Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp trong thị trường nội địa
Theo Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), năm 2019, cơ quan này đã phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng. Trong đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018), giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng.
Năm 2019, lực lượng QLTT đã tấn công được vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn. Trong đó, có một số vụ việc nổi bật như: 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và tại TP. Hồ Chí Minh; kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới, thay đổi tem nhãn thành "made in Việt Nam"; vụ việc kiểm tra, xử lý 3.108 chai rượu nhập lậu tại tỉnh Quảng Bình.
Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch kiểm tra cao điểm vào các mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hoạt động buôn lậu trên tuyến đường bộ, đường sắt. Qua đó, đã triệt phá nhiều vụ việc, ổ nhóm lớn.
Điển hình là vụ việc kiểm tra 18 kho hàng tại Quận 6, TPHCM phát hiện lượng lớn hàng hóa giả nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam như: Dior, Chanel, Louis Vuitton, Gucci và hàng trăm nghìn nhãn mác, bao bì của những thương hiệu nổi tiếng này tại Hà Nội...
Dự báo trong thời gian tới hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, Tổng cục QLTT cho biết sẽ tập trung, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thị trường nội địa. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận xuất xứ hàng hóa.
Tuy nhiên, theo Tổng cục QLTT, để đạt được mục tiêu này rất cần sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo quyết liệt từ phía Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đến các sở, ngành, địa phương nhằm tăng cường phối hợp với lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa.
Cơ quan này cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có cơ chế để lại số thu từ nguồn xử lý vi phạm hành chính của lực lượng để tái đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa lực lượng phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính; theo đó, kiến nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi các văn bản quy định liên quan đảm bảo phù hợp.