Trung Quốc

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc xác định rõ: “Phát triển “tam nông” cần phải hỗ trợ tài chính cho nông thôn, cần có một thể chế chính sách tài chính đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn đủ mạnh”. Sở dĩ chính sách tài chính cho “tam nông” được chú trọng là vì nông nghiệp, nông thôn trong một thời gian dài được đầu tư chưa đúng mức. Vì vậy, chính sách tài chính hỗ trợ “tam nông” của Trung Quốc được thực hiện với nhiều biện pháp khác nhau nhằm:

Một là, hỗ trợ gia tăng sản lượng nông nghiệp:

Để thúc đẩy phát triển sản xuất, Trung Quốc thực hiện đầu tư tài chính trực tiếp để tăng sản lượng nông nghiệp. Chính phủ Trung Quốc chi ngân sách quốc gia để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân về giống cây trồng, vật nuôi, lương thực, mua sắm thiết bị, máy móc nông nghiệp và các chi phí đầu vào khác.

Trung Quốc tiến hành đầu tư tài chính cho nông thôn để phát triển sản xuất nông nghiệp tổng thể trên quy mô lớn. Nguồn vốn chính được tập trung để xây dựng các công trình thuỷ lợi, hạ tầng giao thông nông thôn….

Nguồn lực tài chính cũng được tập trung để đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Một mặt, nhà nước hỗ trợ nông dân tiền vốn để mua sắm các máy móc nông nghiệp lớn, phục vụ hiện đại hoá sản xuất. Mặt khác, nguồn ngân sách được dùng để đầu tư, khuyến khích sự sáng tạo của nông dân trong phát minh và cải tiến các loại máy móc. Đầu tư tài chính cho khoa học công nghệ để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp là một chính sách lớn của Trung Quốc nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Trung Quốc hứng chịu nhiều thiên tai. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc dành riêng một nguồn ngân sách để cứu trợ và phòng chống thiên tai, giúp người dân nông thôn ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất. Nguồn ngân sách này được dùng để cứu trợ trực tiếp cho nông dân tính trên thiệt hại trong chăn nuôi và trồng trọt. Đồng thời, Nhà nước cũng hỗ trợ ngân sách giúp nông dân tiếp tục đầu tư sản xuất.

Hai là, hỗ trợ nông thôn phát triển:

Cùng với với việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, Chính phủ Trung Quốc còn đầu tư xây dựng nông thôn toàn diện:

- Từ năm 2006, Trung Quốc miễn hoàn toàn tiền học phí cho học sinh giai đoạn giáo dục bắt buộc ở những vùng nông thôn khu phía tây, năm 2007 mở rộng sang phía đông và khu trung tâm; Cung cấp sách giáo khoa và hỗ trợ phí sinh hoạt tại nhà trọ; Giúp những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chi trả khoản vay khi còn theo học đại học nếu họ nhận công tác tại những vùng sâu, vùng xa, vùng kém phát triển.

- Xây dựng chế độ hợp tác chữa bệnh kiểu mới ở nông thôn (bình quân 150 NDT/người, trong đó tài chính của Chính phủ là 120 NDT, của nông dân là 30 NDT).

- Xây dựng chế độ bảo đảm sinh sống tối thiểu ở nông thôn.

- Thực hiện chính sách điện về làng, chính sách vật liệu xây dựng về làng (năm 2010).

- Bắt đầu từ 2009, triển khai thí điểm bảo hiểm dưỡng lão nông dân (toàn quốc có 1/10 số huyện tham gia, năm 2010 mở rộng tới 20% huyện, năm 2020 thực hiện trên cả nước ).

Ba là, hỗ trợ nông dân tăng thu nhập:

Từ năm 2000, Trung Quốc bắt đầu chú trọng giảm gánh nặng của người dân nông thôn bằng cách giảm và xóa thuế trong nông nghiệp. Nhiều loại phí ngoài thuế và các loại thuế trong nông nghiệp đã được miễn, giảm. Chính phủ thực hiện trợ cấp trực tiếp cho nông dân trồng lương thực. Đặc biệt, từ năm 2006, Trung Quốc đã quyết định xóa bỏ hoàn toàn thuế nông nghiệp, thuế đặc sản và miễn thuế chăn nuôi. Kết quả là năm 2006, nông dân Trung Quốc giảm chi hơn 100 tỷ NDT, trung bình khoảng 100 NDT/người. Con số này tuy không lớn nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia nó đã giải quyết được một trong số những bất bình đẳng dễ thấy nhất trong xã hội Trung Quốc.

Đầu ra của sản xuất nông nghiệp cũng được Chính phủ Trung Quốc đảm bảo bằng cách quy định mức giá nông sản cơ bản, đảm bảo cho nông dân có lãi. Nếu giá trên thị trường thấp hơn mức giá cơ bản thì Chính phủ sẽ bù phần chênh lệch.

Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách đưa hàng hóa về nông thôn. Các loại máy móc nông nghiệp, đồ điện gia dụng… được đưa về nông thôn bán với mức giá ưu đãi. Thị trường nông sản ở nông thôn được xây dựng và hoàn thiện cơ chế vận hành. Nông dân tích cực tham gia vào thị trường, cân đối đầu vào và đầu ra của sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất có lãi.

Lồng ghép hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và xây dựng thị trường trao đổi hàng hóa ở nông thôn cũng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn Trung Quốc. Đây là một chính sách mang lại hiệu quả rất lớn trên thực tế.

Để thực hiện tốt chính sách hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp, nông thôn, Trung Quốc cũng đã xây dựng một mạng lưới tín dụng nông thôn với nhiều loại hình, nhiều tổ chức cùng tham gia. Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc được xem là nòng cốt phát triển tín dụng ở nông thôn, liên tục tăng cường mức độ hỗ trợ cho nông thôn. Ngân hàng cho nông dân vay với nhiều mục đích khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và cho doanh nghiệp vay để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Năm 2007, hệ thống bưu điện mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tín dụng, thực hiện các hoạt động cho vay vốn, thay vì chỉ thực hiện nhận tiền gửi tiết kiệm như trước. Thông qua kênh phân phối vốn này, Nhà nước đã hỗ trợ hết sức tích cực và hiệu quả cho khu vực nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, ở nông thôn Trung Quốc cũng đã hình thành các hợp tác xã tín dụng thực hiện kinh doanh vốn.

Mỹ

Kể từ khi thành lập, phương châm đầu tiên mà Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra là: “Nông nghiệp là cơ sở của ngành chế tạo và thương nghiệp”. Qua hơn 200 năm phát triển tới nay, nước Mỹ luôn coi nông nghiệp là trụ cột của nền kinh tế và chính sách của Nhà nước đã góp phần quan trọng làm nông nghiệp phát triển mạnh mẽ vào diện bậc nhất thế giới.

Hiện nay, nông dân chiếm chưa đầy 2% dân số Mỹ (khoảng 4,5 triệu người). Ngoài việc cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho hơn 250 triệu dân, nông dân Mỹ hàng năm còn xuất khẩu hàng lương thực thực phẩm như bột mì, bông, thịt, rau quả trị giá tới trên 53 tỷ USD. Bình quân mỗi giờ nông dân Mỹ đã tạo ra giá trị tới 6 triệu USD hàng xuất khẩu nông sản thực phẩm.

Sản xuất nông nghiệp ở Mỹ được sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước để đảm bảo “đầu vào lớn, đầu ra nhiều”. Chính sách hỗ trợ và nâng đỡ sản xuất nông nghiệp của Nhà nước thể hiện trên những mặt sau:

Một là, Nhà nước cấp khoản hỗ trợ tài chính và tiền vốn khá lớn cho sản xuất nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ nông nghiệp được thực hiện bởi các luật lệ đặt ra kể từ năm 1933 nhằm khuyến khích phát triển các nông trại lớn. Từ 1996 đến 2002, số tiền hỗ trợ của Nhà nước trung bình hàng năm vào khoảng 16 tỷ USD. Chương trình hỗ trợ nông nghiệp của Mỹ đã cấp cho nông dân một số tiền mặt, tín dụng bảo trợ và bảo đảm giá sàn hay giá tối thiểu cho nông sản, không kể đến trợ cấp xuất khẩu.

Hai là, Nhà nước thực hiện chính sách “Lấy công bù nông”, tức là hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp có các hạng mục phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như xây dựng đường sá, cầu cống, điện lực phục vụ phát triển nông thôn và cải thiện đời sống nông dân. Những doanh nghiệp có các chương trình phục vụ nông nghiệp như kỹ thuật nông nghiệp, thông tin, mạng tin chuyên về giá cả thị trường hàng nông sản trong và ngoài nước đều được Nhà nước hỗ trợ.

Ba là, Nhà nước thực hiện ưu đãi thuế cho nông dân. Hàng năm có 25% chủ trang trại được miễn giảm thuế thu nhập, 50% chủ trang trại được hưởng mức thuế thấp 15%, còn lại 5% chủ trang trại và chủ nông trường lớn nộp thuế như quy định. Xăng dầu dùng cho sản xuất nông nghiệp đều được bán với giá ưu đãi. Đây là nhân tố tích cực thúc đẩy và khơi dậy tính tích cực của nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Sau khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, tuy bị ảnh hưởng không đáng kể nhưng nông nghiệp cũng được Nhà nước hỗ trợ và theo báo cáo của Chính phủ Liên bang công bố ngày 11/6/2012, kinh tế nông nghiệp của Mỹ đã hồi phục nhanh hơn so với nhiều ngành khác.

Theo báo cáo của Hội đồng Tư vấn kinh tế, Hội đồng Nông thôn Nhà trắng và Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng giá trị gia tăng đóng góp từ lĩnh vực nông nghiệp vào kinh tế Mỹ đã tăng 35% từ quý II/2009 đến quý IV/2011. Nhu cầu năng lượng sạch tăng, bùng nổ ngành công nghiệp hữu cơ và các chính sách ưu đãi... là các nhân tố đem lại mức tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi một USD đầu tư vào nghiên cứu nông nghiệp công tại Mỹ mang lại lợi nhuận cao gấp 10 – 20 lần cho xã hội. Năm 1950, bò sữa trung bình sản xuất 5.300 pound sữa nhưng ngày nay bò sữa trung bình sản xuất gần 22.000 pound sữa nhờ cải tiến gien, công thức nuôi dưỡng, và phương pháp quản lý. Để duy trì tốc độ này, Chính quyền liên bang đã đề nghị đầu tư 2,3 tỷ USD trong năm 2013 cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nông nghiệp.

Trong năm tài khóa 2011 (kết thúc vào ngày 30/9/2011), xuất khẩu nông sản của Mỹ đã đạt mức cao lịch sử với 137,4 tỷ USD, bằng xấp xỉ 11% tổng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, Mỹ cũng là nước có mức kỷ lục về thặng dư thương mại hàng hóa nông nghiệp, trên 42 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản đã tạo ra hơn 1,15 triệu việc làm ở Mỹ. Có thể khẳng định tăng trưởng của nền kinh tế nông nghiệp là nhờ các chính sách ưu đãi. Chỉ trong 3 năm qua, 12.000 khoản tài trợ và vay nợ, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã dành cho hơn 50.000 doanh nghiệp nhỏ ở khu vực nông thôn. Tính đến nay, chính quyền của ông Obama đã đầu tư 437,3 triệu USD vào các doanh nghiệp nông thôn và dự kiến sẽ đầu tư thêm 2 tỷ USD vào cuối năm tài khóa 2016.

Pháp

Pháp là một trong những nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh, 54% diện tích đất đai dành cho nông nghiệp, với 890.000 nông dân, 367.000 trang trại, 10.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thị trường tiêu dùng nội địa của Pháp có 60 triệu dân. Hiện nay, nông nghiệp của Pháp đứng thứ 2 trong liên minh EU và đứng thứ 3 trên thế giới.

Chính sách bảo hiểm nông nghiệp ở Pháp gồm 3 mức độ:

- Những rủi ro thường xuyên xảy ra nhưng không nghiêm trọng. Cấp độ bảo hiểm này được Chính phủ trợ giúp, trợ giá nhưng chỉ trong thời gian ngắn;

- Những rủi ro ít xảy ra nhưng nghiêm trọng. Cấp độ bảo hiểm này được các tổ chức trung gian đứng ra xử lý;

- Những rủi ro ít nghiêm trọng không xảy ra thường xuyên, không được bảo hiểm.

Để thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, Pháp có các công cụ quản lý về kỹ thuật như dự báo thời tiết, hợp tác kỹ thuật các trang trại và các công cụ công cộng như thành lập quỹ bồi thường thiên tai, biến đổi khí hậu, quỹ của những nhà sản xuất; Chế độ giảm các chi phí xã hội, tài chính: miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi… Những công cụ này dùng để giải quyết rủi ro về thiên tai nhưng cần có sự đóng góp của nông dân bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trong bối cảnh hiện nay, khi chính sách nông nghiệp thay đổi thì chính sách bảo hiểm cũng thay đổi theo. Do nông nghiệp phải đối phó với rất nhiều rủi ro nên vai trò của bảo hiểm là rất cần thiết. Pháp có định hướng phát triển bảo hiểm nông nghiệp là mở rộng phạm vi bảo hiểm, đa dạng hóa công cụ quản lý rủi ro, ngoài ra còn thành lập các quỹ về rủi ro sức khỏe và môi trường.

Quỹ bảo hiểm quốc gia được thành lập năm 1964, dùng để bồi thường các thiệt hại cho người nông dân khi gặp thiên tai sẽ nhận được các khoản bồi thường hoặc trợ giá từ Chính phủ. Các khoản này chỉ để hỗ trợ tái sản xuất của nông dân.

So với các nước khác, Pháp mới thực hiện lĩnh vực bảo hiểm nên đang phải đưa ra những cải cách, một trong những cải cách đó là việc tái bảo hiểm (những công ty lớn mua lại bảo hiểm của những công ty bảo hiểm nhỏ). Công ty nhỏ thường chỉ đủ khả năng chi trả 120% thiệt hại, nếu thiệt hại quá lớn thì công ty lớn sẽ chịu trách nhiệm chi trả phần còn lại, tuy nhiên nếu mức bồi thường vượt quá 350 triệu Euro, Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho nông dân.

Do gặp khó khăn về ngân sách và quy trình nhận trợ giúp khá phức tạp nên hiện nay Chính phủ Pháp đã cải cách chế độ bảo hiểm như tiến hành bảo hiểm theo từng loại hình sản phẩm, từng loại hình trang trại, khuyến khích các công ty bảo hiểm tư nhân và cho phép họ cạnh tranh, Chính phủ không can thiệp vào hoạt động bảo hiểm này.

Mạng lưới tín dụng nông nghiệp ở Pháp ngoài sự tham gia của ngân hàng trung ương còn có 7 ngân hàng tư nhân. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng thủ tục đăng ký cho vay lãi suất ưu đãi, Bộ Nông nghiệp quản lý toàn bộ quá trình, khi cần thiết, ngân hàng sẽ tham khảo ý kiến của Bộ Nông nghiệp. Mức vay ưu đãi tùy thuộc vào các yếu tố như ưu đãi cho nông dân mới tham gia sản xuất, ít vốn, thiếu kinh nghiệm…

Chính sách ưu đãi còn liên quan đến hỗ trợ các vấn đề khác khi nông dân gặp khó khăn bất thường, cụ thể là giãn nợ cho nông dân. Ngoài ra, Chính phủ Pháp còn có chính sách bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp, cho hoạt động tín dụng của ngân hàng qua nhiều hình thức như bảo đảm 50% (có thể lên đến 80%, tùy trường hợp) tiền ngân hàng cho vay. Sự đảm bảo của Nhà nước đã đóng góp một phần quan trọng trong việc phát triển ngành nông nghiệp, kết quả là giá trị nông sản nhờ vào chính sách này đã được nâng cao hơn, thị trường bình ổn hơn. Sau khủng hoảng kinh tế Pháp, đã có nhiều hoạt động để thu hút nông dân vay tín dụng. Chính phủ Pháp đã đưa việc vay tín dụng lên website để nông dân có thể bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề tín dụng hoặc các khó khăn khi vay ngân hàng. Ở mỗi vùng sẽ có một đại diện của Chính phủ đứng ra giải quyết các vấn đề của nông dân nêu trong trang web, họ sẽ xác minh để giải quyết từng trường hợp cụ thể, thời hạn trả lời là 5 ngày làm việc.

Thái Lan

Dù đã và đang chuyển sang nền kinh tế dựa vào công nghiệp nhưng lúa vẫn là một loại cây trồng quan trọng nhất của Thái Lan. Là quốc gia có diện tích đất trồng lúa đứng thứ 5 trên thế giới nhưng nhiều năm qua, xuất khẩu gạo của Thái Lan luôn đứng đầu (chiếm khoảng 30% sản lượng toàn cầu). Năm 2011, mặc dù bị thiên tai lũ lụt lớn nhất trong lịch sử, xuất khẩu gạo của Thái Lan vẫn đạt 10,6 triệu tấn, thu nhập 200 tỷ bath. Từ tháng 1-4/2012, cho dù nhiều nước khác bắt đầu vươn lên trong xuất khẩu gạo nhưng lượng xuất khẩu gạo của Thái vẫn đạt 2,7 triệu tấn, đứng số 1 thế giới.

Thành công này của Thái Lan trước tiên phải kể tới vai trò của Nhà nước do đã định hướng chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn. Nhà nước Thái Lan xác định lấy ưu tiên phát triển nông nghiệp làm chiến lược cơ bản cho phát triển toàn bộ nền kinh tế.

Chính phủ thực hiện các chính sách về ưu đãi, nâng đỡ sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo. Những biện pháp như chính sách trợ cấp giá, đầu tư và cho vay, nhất là giải quyết tốt khâu vốn và kỹ thuật nhằm phát huy tối đa khả năng sản xuất lúa gạo của nông dân.

Chính phủ Thái Lan hết sức chú trọng xây dựng cơ sở thiết bị hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp. Từ những năm 1960 tới nay, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ bath vào công cuộc này, nhất là thủy lợi và giao thông nông thôn. Hiện nay, cơ sở hạ tầng của nông thôn Thái Lan vào loại hiện đại bậc nhất ở Đông Nam Á.

Nhiều năm qua, Chính phủ áp dụng mức giá độc quyền trong nhập khẩu, giữ mức giá trong nước thấp, hiệu quả đạt được là nhà nông Thái Lan có thu nhập cao khi chỉ tập trung vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều ưu đãi về vốn và tăng cường bảo hiểm cho người nông dân được thực hiện, thuế nông nghiệp được bãi bỏ.

Để nâng doanh thu xuất khẩu gạo, Chính phủ Thái Lan chi ra khoảng 470 tỷ bath (gần 16 tỷ USD) để hỗ trợ giá mua lúa cho nông dân. Mặc dù còn gây nhiều tranh cãi nhưng một số chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách của Chính phủ Thái Lan bỏ tiền mua thóc giá cao từ nông dân sau đó bán lại cho doanh nghiệp và các nhà xuất khẩu có thể sẽ khuyến khích nông dân Thái Lan mở rộng diện tích trồng lúa trong những năm tới.

_________________

Tài liệu tham khảo:

1. “Kiến nghị chính sách tài chính nông nghiệp, nông thông Trung Quốc”, Đặng Quang Vinh, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn;

2. “Vấn đề xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc”, PGS., Hoàng Thế Kiệt, Học Viện thương mại - Đại học Quảng Tây;

3. Chính sách và định hướng tài chính hỗ trợ “tam nông”, Triệu Vân Kỳ, Viện Khoa học Tài chính Trung Quốc;

4. Tài liệu hội thảo Tài chính cho “tam nông”, Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ - Bộ Tài chính;

5. Một số kết quả từ khóa học tại Pháp, TS. Nguyễn Thắng;

6. www.kinhtedautu.com;

7. Cổng thông tin điện tử Bộ NN & PTNT.

Các loại hình tài chính hỗ trợ phát triển "tam nông" tại một số quốc gia

Bài đăng Tạp chí Tài chính số 8/2012

TCTC Online - Các biện pháp hỗ trợ tài chính của Nhà nước là hết sức cần thiết đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn. Kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng các Nhà nước đã can thiệp mạnh mẽ và tích cực vào quá trình này với những chiến lược riêng, tùy theo đặc thù về lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế của từng quốc gia.

Xem thêm

Video nổi bật