Các tập đoàn công nghiệp cắt giảm sản lượng dấy lên mối quan ngại về kinh tế TQ

TTXVN

Với việc một loạt tập đoàn công nghiệp Trung Quốc tuyên bố cắt giảm sản lượng trong tuần qua, nhiều dấu hiệu cho thấy rằng kinh tế Trung Quốc có thể giảm nhanh hơn dự kiến. Việc cắt giảm sản lượng được đưa ra như một bằng chứng cho thấy nhu cầu sụt giảm bất ngờ trong tháng 10 do khủng hoảng tài chính và thị trường nhà đất suy yếu.

Tổng công ty Nhôm Trung Quốc, nhà sản xuất lớn nhất nước này, cho biết họ sẽ cắt giảm 18% sản lượng và có thể giảm nữa. Jinchuan, nhà sản nickel lớn nhất Trung Quốc, cũng tuyên bố họ đang giảm 17% chỉ tiêu sản xuất trong năm nay, trong khi một số nhà máy sản xuất đồng đã giảm mạnh sản lượng trong 2 tuần qua.

Trong mấy tháng gần đây, các công ty khai thác mỏ và kim loại trên thế giới đã phải cân nhắc lại kế hoạch sản xuất, vì giá và cầu toàn cầu sụt giảm. Nhiều công ty Trung Quốc cũng đối mặt với tình trạng khó tìm được đơn đặt hàng từ các công ty xây dựng do giá nhà giảm. Các nhà phân tích thuộc công ty Macquarie Securities cho rằng tại Tangshan, trung tâm sản xuất thép lớn ở phía Bắc Trung Quốc, phần lớn nhà máy chỉ đang hoạt động 30-50% công suất bình thường và nhiều mỏ quặng sắt nhỏ đã ngừng sản xuất.

Xu Lejiang, Chủ tịch tập đoàn sản xuất thép Baosteel lớn nhất Trung Quốc, nói với tờ "Thời báo tài chính" rằng các đơn đặt hàng ôtô và thiết bị gia đình đã giảm nhiều. Theo Zhou Xizeng, nhà phân tích thuộc công ty Citic Securities, các tập đoàn sản xuất thép đang nỗ lực điều chỉnh nhanh chóng để thích nghi với "sự không chắc chắn" về nhu cầu của thị trường. Các giám đốc của một số tập đoàn công nghiệp khác cũng thừa nhận nhu cầu đã suy yếu bất thường trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, theo một số lãnh đạo công ty, sự suy thoái cũng có thể phản ánh các nhân tố ngắn hạn như khách hàng giảm dự trữ của họ vì những bất ổn tài chính toàn cầu.

Các nhà kinh tế đã dự đoán tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc năm 2009 là 8-9%, giảm từ gần 12% trong năm 2007. Trong những tuần gần đây, một số người cho rằng con số này còn giảm hơn nữa và tình trạng cắt giảm sản xuất hơn nữa có thể diễn ra. Stephen Green, nhà kinh tế Ngân hàng Standard Chartered ở Thượng Hải, khẳng định rằng trong tháng 9 và 10, đã có sự giảm mạnh về cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Tuy nhiên, bất chấp những quan ngại về sự suy thoái đáng kể, một số công ty vẫn lạc quan về triển vọng phát triển ở Trung Quốc. Paul French, nhà tư vấn công nghiệp bán lẻ ở Thượng Hải, cho biết trong tuần nghỉ lễ đầu tháng 10, sức tiêu thụ của người dân đã góp phần tăng doanh thu cho các nhà bán lẻ.