"Bom nợ" Evergrande đẩy Bitcoin xuống vực?
Sự sụt giảm của thị trường tiền điện tử đang bị tác động bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, có yếu tố lo ngại về cuộc khủng hoảng với Trung Quốc có thể xảy ra nếu “đế chế” Evergrande đổ vỡ.
Thị trường tiền điện tử đang trong tình trạng sụp đổ sau khi vốn hóa toàn cầu của nó giảm xuống dưới 2 nghìn tỷ USD. Hiện tại, Bitcoin (BTC) đang được giao dịch quanh mốc 42.000 USD/BTC sau khi thủng mốc 40.000 USD vào tối ngày 20/9 (theo giờ Việt Nam). Tương tự các đồng Altcoin cũng theo đà giảm sâu.
Có tác động từ Evergrande...
Không có lý do rõ ràng, cụ thể cho sự sụt giảm trên toàn thị trường tiền điện tử, nhưng hầu hết các chuyên gia trong ngành đang đổ dồn sự chú ý vào nguy cơ vỡ nỡ của ty bất động sản Evergrande tại Trung Quốc, với khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Những người tham gia thị trường toàn cầu cũng lo sợ về một hiệu ứng domino có thể xảy ra và ngành công nghiệp tiền điện tử sẽ không nằm ngoài hiệu ứng.
Được biết, Evergrande đã vay hơn 300 tỷ USD từ 171 ngân hàng trong nước và 121 công ty tài chính khác. Nhưng vào năm ngoái, sau khi Bắc Kinh thực hiện các quy định mới nhằm kiểm soát số tiền nợ của các công ty bất động sản lớn và điều này khiến Evergrande phải chào bán các bất động sản của mình với mức chiết khấu đáng kể. Theo lý giải, công ty đã làm như vậy để đảm bảo có đủ tiền duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên đến nay, “ông trùm” bất động sản này đang phải vật lộn để trả lãi cho khoản nợ của mình và không rõ, liệu Bắc Kinh có đứng ra bảo lãnh hay không.
Phát biểu về vấn đề này trên trang Cryptopotato, Mattie Bekink thuộc tổ chức tình báo kinh tế (EIU) đã nêu các mối liên hệ trên của Evergrande rằng, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà các yếu tố kinh tế vĩ mô và vi mô đều được đưa ra, khi nói đến tác động của Evergrande đối với nền kinh tế thế giới. Một vài lý do khiến những vấn đề này trở nên nghiêm trọng và cần được xem xét thích hợp như:
Thứ nhất, rất nhiều người đã mua bất động sản từ Evergrande trước khi công ty bắt đầu xây dựng chúng và họ có thể mất số tiền đã đặt cọc trước đó.
Thứ hai, công ty có một chuỗi cung ứng quốc tế và kinh doanh với nhiều công ty trên toàn thế giới, bao gồm các công ty xây dựng, thiết kế và các nhà cung cấp,... tất cả đều phải đối mặt với rủi ro mất tiền lớn nếu Evergrande đổ vỡ.
Thứ ba, là tác động đến tình hình tài chính của đất nước, gây ra mối nguy lớn cho các ngân hàng khi có một khoản nợ xấu khổng lồ.
“Suy thoái tài chính sẽ còn lan rộng. Một trong những mối quan tâm chính đó là cuộc khủng hoảng tín dụng. Nếu công ty vỡ nợ, những người cho vay bao gồm các tổ chức tài chính và ngân hàng có thể buộc phải cho vay ít hơn và tăng lãi suất, điều này sẽ gây ra hiệu ứng xấu cho các công ty khác đang cần vốn để tăng trưởng”, Mattie Bekink phân tích.
Cổ phiếu của Evergrande đã mất giá hơn 80% trong 6 tháng qua, và chỉ tính riêng trong ngày 20/9, cổ phiếu của công ty đã giảm mạnh hơn 10%. Điều này cũng khiến chỉ số Hang Seng - chỉ số theo dõi các công ty lớn của Trung Quốc giảm 3,3%, đây là mức giảm lớn nhất kể từ cuối tháng 7. Như vậy rõ ràng, nỗi lo về tài sản đang lan rộng ra ngoài phạm vi của Evergrande.
Điều gì xảy ra với Bitcoin?
Bitcoin là một tài sản rủi ro. Trên thực tế, bản chất khác thường và hành vi thị trường rời rạc, khó đoán, khiến nó trở thành một trong những tài sản rủi ro nhất. Và trong khi các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể tìm cách tiếp xúc với nó để tối đa hóa lợi nhuận, thì không có khả năng BTC là thứ mà họ sẽ nắm giữ trong thời gian hỗn loạn của một cuộc khủng hoảng tài chính sắp xảy ra.
Một chuyên gia tài chính lập luận rằng, khi có sự xáo trộn trên các thị trường tài chính nói chung, Bitcoin thường khá dao động. Do đó, hoàn toàn có khả năng chúng ta sẽ thấy thị trường tiếp tục thiếu quyết đoán, cho đến khi nỗi lo bất động sản đến từ Trung Quốc được giải quyết theo cách này hay cách khác.
“Nhưng cũng cần lưu ý rằng, điều này không chỉ áp dụng cho Bitcoin mà còn cho các tài sản rủi ro khác. Các nhà đầu tư có xu hướng là những người đầu tiên thanh lý tài sản khi nền kinh tế không ổn định và đồng USD tăng giá”, vị chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, trước sự sụp đổ nghiêm trọng của Bitcoin, cùng các điều kiện thị trường tiêu cực đã không ngăn được El Salvador mua vào BTC khi giá giảm. Bằng chứng là, Tổng thống Nayib Bukele của nước này đã mua thêm 150 BTC, nâng tổng số lượng nắm giữ của đất nước lên 700 BTC, mặc dù người dân El Salvador đang có các động thái biểu tình, phản đối quyết liệt.
Thêm một tác nhân khác khiến thị trường lao dốc, là giao thức chuỗi chéo pNetwork đã bị mất 277 BTC. Mặc dù thông tin chi tiết về cuộc tấn công còn ít ỏi, tài khoản Twitter chính thức của dự án thông báo rằng: "Kẻ tấn công có thể đã tận dụng một lỗi trong cơ sở mã của chúng tôi và tấn công pBTC trên BSC, đánh cắp 277 BTC”.
Theo các báo cáo, cộng đồng tiền điện tử tin rằng có nhiều yếu tố khác nhau, dẫn đến việc phá giá Bitcoin trong hiện tại. Một nguyên nhân có thể kể đến nữa đó là, Bitcoin giảm do thận trọng trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong tuần này, ảnh hưởng đến hợp đồng tương lai của chỉ số chứng khoán Mỹ. Cùng với đó là các tín hiệu chắc chắc về việc chính phủ Hoa Kỳ có thể tuyên bố stablecoin là rủi ro đối với hệ thống tài chính hiện tại.
Nhà phân tích tiền điện tử nổi tiếng Lark Davis cũng chỉ ra rằng, tin tức của Fed và Dự luật Cơ sở hạ tầng có thể tác động nặng nề đến thị trường tiền điện tử. “Hơn nữa, thời hạn cho Dự luật Cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ sắp đến hạn chót trong tuần này, do đó, một tác động đáng chú ý đến không gian tiền điện tử có thể sắp xảy ra”.
Nhìn chung, sự sụt giảm của thị trường tiền điện tử dường như đã tác động ở mức cao nhất do những lý do nêu trên. Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, trước sự ngạc nhiên của mọi người, xu hướng giảm hiện tại cũng có nguồn gốc trực tiếp hoặc gián tiếp từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường tiền điện tử có thể tiếp tục xu hướng giảm cho đến khi vụ việc của Evergrande có hướng xử lý, hoặc các vấn đề quy định chiếm ưu thế.