Các nhà đầu tư Hàn Quốc lánh xa Trung Quốc, tiếp cận Ấn Độ
Căng thẳng địa chính trị cùng đại dịch COVID -19, lạm phát cao và chiến tranh ở Ukraine đang thúc đẩy Hàn Quốc đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh trên, một loạt biện pháp do chính quyền Biden khởi xướng nhằm ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc cũng thúc đẩy Seoul đẩy nhanh việc xoay trục khỏi Bắc Kinh. Ngoài ra, bất chấp việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch, thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm nay đã lên tới 7,8 tỷ USD, mức thâm hụt đầu tiên kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1992.
Những yếu tố trên khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc phải xem xét lại tầm quan trọng của việc duy trì sự tập trung vào Trung Quốc. Và Ấn Độ đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Dân số Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc vào giữa năm 2023, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo các chuyên gia đánh giá, điều khiến Ấn Độ trở nên hấp dẫn hơn không chỉ là quy mô dân số mà còn là quy mô dân số trẻ. Chỉ 7% dân số cả nước nằm trong độ tuổi từ 65 tuổi trở lên, con số này thấp hơn so với 14% của Trung Quốc và 18% ở Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Ấn Độ sẽ đạt 5,9% trong năm nay, cao hơn 0,7 điểm phần trăm so với Trung Quốc.
Một yếu tố đóng góp khác là sáng kiến “Make in India” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhằm định vị quốc gia này như một trung tâm sản xuất toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài và tích hợp nó vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách đưa ra các ưu đãi như thủ tục pháp lý đơn giản hóa và miễn thuế. Nhờ nỗ lực này, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm tại Ấn Độ đã tăng cao kỷ lục, lên 83 tỷ USD tính đến tháng 9/2022.
Ngoài ra, chương trình Khuyến khích Liên kết Sản xuất được chính phủ Ấn Độ công bố vào năm 2020 đã được mở rộng cho các doanh nghiệp đủ điều kiện trong các lĩnh vực chính như điện tử, dược phẩm, ô tô,... Chương trình này cung cấp nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong vòng 5 năm, để thúc đẩy một Ấn Độ “tự lực”.
Các công ty lớn của Hàn Quốc và toàn cầu đã di dời hoặc tăng cường các cơ sở sản xuất của họ ở Ấn Độ. Ngoài việc xây dựng nhà máy điện thoại di động lớn nhất thế giới ở Noida, Uttar Pradesh, vào tháng 2 năm nay, Samsung đã thông báo sẽ sản xuất toàn bộ dòng điện thoại thông minh Galaxy S23 của mình ở Ấn Độ.
Cũng vào tháng 2, một "gã khổng lồ" khác của Hàn Quốc, LG, đã tiết lộ rằng họ sẽ đầu tư 24 triệu USD để thiết lập một dây chuyền sản xuất mới tại cơ sở ở Pune, nơi họ sẽ sản xuất dòng tủ lạnh side-by-side cao cấp bên cạnh những sản phẩm tại cơ sở hiện có ở Greater Noida.
Các công ty điện tử không phải là các doanh nghiệp duy nhất theo đuổi sức hấp dẫn của thị trường Ấn Độ. Nhà sản xuất thép Hàn Quốc POSCO, vốn đã từ bỏ kế hoạch thành lập một dự án thép ở Ấn Độ vào năm 2017, đã đưa ra thông báo vào năm ngoái rằng họ sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy thép với một đối tác Ấn Độ, Tập đoàn Adani với khoản đầu tư ước tính lên tới 5 tỷ USD.
Nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc Hyundai Motor cũng tuyên bố sẽ mua lại nhà máy của General Motors ở Maharashtra để mở rộng sản xuất tại Ấn Độ như một phần trong cam kết ra mắt sáu mẫu xe điện tại quốc gia này vào năm 2028. Động thái này được cho là sẽ giúp bù đắp cho tác động của việc các công ty Nga rút lui khỏi thị trường trong bối cảnh chiến sự Nga- Ukraine.
Không ngạc nhiên khi nhà máy Hyundai Motor là một trong những điểm dừng chân chính của Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng trước để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong chuyến thăm này, ông cũng đã nhấn mạnh những đóng góp của các công ty Hàn Quốc cho Sáng kiến “Make in India”.
Tuy nhiên, theo ông Haeyoon Kim, cán bộ chương trình cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á ở Washington, DC, vẫn có những rào cản đáng kể đối với đầu tư nước ngoài ở Ấn Độ, bao gồm cơ sở hạ tầng yếu kém, môi trường pháp lý không nhất quán và quy trình xử lý các thủ tục hành chính vẫn còn chậm chạp.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022 ước tính rằng cần có 840 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị của Ấn Độ trong 15 năm tới khi đất nước ngày càng đô thị hóa. Trong khi đó, Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới cho thấy Ấn Độ xếp hạng kém trong một số lĩnh vực chính như tốc độ thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản và thực thi hợp đồng.
Mặc dù vậy, điều này cũng cho thấy xu hướng của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc ngày một nỗ lực để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ nhằm tránh sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong bối cảnh những lo ngại về địa chính trị ngày càng tăng và sự cạnh tranh đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đặc biệt, đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc đối với Hàn Quốc vào năm 2017 vì đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ của nước này là một lời nhắc nhở đau đớn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc về rủi ro do phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Với việc Hàn Quốc đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy sự gia tăng đầu tư nhanh chóng không chỉ của quốc gia này, mà còn của các nước khác vào Ấn Độ trong tương lai.