Bước tiến trên con đường quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Ngày 10/4, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trực tiếp giữa Trung Quốc và Australia chính thức có hiệu lực. Đạt được tại cuộc gặp cấp cao bên lề Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2013 sau nhiều thương lượng, thỏa thuận này là một bước tiến của Trung Quốc trong nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT).

Bước tiến trên con đường quốc tế hóa đồng nhân dân tệ
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Theo tuyên bố của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), thỏa thuận hoán đổi tiền tệ sẽ giúp thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT và đồng đôla Australia (AUD) trong lĩnh vực đầu tư và thương mại song phương, cũng như tăng cường hợp tác tài chính giữa hai nước. Ngoài ra, việc hoán đổi trực tiếp tiền tệ này còn giúp tiết kiệm được chi phí giao dịch.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Australia cũng cho rằng việc hai đồng tiền có thể trực tiếp hoán đổi sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động thương mại giữa hai nước cũng như giúp tăng khả năng cạnh tranh của các công ty Australia hoạt động tại thị trường Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia với kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 123 tỷ AUD trong tài khóa 2011 - 2012, trong khi Australia là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Trung Quốc.

Thỏa thuận trên đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa đồng NDT trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế, cạnh tranh với đồng USD. Hiện mới có 2 loại đồng tiền được hoán đổi tự do tại thị trường Trung Quốc đại lục là đồng USD của Mỹ và đồng Yên của Nhật Bản. Các chuyên gia nhận định nếu đồng NDT có thể cạnh tranh với đồng USD của Mỹ, các công ty Trung Quốc sẽ giảm được các chi phí về hối đoái và nâng cao vị thế của nước này trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Trong nhiều tháng trở lại đây, các ngân hàng Trung ương của Nhật Bản, Hàn Quốc và Ảrập Xêút đã đề ra những kế hoạch để dùng đồng NDT của Trung Quốc làm một trong các loại chỉ tệ của lượng dự trữ ngoại hối của nước họ.

Thực tế, nỗ lực đưa đồng NDT ra “biển lớn” của Trung Quốc đã trở thành một chiến lược dài hạn của Bắc Kinh từ nhiều năm qua. Chiến lược này đặc biệt có nền tảng vững chắc để triển khai khi Mỹ và các đối tác lớn của Trung Quốc tại châu Âu bị sa lầy vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, tiếp đó là cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone, khiến hai đồng ngoại tệ chủ chốt lâu nay trong rổ tiền tệ thế giới là USD và euro chao đảo. Nhiều nước đã buộc phải đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ của mình, trong đó đồng NDT có cơ hội hơn bao giờ hết.

Quá trình đồng NDT bắt đầu vượt ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc được đánh dấu vào tháng 1.2004, tức 6 năm sau khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc, đồng NDT khi đó chính thức được cho phép sử dụng ở đặc khu hành chính này, để tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch với Trung Quốc. Đến tháng 7.2009, hai bên mới chính thức ký thỏa thuận về việc sử dụng đồng NDT trong trao đổi thương mại. Điều này đã nâng lượng NDT dự trữ trong các ngân hàng Hong Kong từ khoảng 12,1 tỷ NDT trước đó lên 609 tỷ NDT trong năm 2010. Tổng giá trị các hợp đồng giao dịch bằng NDT tại vùng lãnh thổ này hiện tại ước tính khoảng 1.500 tỷ NDT. Năm 2010, một vài công ty nước ngoài lần đầu tiên đã cho phát hành trái phiếu bằng loại tiền này.

Thỏa thuận Trung - Nhật ngày 25/12/2011 là bước tiến quan trọng tiếp theo bởi đây là lần đầu tiên đồng tiền của Trung Quốc được đưa vào trong một thỏa thuận chính thức trong giao dịch giữa hai nước. Chiến lược tiền tệ của Trung Quốc đã mang lại kết quả tích cực. Năm 2010, có 8% giao dịch thương mại trên thế giới được thực hiện bằng đồng NDT trong khi năm 2009 chỉ có 1%.

Thực tế, Trung Quốc đã tiến hành tự do hóa kinh tế và đang từng bước thận trọng tự do hóa lĩnh vực tiền tệ. Sự phát triển của nền kinh tế nước này khiến cho trong ngắn hạn, đồng NDT trở thành một trong những đồng tiền chính trên thế giới là điều tất yếu. Tiến trình này cũng được hỗ trợ bởi chủ trương thành lập các trung tâm tài chính mới tại Trung Quốc do vị thế của nước này ngày càng được củng cố.

Trải qua tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 -2009, trung tâm tài chính của Mỹ và châu Âu tuy vẫn duy trì được ưu thế truyền thống, ở vị trí chủ đạo, nhưng họ đang chịu sự thách thức đến từ trung tâm tài chính của các nước thị trường mới nổi như Trung Quốc. Cùng với sự nâng cao về vị thế quốc tế, Trung Quốc giành được quyền chủ đạo lớn hơn trong cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế; quyền phát ngôn và sức ảnh hưởng của các thành phố như Hong Kong, Bắc Kinh, Thượng Hải cũng không ngừng tăng lên. Có thể dự kiến rằng cùng với tổng lượng kinh tế của Trung Quốc không ngừng tăng, địa vị quốc tế không ngừng nâng cao, quyền phát ngôn về tài chính của Trung Quốc cũng sẽ từng bước được nâng lên.

Đến trước giữa thế kỷ XXI, Trung Quốc hoàn toàn có thể hình thành 1 - 2 trung tâm tài chính mang tính toàn cầu và nhiều trung tâm tài chính quốc tế mang tính khu vực. Vì thế, cùng với sự nâng cao về khu vực hóa và quốc tế hóa của đồng NDT, hệ thống tiền tệ quốc tế có khả năng bắt đầu xuất hiện xu thế phát triển chuyển từ cục diện 2 cực (đồng USD và đồng euro) sang ba cực (USD, euro và NDT).