Bkav nâng mức khuyến cáo không dùng Face ID trong giao dịch thương mại
Tập đoàn công nghệ Bkav (Việt Nam) công bố việc chế tạo thành công chiếc mặt nạ mới, đánh bại Face ID theo cách các cặp sinh đôi mở khóa iPhone X. Với nghiên cứu mới này, Bkav nâng mức khuyến cáo an ninh tới tất cả người sử dụng chiếc smartphone "thời thượng" này.
Theo ông Ngô Tuấn Anh – Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav, trong thực nghiệm mới này, Công ty đã sử dụng một chiếc mặt nạ in 3D (chi phí khoảng 200 USD), làm từ chất liệu bột đá, phần mắt dán ảnh 2D. Lý do sử dụng bột đá, theo các chuyên gia của Bkav, là do chất liệu này có thể đánh lừa AI ở mức độ cao hơn giấy. Cùng đó, phần đôi mắt được in bằng ảnh chụp hồng ngoại – công nghệ mà chính Face ID dùng để ghi hình ảnh khuôn mặt.
Trong thực nghiệm, chiếc iPhone X với các tùy chọn an ninh cao nhất, được đăng ký Face ID khuôn mặt chủ nhân. Theo đại diện Bkav, ngay sau khi đưa ra trước mặt chiếc mặt nạ mới. iPhone X mở khóa ngay lập tức mà không có bất kỳ động thái "học" nào trên chiếc mặt nạ.
Bkav đặt tên cho chiếc mặt nạ mới là “sinh đôi nhân tạo” vì nghiên cứu trên cho thấy, iPhone X bị mở khóa bởi chiếc mặt nạ giống như việc bị mở khóa bởi một cặp sinh đôi.
Ông Ngô Tuấn Anh cho biết: “Với chiếc mặt nạ đầu tiên trong thực nghiệm 2 tuần trước đây, chúng tôi chỉ khuyến cáo các yếu nhân như lãnh đạo quốc gia, tập đoàn lớn, các tỉ phú cần lưu ý khi sử dụng Face ID. Tuy nhiên, với kết quả nghiên cứu lần này, chúng tôi buộc phải nâng mức cảnh báo an ninh đối với tất cả mọi người: Face ID không đảm bảo an ninh để sử dụng trong các giao dịch thương mại”.
Lỗ hổng trong AI của Face ID được Bkav tiên đoán kể từ thời điểm Apple ra mắt, dựa trên các nghiên cứu và phân tích khoa học. Ngay khi iPhone X được bán ra thị trường, Bkav đã lập tức tiến hành các thực nghiệm để khẳng định điểm yếu đã “thấy trước”. Và đúng như thế, Face ID đã bị mặt nạ đánh bại, trái ngược với những gì Apple tuyên bố tại buổi ra mắt iPhoneX.
Ngày 15/11, Bkav đã công bố PoC (Proof of Concept – nghiên cứu nguyên lý gốc) về thực nghiệm này và cho biết cần khoảng thời gian 9 đến 10 tiếng để đánh lừa AI của iPhone X. Dựa vào nguyên lý gốc này, Bkav đã tạo ra phiên bản mặt nạ thứ hai. Rõ ràng là iPhone X đã lập tức bị đánh lừa ngay sau khi vừa đăng ký khuôn mặt của chủ nhân chiếc điện thoại mà không cần tới 9 hay 10 tiếng như ở nghiên cứu trước. Đây là lỗ hổng an ninh rất lớn.
Trong buổi ra mắt iPhone X, Apple khuyến cáo nếu người dùng có một người anh chị em sinh đôi không đủ tin cậy thì nên bảo vệ dữ liệu nhạy cảm của mình bằng passcode. Tài liệu về Face ID của Apple cũng khuyến cáo, nếu nghi ngại về vấn đề này, người dùng nên sử dụng passcode để xác thực. Và với kết quả nghiên cứu mới này, bằng những vật liệu đơn giản, mọi người đều có thể bị “nhân bản” tạo ra mặt nạ sinh đôi nhân tạo của mình. Do đó, Bkav khuyến nghị Apple cần đưa ra khuyến cáo tương tự như với các cặp sinh đôi, tức là cần khuyến cáo tất cả người dùng iPhone X phải dùng passcode cho mọi tình huống có dữ liệu nhạy cảm và khi thực hiện các giao dịch thương mại.
Ông Nguyễn Tử Quảng – CEO của Tập đoàn công nghệ Bkav nhận định: “An ninh cần tiệm cận với sự tuyệt đối và AI chỉ nên là công cụ hỗ trợ chứ không nên là nền tảng an ninh duy nhất cho Face ID như cách Apple đang áp dụng. AI dù thế nào cũng vẫn là do con người tạo ra và nó chỉ ở mức độ làm tốt nhất theo kinh nghiệm của người dạy nó, tạo ra nó, ở đây là Apple. Vậy nếu ai có kinh nghiệm nhiều hơn thì có thể vượt qua nó”.
Có thể nói cho đến nay Fingerprint vẫn là công nghệ sinh trắc học đảm bảo nhất. Việc lấy mẫu vân tay sẽ khó khăn hơn chụp ảnh lấy mẫu từ xa. Trong khi đó, chỉ cần chụp ảnh từ xa và dựng 3D như trên là có thể dễ dàng vượt qua cả Face ID của Apple và Iris Scanner của Samsung.