Buôn bán dầu DO trái phép gia tăng ở vùng biển phía Nam
Trong thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển, buôn bán dầu DO trái phép tại vùng biển phía Nam gia tăng, chủ yếu là vùng biển thuộc tỉnh Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển, buôn bán dầu DO trái phép diễn ra trên vùng biển phía Nam, dung tích dầu bị phát hiện mỗi vụ lên đến hàng trăm nghìn lít, đa số đều không có hóa đơn, chứng từ.
Đơn cử, ngày 14/5/2021, tại khu vực vùng biển cách huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 55 hải lý về phía Đông Nam, lực lượng cảnh sát thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển tổ chức kiểm tra tàu cá mang số hiệu TG 91679 TS và phát hiện đang vận chuyển khoảng 45.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Chủ tàu cá khai nhận, lượng dầu DO này được thu mua trên biển để bán cho các tàu đánh bắt cá ngoài biển.
Trước đó, cũng tại vùng biển này ngày ngày 27/4, lực lượng cảnh sát của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển phát hiện tàu cá mang số hiệu TG-93798-TS đang vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO không có chứng từ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc.
Ngày 4/5/2021, tại khu vực biển cách mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau khoảng 80 hải lý về phía Đông Nam, lực lượng cảnh sát của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã bắt giữ tàu mang số hiệu TG-91856 TS đang vận chuyển khoảng 140 m3 dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Trần Văn Vũ (ngụ tại thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu vận chuyển trên tàu và hồ sơ phương tiện lưu thông trên biển.
Ngày 16/4/2021, tại khu vực biển phía Tây Nam thuộc đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang, Tổ công tác Đoàn Trinh sát số 2 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã bắt giữ một chiếc tàu đánh cá vận chuyển 100.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính từ đầu năm đến nay, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các cơ quan chức năng ở khu vực miền Nam đã bắt giữ hơn 30 vụ vận chuyển, buôn bán dầu DO trái phép trên biển. Hoạt động kinh doanh dầu DO trái phép diễn ra ở khu vực biển chủ yếu thuộc các tỉnh như Quảng Ninh Hải Phòng, Đà Nẵng và phổ biến nhất khu vực biển phía Nam.
Hành vi gian lận trong vận chuyển, buôn bán dầu DO trên biển do các đối tượng cơi nới tàu cá thành khoang chứa dầu, tổ chức mua bán dầu bất hợp pháp của các tàu nước ngoài, sau đó bán lại cho các ngư dân đánh bắt cá trên biển. Để đối phó với lực lượng kiểm tra, các đối tượng buôn bán dầu DO trái phép thường lắp đặt các thiết bị định vị để thực hiện tuyến đi, nơi trao đổi hàng và chủ yếu thực hiện vào ban đêm ngoài khơi xa.
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang cho biết, do giá dầu gần đây tăng cao, hoạt động vận chuyển, buôn bán dầu DO trái phép trên vùng biển phía Nam hiện nay đang gia tăng và diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, những dịp biển nổi sóng gió lớn đưa tàu thuyền ra vùng ngoài hải phận mua dầu để bán cho các tàu cá hoạt động trên biển để thu lợi.
Các đối tượng vận chuyển, buôn bán dầu trái phép thường hoạt động rất chuyên nghiệp, thậm chí manh động chống lại lực lượng kiểm tra khi bị bắt giữ. Trong khi vùng biển phía Nam rộng lớn nhưng lực lượng kiểm tra và thiết bị, công cụ giám sát lại mỏng dẫn đến việc phát hiện và bắt giữ những đường dây, đối tượng vận chuyển, buôn bán dầu DO trái phép trên biển là rất khó khăn.
"Dầu DO mua bán trái phép trên biển không chịu thuế, giá dầu của các tàu nước ngoài thường rẻ hơn mua hợp pháp trong đất liền giúp cho các đối tượng thu lợi rất cao, điều này càng kích thích sự hoạt động phi pháp của các đối tượng chủ tàu cá đang hoạt động ngoài biển khơi", đại diện Ban Chỉ đạo 389 Kiên Giang thông tin.
Để triệt xóa tình trạng vận chuyển, buôn bán dầu DO trái phép trên biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tăng cường lực lượng để kiểm soát chặt những khu vực nóng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng kiểm soát chặt tại các vùng biển trọng điểm như Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, những tàu đánh bắt cá đang hoạt động tại các vùng biển giáp ranh hải phận là đối tượng được kiểm soát chặt nhằm kịp thời phát hiện và xử lý.