Các quốc gia có hình phạt nghiêm khắc nhất với tài xế say xỉn
Say xỉn khi tham gia giao thông không chỉ đe dọa tới tính mạng người tham gia mà cả với cộng đồng. Vì thế, nhiều nước rất nghiêm khắc với tội danh này.
Ngoài phạt tiền, thu bằng lái, một số nơi trên thế giới cũng có hình thức xử phạt lái xe say rượu bằng lao động công ích như Anh, Mỹ, New Zealand... Ví dụ cầu thủ bóng đá nổi tiếng của nước Anh Wayne Rooney từng bị phạt 100 giờ lao động công ích và cấm lái xe hai năm sau khi lái xe mà trong máu có nồng độ cồn gấp ba quy định pháp luật.
Quy định xử lý tài xế say rượu ởAustralia khác nhau tùy bang. Ví dụ tại bang Queensland, tùy vào nồng độ cồn trong máu mà quyết định thời gian bị treo bằng lái xe.
Nếu độ cồn 50-100 mg/100ml máu, người vi phạm sẽ bị treo bằng từ 1 tới 9 tháng, từ 100 đến 150 mg/100ml máu là 3 tới 12 tháng, trên 150 mg/100ml máu là 6 tháng hoặc hơn. Hình phạt tiền có thể là 100 AUD cho tới hàng nghìn AUD, tùy vào mức độ nghiêm trọng của vi phạm.
Nếu cảm thấy hành vi của bị cáo thể hiện sự vô tâm trước cộng đồng, thẩm phán nhiều khả năng sẽ tuyên người vi phạm tham gia lao động công ích từ 40 tới 240 giờ.
Theo Cục Vận tải đường bộ Thái Lan, lái xe mới nhận bằng chỉ được điều khiển phương tiện nếu có độ cồn thấp hơn 20mg/100ml máu, với lái xe có hơn 5 năm kinh nghiệm là 50mg/100ml máu. Người vi phạm sẽ bị phạt 60.000 bạt, 6 tháng tù, và thậm chí là bị thu hồi bằng lái xe suốt đời.
Họ còn có thể bị yêu cầu phải tham gia lao động công ích, tùy theo cân nhắc của tòa án (trung bình khoảng 21 tiếng), thường là giúp việc tại phòng cấp cứu bệnh viện, chăm sóc bệnh nhân nằm liệt giường.
Tại Đức, tài xế được phép lái xe khi nồng độ cồn trong máu dưới mức 0,05% (tức 50 mg rượu/100ml máu). Tuy nhiên, tài xế mới được cấp bằng (ít hơn hai năm kinh nghiệm hoặc dưới 21 tuổi) và lái xe chở khách không được uống rượu trước khi lái.
Người vi phạm sẽ bị phạt 500 Euro, tạm giữ bằng lái một tháng. Nếu độ cồn lớn hơn mức 110 mg rượu/100ml máu, hình phạt là 500 Euro, thu bằng lái ít nhất 6 tháng (thời gian do tòa quyết định).
Nếu có độ cồn từ 160 mg/100ml máu trở lên, người vi phạm cần có bản đánh giá sức khỏe tâm lý y tế (chứng minh mình tỉnh táo trong một năm) mới được xem xét cấp lại bằng lái. Nếu tái phạm nhiều lần, mức phạt tăng lên gấp bội theo số lần vi phạm (lần hai tăng gấp hai, lần ba tăng gấp ba), bất kể nồng độ cồn của các lần sau.
Ngoài ra, những người vi phạm có nồng độ cồn 0,11% trở lên, tòa án cũng thường yêu cầu họ tham gia lao động công ích.
Colombia là nước có hình phạt nghiêm khắc nhất với lái xe say xỉn trong khu vực Mỹ Latinh. Người vi phạm lần đầu có thể bị treo bằng lái từ 1 tới 10 năm, trả tiền phạt gấp từ 90 tới 720 lần lương tối thiểu ngày, phải tham gia lao động công ích từ 20 tới 50 giờ, tịch thu phương tiện từ 1 tới 10 ngày.
Nếu vi phạm lần hai, tài xế bị treo bằng ít nhất một năm hoặc hủy bằng, bị phạt tiền gấp từ 135 tới 1.080 lần lương tối thiểu ngày, phải tham gia lao động công ích 20-80 giờ, phương tiện bị tịch thu từ một tới 20 ngày.
Tới lần vi phạm thứ ba, sẽ bị treo bằng ít nhất một năm hoặc hủy bằng, bị phạt tiền gấp từ 180 tới 1.440 lần lương tối thiểu ngày, phải tham gia lao động công ích 30-80 giờ, phương tiện bị tịch thu từ 3 tới 20 ngày.
Hình phạt còn được cân nhắc dựa trên bốn mức nồng độ cồn trong máu, mức 0: 20-39 mg/100ml, mức 1: 40-99mg/100ml, mức 2: 100-149mg/100ml, mức 4: từ 150mg/100ml.
Mỗi bang tại Mỹ có chế tài xử phạt giao thông khác nhau. Trong đó, Arizona có hình phạt nghiêm khắc nhất đối với hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện. Theo đó, tài xế uống rượu bia điều khiển phương tiện có thể bị phạt tối thiểu 10 ngày tù giam và 1.250 USD đối với vi phạm lần đầu.
Với người vi phạm lần thứ hai, thời gian phạt tù tối thiểu sẽ nâng lên 90 ngày và tiền nộp phạt cũng cao hơn. Với vi phạm từ lần thứ ba trở đi, hành vi này bị coi là phạm tội hình sự.