất là những nước và cộng đồng dân cư nghèo nhất, mặc dù họ đóng góp ít nhất vào nguyên nhân BĐKH. Tuy nhiên, hiện tượng thời tiết bất thường, bao gồm lũ lụt, hạn hán, bão tố... cũng đang gia tăng ngay cả ở các nước giàu. Những tác động tiêu cực của BĐKH có thể làm thay đổi tốc độ tăng trưởng và phát triển của cả thế giới. Mới đây, tại hội nghị quốc tế về BĐKH ở thủ đô London, Thủ tướng Anh khẳng định, tình trạng ấm lên của trái đất có thể gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế mà mức độ thiệt hại vật chất của nó lớn hơn cả hai cuộc chiến tranh thế giới và Đại suy thoái gộp lại.

Các kết quả phát triển đã bắt đầu bị đẩy lùi ở mức độ nghiêm trọng. Những tác động này không được cảnh báo rộng rãi bởi nó diễn ra một cách lặng lẽ và không được đề cập tới trong kết quả đo lường GDP của thế giới song tình trạng hạn hán, bão lụt nghiêm trọng hơn và sức ép môi trường gia tăng đang hủy hoại nỗ lực nỗ lực quốc tế trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Cách đây 8 năm, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã họp mặt để cùng nhau đề ra các chỉ tiêu thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực phát triển con người. Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) thể hiện tầm nhìn đầy quyết tâm đến năm 2015. Tuy đã đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua, song nhiều nước vẫn chưa có triển vọng đạt được các mục tiêu này. BĐKH đang cản trở nỗ lực thực hiện các MDG và nếu không giải quyết được vấn đề này thì 40% dân nghèo nhất trên thế giới - tức là khoảng 2,6 tỷ người - sẽ có một tương lai vô vọng. Điều đó sẽ làm cho những bất bình đẳng (vốn đã ở mức sâu sắc giữa các quốc gia) trở nên trầm trọng hơn cũng như sẽ hủy hoại nỗ lực xây dựng một mô hình toàn cầu hóa mang lại lợi ích cho nhiều người hơn. Do vậy, để giải quyết tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng ngày hôm nay cũng như để ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa trong tương lai đòi hỏi chúng ta phải hành động hết sức khẩn trương.  

Gian nan cuộc chiến chống BĐKH

Theo Thủ tướng Anh (Hội nghị quốc tế về BĐKH tại London ngày 21/10/2009), các nhà lãnh đạo thế giới phải đạt được một thỏa thuận để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Nếu nỗ lực đó thất bại, mỗi năm thế giới không chỉ mất hàng trăm nghìn sinh mạng người do hạn hán và lũ lụt mà còn phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong vài thập niên gần đây. Những nước giàu nên cam kết giảm lượng khí thải từ 25 tới 40% trước năm 2020. Cùng lúc đó những nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc và Ấn Độ cần đưa ra các biện pháp cụ thể để hạn chế mức độ thiệt hại do sự phát triển kinh tế quá nhanh của họ gây nên. Những nước giàu, trong đó có Anh, phải đóng góp khoảng 84 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước nghèo thích nghi với BĐKH và giảm lượng khí thải cac-bon.

Còn theo ông Lord Nicholas Stern, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới, tác giả của báo cáo tổng quan “Những vấn đề kinh tế học của biến động khí hậu” thì nếu chúng ta không hành động, tổng chi phí và rủi ro chung do BĐKH gây ra có thể tương đương với việc mất ít nhất 5% GDP toàn cầu/năm. Con số thiệt hại có thể tăng lên tới 20% GDP hoặc cao hơn nếu một loạt những rủi ro và tác động không được xem xét tới. Trái lại, chi phí cho hoạt động giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất của BĐKH gây ra có thể chỉ chiếm khoảng 1% GDP toàn cầu/năm".

Trước hiểm họa của BĐKH, theo Báo cáo phát triển 2010 của WB, các nước cần phải có:

-       Hành động ngay lập tức: Nếu không sẽ phải tốn kém rất nhiều tiền khi thế giới lún sâu vào con đường phát triển các bon cao và rơi vào quỹ đạo không thể đảo ngược của hiện tượng trái đất nóng lên. BĐKH đã và đang làm tiêu tan những nỗ lực nâng cao mức sống và thực hiện các MDG. Cố gắng không để vượt quá 20C  so với thời kỳ tiền công nghiệp cũng đã đòi hỏi một cuộc cách mạng năng lượng thực sự, với việc áp dụng ngay lập tức các công nghệ tiết kiệm năng lượng sẵn có.

-        Hành động cùng nhau: Đây chính là chìa khóa để giảm chi phí và giải quyết 1 cách hiệu quả cả vấn đề thích nghi và giảm nhẹ những tác động của BĐKH. Công việc này cần bắt đầu từ việc những nước thu nhập cao đưa ra những biện pháp quyết liệt để giảm phát thải khí nhà kính của mình. Điều này có nghĩa là một số nước đang phát triển sẽ được giải phóng khỏi "không gian ô nhiễm" nhưng quan trọng hơn là nó sẽ kích thích đổi mới, cách tân và đòi hỏi phải có công nghệ mới để có thể nhanh chóng nhân rộng. Ngoài ra, sẽ phải có sự hỗ trợ quốc gia và quốc tế để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất thông qua những chương trình hỗ trợ xã hội, để thúc đẩy việc chia sẻ rủi ro trên thế giới và trao đổi kiến thức, công nghệ và thông tin.

-          Hành động khác những gì đang làm: Trong một vài thập kỷ tới, các hệ thống năng lượng của thế giới phải được chuyển đổi sao cho sự phát thải khí trên toàn cầu sẽ giảm từ 50-80%. Để có đủ lương thực cho thêm 3 tỷ người nữa mà không gây ra những nguy cơ đối với hệ sinh thái vốn đã phải đối mặt với rất nhiều sức ép, cần nâng cao năng suất nông nghiệp và hiệu quả sử dụng nước. Các chiến lược kinh tế xã hội lớn phải là những chiến lược có tính đến những bất ổn ngày càng ra tăng và tăng cường khả năng thích ứng tới một số viễn cảnh khí hậu khác nhau chứ không chỉ là đương đầu "một cách hiệu quả nhất" với khí hậu như cách thức chúng ta đã làm trong quá khứ.

-        Cần có một thỏa thuận về khí hậu toàn cầu bình đẳng và hiệu quả: Một thỏa thuận như vậy sẽ thừa nhận những nhu cầu và hạn chế của các nước đang phát triển, hỗ trợ họ tài chính và công nghệ để ứng phó với những thách thức của quá trình phát triển, và xây dựng các cơ chế phân biệt rạch ròi giữa nơi biện pháp giảm nhẹ xảy ra với việc ai chi trả cho những biện pháp đó. Phần lớn mức tăng các loại khí thải sẽ diễn ra ở các nước đang phải triển, nơi mức thải các-bon hiện rất thấp và nền kinh tế phải phát triển nhanh để giảm nghèo. Các nước thu nhập cao phải hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước nghèo thích nghi và tăng trưởng kinh tế với mức các-bon thấp.

               Hành động ứng phó quốc tế đã được đưa ra dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc với việc ký kết Công ước khung về BĐKH năm 1992 hướng tới mục tiêu cuối cùng là "ổn định các nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu". Nghị định thư Kyoto 1997 lại đưa ra những mục tiêu được lượng hóa về cắt giảm lượng khí thải đối với các nước công nghiệp và thiết lập các cơ chế linh hoạt để thực hiện các mục tiêu này với chi phí tối ưu. Những nguyên tắc chính của hành động ứng phó quốc tế trước tình trạng BĐKH dựa trên sự chia sẻ nỗ lực giữa các quốc gia "trên cơ sở công bằng và phù hợp với những trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và những khả năng của mỗi nước… đồng thời xem xét đầy đủ những nhu cầu riêng và những hoàn cảnh đặc thù của các nước đang phát triển…, nhất là những nước đặc biệt dễ bị tác động bởi những ảnh hưởng có hại của sự thay đổi khí hậu".

Trải qua hàng loạt các cuộc thương thảo để phê duyệt, ký kết kéo dài trong 10 năm, mãi đến tháng 12/2007 đã có 175 quốc gia và vùng lãnh thổ cam kết từ giai đoạn 2008 – 2012 sẽ giảm phát thải khí nhà kính và tới năm 2012 sẽ đạt 5% của lượng phát thải 1990. Đáng tiếc, cho đến nay, Hoa Kỳ là nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất vào khí quyển (trên 20% toàn thế giới) lại đứng ngoài vạch cam kết.

Để nối tiếp Nghị định thư Kyoto sắp hết hạn vào năm 2012, LHQ đã tổ chức Hội nghị Bali (Indonesia) vào giữa tháng 12/2007, Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH tại Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12/2009 tập trung vào nỗ lực ký kết một thỏa thuận để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Theo ông Nicholas Stern: “Hai thách thức lớn nhất của thế kỷ này là việc quản lý BĐKH và xóa đói giảm nghèo. Và nếu chúng ta thất bại ở một trong hai vấn đề thì cũng sẽ thất bại với vấn đề kia. Vì vậy, thế giới phải đối mặt với sự lựa chọn hiển nhiên tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc về BĐKH ở Copenhagen". Thế nhưng, tại Hội nghị này, sự mất lòng tin giữa các nước giàu và các nước nghèo vẫn lớn khi mà cả hai bên cùng đổ lỗi cho nhau về việc không chịu đưa ra những cam kết cụ thể và bản thỏa thuận được coi là Hiệp ước Copenhagen với những nội dung chủ yếu chỉ là các nước đồng ý giới hạn tăng nhiệt trái đất ở mức 2 độ C vào cuối thế kỷ này; Thiết lập một quỹ chống BĐKH trị giá từ 25 đến 30 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Đến năm 2020, quỹ này sẽ được bổ sung 100 tỷ USD (trong khi các nước đang phát triển và còn lại của thế giới còn yêu cầu các nước giàu phải bồi hoàn một khoản tài chính trị giá 300 tỷ USD trong dài hạn…). Bản tuyên bố chính trị kết thúc Hội nghị Copenhagen chỉ mang lại những thất vọng cho nhiều nước về những mục tiêu chống BĐKH và điều đó cho thấy cuộc chiến chống BĐKH trên thế giới còn vô cùng gian nan và phức tạp.