Bùng nổ homestay - ai quản?
Xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng vài năm trở lại đây, homestay (lưu trú tại nhà của người dân bản địa) nổi lên như trào lưu du dịch được ưa chuộng, đưa lại những khoản thu lớn cho các đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề quản lý loại hình du lịch này đến nay dường như vẫn còn bỏ ngỏ.
Đa phần tự phát, dễ làm
Homestay là loại hình cho thuê phòng nghỉ, qua đó du khách được trải nghiệm sống tại nhà của người dân địa phương. Thị trường cho thuê homestay đang trên đà rộ lên khoảng vài năm trở lại đây với mô hình “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, đã làm tăng tính hấp dẫn và trải nghiệm cho những khách du lịch.
Tại một số địa phương, nhiều người dân đã tận dụng ngôi nhà của mình để kết hợp cho thuê, hoặc thuê lại rồi cải tạo thành nơi lưu trú hướng đến đối tượng khách trẻ, khách du lịch nước ngoài đi bụi. Anh Nguyễn Mạnh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội), người thường dẫn khách du lịch theo mô hình homestay từ những ngày đầu loại hình này mới manh nha, cho biết homestay tiện lợi do không nhất thiết phải có công ty với nhiều thủ tục rườm rà.
Chỉ cần có người đam mê và am hiểu về du lịch, biết cách tổ chức tốt, vẫn có thể dẫn tour sau khi đã tập hợp đủ đoàn nhờ thông tin đăng tải trên các trang web, group trên mạng. “Cái khó nhất là bạn phải có quan hệ tốt với cơ sở, tức người dân địa phương tại các nơi bạn dự định đưa khách đến, phải thỏa thuận ăn chia phần trăm hoa hồng hợp lý” - anh Hùng chia sẻ.
Kinh doanh là quyền tự do của người dân, được Nhà nước bảo hộ. Nhưng hướng dẫn người dân kinh doanh theo pháp luật như thế nào là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, trong đó có nhiệm vụ hướng dẫn, giám sát, quản lý, chấn chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Hiện trung bình mỗi tháng anh Hùng dẫn khoảng 4 lượt đoàn khách du lịch đi thăm quan các địa điểm du lịch ở Cô Tô (Quảng Ninh) và Vân Long (Ninh Bình). Mỗi đoàn thường từ 20-30 người, đi vào 2 ngày nghỉ cuối tuần và đi cùng gia đình.
Anh Hùng cho biết vốn là người đam mê du lịch, sau khi đến những địa điểm du lịch trên, anh nảy sinh ý tưởng làm homestay. Anh đã đặt vấn đề với một số người dân địa phương để cùng làm. Anh bỏ tiền đầu tư xây dựng lại một số phòng nghỉ tại một số gia đình. Cách làm của anh Hùng là xây dựng và duy trì các trang web và fanpage trên mạng, nội dung giới thiệu, quảng bá về du lịch trải nghiệm ở Cô Tô và Vân Long.
Theo đó, qua các trang web trung gian chia sẻ chỗ ở như Airbnb, Agoda, Booking, Traveloka… dịch vụ homestay của anh Hùng đã trở nên đơn giản tới mức chỉ cần gói gọn trong vài bước “nhấp chuột”. Thực tế, nhiều đơn vị, trang web trung gian giữa các homestay và khách thuê tối giản hóa dịch vụ tới mức không cần giấy tờ tùy thân, chỉ cần nhận mã số nhà và mở cửa vào homestay như nhà mình, thậm chí không cần gặp chủ nhà.
Dễ thu hồi vốn
Loại hình dịch vụ homestay đã phát triển mạnh ở nhiều nơi Sapa, Mai Châu, Hội An, Đà Lạt, Phú Quốc trong nhiều năm qua, nay đã thực sự bùng nổ ở những TP lớn TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
Nhận thấy lợi nhuận từ homestay, không chỉ giới cho thuê phòng trọ chuyển hướng, nhiều khách sạn ở các quận 1, 3, 4, Tân Bình, Phú Nhuận hoạt động không hiệu quả cũng dần thay đổi cách thức kinh doanh. Chị Như Quỳnh, chủ khách sạn Vỹ Dạ, số 48 đường Cô Bắc, quận 1, cho biết người kinh doanh homestay thường sử dụng 2 hình thức là thuê nhà phố và căn hộ chung cư có phòng cho thuê, hoặc có thể sử dụng chính căn hộ của mình để kinh doanh.
Homestay là hình thức lưu trú ngắn hạn nên khả năng doanh thu cao hơn cho thuê phòng truyền thống trung bình 20-30%. Đặc biệt, tại các đô thị lớn có đông đảo khách du lịch nước ngoài, mức lãi có thể gấp 2-3 lần so với thuê truyền thống. Trong khi kinh doanh khách sạn hay nhà nghỉ cần số vốn lớn, kinh doanh homestay không cần vốn nhiều và rất dễ thu hồi vốn.
Tại khách sạn Vỹ Dạ, trong không gian phòng chừng 20m2, chủ cơ sở bố trí khoảng 8 giường tầng như trong ký túc xá, có máy lạnh, có tủ để khách cất giữ hành lý, tư trang. Dưới tầng trệt, khách sạn bố trí phòng sinh hoạt chung cho khách lưu trú. Giá thuê 1 chỗ ngủ tại đây ngày thường 100.000 đồng/ngày, những ngày lễ tăng lên 130.000 đồng/ngày.
Vậy đầu tư cho loại hình homestay có tốn kém? Anh Nguyễn Trần Nguyên, chủ một cơ sở homestay ở đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, tiết lộ, đến với mô hình kinh doanh này từ năm 2017 anh bỏ ra gần 500 triệu đồng vốn ban đầu để sửa lại căn nhà đang ở thành 5 phòng, sắm sửa nội thất và trang trí phòng ốc. Kinh doanh vào thời điểm hiện tại, trừ các chi phí, 1 tháng anh lời khoảng 15 triệu đồng.
Theo tính toán của anh Nguyên, kinh doanh homestay sau 1 năm rưỡi sẽ hoàn lại vốn ban đầu. Trường hợp của anh Nguyên thuận lợi vì có nhà riêng để làm ăn, còn hầu hết chủ cơ sở homestay đều phải thuê mướn nhà để kinh doanh. Theo đó, họ phải trả chi phí thuê ít nhất trong vòng 1 năm. Nếu nhà đầu tư trường vốn có thể trả hết thời gian thuê nhà cam kết theo hợp đồng. Việc này sẽ giảm được chi phí tăng tiền thuê nhà trong quá trình vận hành.
Một chủ đầu tư khác tại huyện Hóc Môn, anh Hồng Nhân, cho hay đã bỏ ra gần 3 tỷ đồng đầu tư kinh doanh homestay. Lúc đầu, anh Nhân mua đất và xây dựng với mục đích cùng vợ con về nghỉ ngơi cuối tuần. Sau đó, thấy có một số khách hỏi thuê, anh Nhân nhận ra có thể đầu tư vào mô hình kinh doanh này.
Nhà đầu tư này cũng cho biết tỷ suất khai thác trung bình đạt khoảng 60%, thời gian trống còn lại gia đình anh sử dụng để nghỉ dưỡng. Hay theo anh Nguyễn Mạnh Hùng, khách hàng anh hướng đến chủ yếu là những vợ chồng trẻ, cuối tuần thường đưa cả gia đình đi nghỉ ngơi.
Sau khi đã lập đủ đoàn, anh đứng ra thuê xe, liên hệ với phía cơ sở chuẩn bị khâu hậu cần đón khách (bố trí suất ăn, nơi nghỉ, phương tiện đi lại…). Thời gian mỗi chuyến đi ngắn và giá bình quân cho mỗi khách cũng khá thấp (thường phân theo bình quân đầu người, càng đông càng rẻ) nên khách hàng liên hệ với anh rất đông, có chuyến đi sau khi trừ hết chi phí, anh thu nhập hơn 20 triệu đồng.
Buông lỏng quản lý
Anh Lê Hoàng Đức, từng là hướng dẫn viên du lịch của một công ty du lịch lữ hành tại Hà Nội nhưng đã thôi việc 2 năm nay để dành thời gian đầu tư vào homestay. Hiện anh Đức đang đầu tư loại hình homestay tại 2 bản của huyện Tam Đường (Lai Châu). Đối tượng khách du lịch anh hướng đến chủ yếu là khách châu Âu thích trải nghiệm du lịch bụi.
Nhờ kinh nghiệm và quan hệ đã tích lũy được trong hơn 8 năm làm hướng dẫn viên du lịch, việc kết nối và sắp xếp các tour của anh Đức không quá khó khăn. Khi được hỏi về vấn đề đăng ký quản lý khách du lịch nước ngoài tại địa phương có điểm du lịch sẽ như thế nào, anh Đức cho biết chủ nhà lo trình báo với công an khu vực, nhưng thường không trình báo vì nơi đây là vùng núi cao, dân cư thưa thớt. Điều đáng lưu ý, dù thu nhập hàng tháng lên đến hàng chục triệu đồng, anh Đức cũng chưa bao giờ nộp thuế vì cũng không biết nộp cho ai và ai quản lý.
Gần đây, tại một số địa phương, cũng đã tính đến việc đưa các homestay vào tầm ngắm quản lý, song về cơ bản vẫn “lực bất tòng tâm”. Thông tin từ một chủ homestay ở Vân Long (Ninh Bình), cho biết ngoài chi phí đầu tư, sửa chữa nhà để làm homestay, các thủ tục khác chỉ mất khoảng 4 triệu đồng là đã kinh doanh được. Hàng tháng đóng thêm khoảng 850.000 đồng thuế khoán, tuy nhiên có thể lách khi chỉ cần đóng khoảng 250.000 đồng. “Với homestay, càng ít phô trương càng dễ kinh doanh” - chủ homestay này nói.
Nhìn chung, việc kinh doanh homestay hiện nay đang là bài toán khó cho các cơ quan chức năng. Thí dụ, xử lý như thế nào đối với các chủ kinh doanh lợi dụng lỗ hổng pháp lý để lách luật, như cải tạo nhà thành homestay và cho thuê, doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú, cắt giảm chi phí bằng cách cắt giảm các điều kiện về lưu trú như điện nước, phòng cháy, chữa cháy, y tế, đại hạ giá để kiếm khách nhằm cạnh tranh…
Từ thực trạng trên, các câu hỏi được đặt ra, nếu xảy ra những sự cố không đáng có như cháy nổ, ngộ độc… sẽ xử lý như thế nào giữa chủ nhà và khách thuê, cơ quan chức năng địa phương và chủ kinh doanh… Đây là những câu hỏi đến nay vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Qua kiểm tra mới đây tại TP Đà Lạt, cơ quan chức năng phát hiện có 136/250 cơ sở với 1.667 phòng chưa đăng ký thẩm định hoặc thẩm định chưa đạt. Điều này có nghĩa là một nửa số homestay ở Đà Lạt hiện nay chưa đạt chuẩn, được nâng cấp sơ sài từ nhà ở của người dân, thiếu thiết bị vật chất, tiện nghi rất hạn chế, không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Tăng nhanh về số lượng mà không được quản lý kịp thời đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạ thấp giá lưu trú chỉ vài ba chục ngàn đồng/khách/đêm.