"Buôn" nhà cho thuê: Đừng tưởng bở!

Theo Nhịp Cầu Đầu tư

Giá nhà đất giảm mạnh, nhiều người chủ ý mua lại, chờ giá cao sẽ bán kiếm lời. Trong thời gian chưa bán được, nhiều người cho thuê lại nhà để kiếm thêm thu nhập. Nắm bắt tâm lí này, nhiều cò nhà đất bắt đầu “thu gom” những căn hộ cho thuê với giá cả phải chăng sau đó đi tìm những đối tượng đang cần thuê nhà để cho thuê lại với giá cao hơn để hưởng phần chênh lệch giá.

"Buôn" nhà cho thuê: Đừng tưởng bở!
Ảnh minh họa. Nguồn: batdongsan.com.vn

Một vốn bốn lời

Tại khu căn hộ Phú Mỹ Thuận – Nhà Bè, một cò nữ có tới trên 10 căn hộ cho thuê. Khách hàng đến xem nhà, không ưng căn này có thể được cò giới thiệu qua căn khác để xem. Thấy tác giả bài viết băn khoăn sao một mình mà có nhiều tiền, mua được nhiều nhà thế thì cò này bật mí chiêu làm ăn của mình: thuê lại của chủ nhà rồi sau đó cho người khác thuê với giá cao hơn. Với cách làm ăn đó, mỗi căn hộ, cò này kiếm lời được 500 ngàn đồng/tháng.

Tuy nhiên, để có được số hoa hồng này, đòi hỏi cò phải hết sức khéo léo và nhanh nhạy. “Mình phải làm quen với chủ đầu tư để biết họ đã bán được những căn hộ nào, rồi lân la làm quen với những chủ căn hộ. Khi họ có ý định cho thuê, mình phải chớp thời cơ ngay. Thậm chí, nếu người ta chưa cho thuê, mình phải khéo léo vận động để người ta cho thuê lại. Sau khi đã thuê được rồi thì cần nhanh chóng kiếm khách cho thuê lại để tránh tình trạng phải đóng tiền oan trong thời gian chưa có người thuê”, cò này tâm sự.

Với những nhà nguyên căn thì việc thuê rồi cho thuê lại có vẻ khó tiến hành hơn do dễ bị chủ nhà phát hiện. “Việc cho thuê lại nhà đã thuê để kiếm tiền chênh lệch đòi hỏi phải được giữ bí mật vì nếu bị chủ nhà phát hiện thì có thể bị chấm dứt hợp đồng. Còn nếu người thuê lại phát hiện ra nhà đó không phải của mình mà là nhà mình đi thuê rồi cho thuê lại thì họ cũng không an tâm bởi nguy cơ có thể bị đuổi ra khỏi nhà bất cứ lúc nào”, một cò nhà đất khác cho hay.

Bên cạnh những chiêu chủ ý của các cò nhà đất thì có không ít người cũng dùng chiêu này để đỡ tiền thuê nhà. Mỹ Linh, nhân viên ngân hàng muốn thuê một căn hộ với giá khoảng 3-4 triệu đồng/tháng ở gần cơ quan nhưng không phải dễ. Những căn hộ giá này thường rất xa và phòng ốc xập xệ.

Cuối cùng Linh quyết định thuê lại 1 căn hộ chung cư 2 phòng ngủ với đầy đủ tiện nghi mà giá chỉ 6 triệu đồng sau đó Linh cho người khác thuê lại một phần căn hộ với giá 4 triệu đồng/tháng. Tính ra Linh được ở căn hộ tiện nghi lại gần nơi làm việc mà giá tiền mỗi tháng phải đóng chỉ 2 triệu đồng.

Vi phạm pháp luật

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, đối với cả hai trường hợp là chủ đầu tư thuê nhà của chủ nhà mà có hợp đồng thuê nhà hoặc không có hợp đồng thuê nhà và chủ đầu tư thực hiện việc cho người khác thuê lại nhà đã thuê thì chủ nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà với chủ đầu tư khi biết chủ đầu tư cho thuê lại nhà thuê.

Căn cứ để đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà là theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 498 Bộ luật Dân sự 2005, theo đó bên cho thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà khi bên thuê cho người khác thuê lại toàn bộ hoặc một phần nhà đang thuê mà không có sự đồng ý bằng văn bản của bên cho thuê.

Trường hợp việc thuê mướn của chủ nhà và chủ đầu tư không có hợp đồng trên giấy tờ, sau đó chủ nhà phát hiện ra chủ đầu tư cho thuê lại nhà đã thuê từ chủ nhà mà không có sự đồng ý bằng văn bản của chủ nhà thì chủ nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà với chủ đầu tư và báo cho chủ đầu tư biết trước 1 tháng trước khi lấy lại nhà.

“Căn cứ vào quy định tại Điều 128 Bộ luật Dân sự 2005 thì hợp đồng thuê lại nhà giữa chủ đầu tư với người thuê lại nhà là vô hiệu và hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, nghĩa là người thuê lại sẽ đòi lại số tiền mà chủ đầu tư đã nhận sau khi đã trừ số tiền thuê cho những tháng đã ở đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải bồi thường mọi thiệt hại phát sinh do việc hợp đồng thuê nhà bị vô hiệu. Người thuê lại nhà muốn bảo vệ quyền lợi của mình thì có thể tiến hành khởi kiện chủ đầu tư tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu tòa án buộc chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người thuê lại nhà”, luật sư Hậu cho hay.