Bộ Công an sẽ sát hạch, cấp bằng lái xe 12 điểm
Chiều 7/9 tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong những điểm mới đáng lưu ý tại dự thảo luật này là quy định về giấy phép lái xe với 12 điểm.
Theo Tờ trình số 399 về dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Chính phủ được Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày tại phiên họp, dự luật này đã bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm là những hành vi “nguy hiểm, có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc gây mất an ninh, trật tự”. Một số quy tắc giao thông cũng đã được sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn.
Theo đó, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho trẻ em, người già, người khuyết tật, người đi bộ và người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi ở hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế. Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế ngồi thiết kế dành cho trẻ em; người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường; mở cửa xe...
Một điểm đáng chú ý được sửa đổi trong dự luật này là quy định 1 hạng B để cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ, xe ô tô tải, máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg; bỏ quy định hạng E, các hạng F. Như thế, sẽ chỉ còn 11 hạng giấy phép lái xe gồm: A1, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE.
Cho ý kiến về dự án luật, cơ quan soạn thảo thống nhất phạm vi điều chỉnh của dự luật bao gồm các vấn đề về quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tác, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, vẫn còn có những ý kiến khác nhau, nên Chính phủ nêu hai phương án.
Ở phương án 1 (phương án chọn, đã được đa số thành viên Chính phủ đồng ý), vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phương án 2 là tiếp tục quy định vấn đề này trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Lý giải cho phương án chọn, lãnh đạo Bộ Công an nhận định, người điều khiển phương tiện giao thông vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông. Hành vi của người tham gia giao thông là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành nội hàm khái niệm “bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Mặt khác, điều khoản về quản lý hành vi của người tham gia giao thông liên quan đến các khâu như: Đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên cơ sở tham chiếu Công ước Viên về Giao thông đường bộ năm 1968 và tham khảo luật của nhiều nước trên thế giới (mô hình thành công nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc).
Tại phiên họp, hầu hết các ý kiến thống nhất với sự cần thiết của dự luật, song Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương lưu ý thêm về một số quy định bị chồng chéo giữa dự thảo luật này và dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), cần phải rà soát kỹ để điều chỉnh.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt thẳng thắn cho biết, bà cảm thấy việc tách luật chưa thật sự thuyết phục. Bà nói: “Phải làm thế nào để người dân hiểu 2 luật trên không nhầm lẫn, chồng chéo nhau, không dẫn đến tình trạng quyền anh, quyền tôi”.
Được mời nêu ý kiến, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Đình Thọ cho rằng việc tách luật sẽ giúp quy định rõ hơn trách nhiệm của các đơn vị thực thi nhiệm vụ và nội dung hai dự thảo luật không có sự chồng chéo nhiều.
Phát biểu tiếp thu, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc giải thích thêm, phạm vi điều chỉnh của 2 dự thảo Luật đã được phân định rõ ràng trong quyết định của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải cũng đã thống nhất những nét cơ bản. “Vấn đề sát hạch cấp giấy phép giấy phép lái xe, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải đã đề nghị Bộ Công an chủ trì”, ông Nguyễn Duy Ngọc nêu ví dụ cụ thể.
Giấy phép lái xe 12 điểm, một sửa đổi quan trọng
Theo dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, người được cấp giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có 12 điểm trong 12 tháng. Mỗi khi vi phạm, người lái xe sẽ bị trừ điểm. Nếu GPLX bị trừ hết điểm, sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm mà người lái xe có nhu cầu cấp GPLX mới, phải tham gia sát hạch lại. Nếu GPLX còn điểm thì tiếp tục được phục hồi 12 điểm cho trong 12 tháng kế tiếp.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đã yêu cầu cân nhắc tính khả thi của quy định này. Có ý kiến đề nghị việc tính điểm nên áp dụng đối với người lái xe, mà không thể hiện trên GPLX. Có ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định “học lại các nội dung đã phạm lỗi” khi GPLX bị trừ đến một số điểm nhất định. Cũng có ý kiến đề nghị quy định trừ điểm GPLX là một hình thức xử phạt bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đồng tình với việc bổ sung quy định về điểm cho người lái xe trong luật và xác định trừ điểm như một hình thức xử phạt bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng cơ quan thẩm tra lưu ý cần nghiên cứu cách trừ điểm cho phù hợp với đối tượng, hành vi và có giải pháp bảo đảm tính khả thi.