Brexit trước “ải” Westmington
Ngày 25.11, EU dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt để thông qua lần cuối và chính thức hóa dự thảo thỏa thuận Brexit vừa đạt được với Chính phủ Anh tuần trước. Tuy nhiên, ngay cả khi đã vượt qua vòng châu Âu, văn bản trên cũng khó qua được cửa ải của Nghị viện Anh sau đó.
Cuộc bỏ phiếu quyết định
Được biết, các nhà lập pháp ở cung điện Westmington nhiều khả năng sẽ tổ chức “cuộc bỏ phiếu đầy ý nghĩa” vào đầu tháng 12 tới. Mặc dù việc đạt thỏa thuận Brexit với EU có thể coi là thắng lợi trước mắt của Thủ tướng Anh Theresa May, nhưng không rõ bà sẽ phải làm như thế nào để vượt qua “cửa ải” của Nghị viện. Bởi khả năng phần lớn nghị sĩ sẽ phản đối thỏa thuận của bà.
Nhiều nghị sĩ đặc biệt phản đối viễn cảnh Vương quốc Anh bị ràng buộc với EU trong một liên minh thuế quan trong khoảng thời gian không xác định. Vì nó có thể khiến Anh khó đàm phán hiệp định thương mại tự do với các nước khác để trao đổi hàng hóa.
Họ cho rằng Anh phải là “người cai trị” không chỉ về chính sách thương mại mà còn ở nhiều lĩnh vực được gọi là “sân chơi cấp độ” như tiêu chuẩn lao động và môi trường, trợ cấp nhà nước, chính sách cạnh tranh và thuế…
Bên cạnh đó, không ít nghị sĩ vốn từ lâu phản đối bất kỳ sự phân kỳ pháp lý giữa Bắc Ireland với phần còn lại của Vương quốc Anh, cũng nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận trên. Bởi trong đó có một số cam kết đưa Bắc Ireland gia nhập liên minh hải quan sâu hơn giữa Anh và EU.
Đặc biệt, các nghị sĩ thuộc Công đảng sẽ không ủng hộ Thủ tướng với lý do thỏa thuận của bà May không mang lại lợi ích giống như khi Anh vẫn còn là thành viên EU. Những nghị sĩ theo chủ nghĩa dân tộc Scotland và xứ Wales, nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Tự do và Đảng Xanh cũng chung quan điểm...
Thất bại tại Nghị viện có thể dẫn đến việc bà May phải từ chức. Trong trường hợp đó, đảng Bảo thủ sẽ phải chọn ra nhà lãnh đạo mới trong vài tuần do sự cấp bách của tiến trình Brexit. Tuy nhiên, sự xuất hiện của tân Thủ tướng sẽ khó thay đổi số lượng nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit, vì vậy dù đó là ai thì cũng sẽ phải đối mặt với tình cảnh như bà May. Tức là rất khó để Nghị viện thông qua thỏa thuận.
5 lựa chọn khó
Khi Nghị viện đưa ra lựa chọn trong cuộc bỏ phiếu tới, 5 viễn cảnh có thể xảy ra. Trước tiên, lựa chọn mặc định là Vương quốc Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào. Như vậy, xứ sở sương mù có thể sẽ thực hiện từng bước một số biện pháp để tránh những gián đoạn tồi tệ nhất cho công dân và doanh nghiệp.
Có thể sẽ có những thỏa thuận nhỏ về hàng không, quyền của công dân, hợp đồng bảo hiểm, kiểm soát biên giới… Nhưng nếu EU không chấp nhận những thỏa thuận nhỏ đó, thì tình hình càng trở nên bi quan, hỗn loạn và khó khăn.
Các chính trị gia sẽ phải trả giá trước sự phẫn nộ của cử tri trong khi phản ứng của các thị trường tài chính có thể khiến giá trị đồng bảng Anh suy yếu. Thực tế, cả EU lẫn Vương quốc Anh đều không mong muốn viễn cảnh Brexit không có thỏa thuận nào. Tuy nhiên, nó không bị loại trừ nếu Nghị viện Anh bác thỏa thuận mới đạt được của bà May.
Thứ hai, cơ quan lập pháp sẽ kêu gọi Chính phủ Anh quay trở lại EU để đạt được thỏa thuận tốt hơn. Công đảng ủng hộ phương án trên với lập luận rằng Vương quốc Anh cần đàm phán về một liên minh thuế quan cố định. Có vẻ đa số Nghị viện ủng hộ một thỏa thuận Brexit “mềm hơn”, trong đó bao gồm liên minh thuế quan.
Do EU muốn khuyến khích Nghị viện Anh bỏ phiếu cho thỏa thuận của bà May nên liên minh này cho biết sẽ không đồng ý đàm phán lại thỏa thuận Brexit. Dẫu vậy EU vẫn có thể sửa đổi các tuyên bố chính trị, vốn mang tính không ràng buộc và bao gồm mối quan hệ tương lai. Tuy nhiên, viễn cảnh đó vẫn vấp phải phản đối mạnh mẽ của nhiều nghị sĩ.
Một biến thể của lựa chọn hai là Anh sẽ gia nhập Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) để tiếp tục ở lại Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) hậu Brexit và như vậy vẫn ở trong thị trường chung EU. Tuy nhiên, vấn đề là cả EU lẫn các nước EFTA đều không muốn Vương quốc Anh chỉ tham gia EEA trong vài năm. Trong khi đó, giới chính trị Anh lại khó chấp nhập các quy định của thị trường chung mà Anh không có tiếng nói, biểu quyết…
Thứ ba, nếu Nghị viện Anh không gật đầu và các cuộc tái đàm phán thất bại, thì một cuộc tổng tuyển cử sớm nhiều khả năng xảy ra. Mặc dù đảng Bảo thủ rất sợ nếu lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn sẽ lên làm Thủ tướng nhưng viễn cảnh Brexit không có thỏa thuận còn làm họ lo ngại hơn. Vì vậy vẫn có khả năng nhiều nghị sĩ đảng này sẽ vẫn ủng hộ phương án bầu cử.
Một cuộc bầu cử có thể làm thay đổi cán cân Nghị viện, giúp thỏa thuận Brexit được thông qua. Nhưng nếu cử tri vẫn chọn một Nghị viện giống như cũ, các nghị sĩ vẫn bác thỏa thuận của Thủ tướng May dù bà có còn làm Thủ tướng nữa hay không. Khi đó, Chính phủ Công đảng nếu lên cầm quyền có thể đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý mới.
Thứ tư, có thể được gọi là “Lá phiếu của người dân”. Người Anh sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý thứ hai. Giờ đây viễn cảnh cụ thể về việc rời EU, trong đó khó khăn và thuận lợi trở nên rõ ràng hơn rất nhiều so với cuộc trưng cầu đầu tiên năm 2016.
Vì vậy, người dân xứng đáng có tiếng nói cuối cùng về việc có nên xúc tiến Brexit. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, cuộc trưng cầu mới có thể làm xói mòn niềm tin của công chúng và dù kết quả như thế nào cũng không giải quyết dứt điểm được vấn đề.
Cuối cùng, các nghị sĩ đành thông qua thỏa thuận với EU của bà May, coi đây là vì lợi ích quốc gia. Như vậy, cuộc chia tay của nước Anh sẽ tiếp tục được tiến hành cho dù nhiều người không muốn nhìn thẳng vào thực tế đó.