Các vấn đề đặt ra trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng đã được giải quyết
(Tài chính) Những bước đi trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng thời gian qua được TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho là khá phù hợp trong bối cảnh chúng ta phải cùng lúc xử lý nhiều vấn đề như: hệ thống thanh khoản, nợ xấu, các ngân hàng yếu kém, nền kinh tế đang bất ổn và có mức độ rủi ro vĩ mô khá cao.
TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành: Nhìn nhận lại những vấn đề này có những cái được và chưa được. Trước hết cái được cơ bản nhất, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần có một sự thay đổi, một cuộc cải cách để tạo ra nền tảng để sau này thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (là mức thu nhập phản ánh thành quả của Việt Nam sau nhiều năm ở mức thu nhập thấp), đó là sự thay đổi khá lớn về nhận thức. Bên cạnh nhận thức ấy, bước đầu đã thể hiện được ý chí chính trị, sự đồng thuận ở cấp cao được thể hiện thông qua các văn bản, quyết sách. Thứ hai, đã tìm ra được những lĩnh vực phải tiến hành cơ cấu lại, đó là: doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tổ chức tín dụng, đầu tư công là những lĩnh vực phản ánh những bất cập, không hiệu quả của nền kinh tế, nhất là về phân bổ nguồn lực (trong đó có vốn).
Việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế có ảnh hưởng, tác động thế nào đến tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, thưa Ông?
Tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng có sự liên quan chặt chẽ cả về mặt tư duy xây dựng lẫn kỹ thuật. Lấy một ví dụ đơn giản như vấn đề nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước chắc chắn có liên quan đến cải tổ hệ thống ngân hàng. Do đó, cải tổ lĩnh vực tài chính rất cần cải tổ các doanh nghiệp nhà nước. Những cải tổ này, chương trình này không chỉ quan hệ với nhau mà còn gắn kết với quá trình hội nhập sâu rộng trong thời gian tới với rất nhiều hiệp định, chiến lược cao hơn mà chúng ta đang đàm phán gia nhập. Như vậy, chúng ta cần phải nhận thức, lựa chọn, tập trung vào việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó cần đặc biệt tập trung vào phân bổ nguồn vốn một cách hiệu quả, phải xây dựng một chương trình với các bước đi, lộ trình hợp lý mới có thể triển khai thành công.
Điểm đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh là trong các nhiệm vụ tái cấu trúc thì tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế và với hệ thống tài chính. Chúng ta đều biết là vốn cho nền kinh tế vẫn dựa vào ngân hàng trong nhiều năm tới. Do đó, nếu hệ thống ngân hàng không ổn định, lành mạnh, không là một trung gian tài chính tốt thì cả hệ thống tài chính và nền kinh tế có sẽ vấn đề. Hơn nữa, bản thân hệ thống ngân hàng còn tồn tại nhiều vấn đề nên tái cấu trúc ngân hàng vừa giúp ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính, vừa tạo động lực, nền tảng cho nền kinh tế hoạt động bình thường, trôi chảy.
Ở nước ta, tái cấu trúc ngân hàng có những đặc điểm rất đặc thù: hệ thống ngân hàng có quan hệ chặt chẽ với hệ thống doanh nghiệp nhà nước, chịu sự chi phối của Luật Các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ một lúc ba vai trò: thực hiện chính sách tiền tệ; thực hiện nhiệm vụ cùng các cơ quan khác trong giám sát; bảo đảm sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Như vậy, khó lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, chưa nói đến việc có thể xung đột lợi ích. Một đặc thù nữa, NHNN là thành viên của Chính phủ, tính độc lập của nó là có mức độ trong mối quan hệ chặt chẽ, ngang cấp với các bộ, ngành khác.
Bước đi của lộ trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đã phù hợp chưa thưa Ông?
Tôi cho rằng lựa chọn bước đi như vừa qua là khá phù hợp với thực tế của nước ta trong bối cảnh chúng ta phải cùng lúc xử lý nhiều vấn đề như: hệ thống thanh khoản, nợ xấu, các ngân hàng yếu kém, nền kinh tế đang bất ổn và có mức độ rủi ro vĩ mô khá cao. Nếu chúng ta chậm chạp trong việc xử lý thanh khoản ngân hàng thì sẽ gây ách tắc và thậm chí hệ thống ngân hàng có thể đổ vỡ và điều đó ta thấy rất rõ vào cuối năm 2011 và năm 2012. Bên cạnh việc NHNN đã điều hành thị trường tiền tệ linh hoạt hơn thì việc xử lý các ngân hàng yếu kém có nguy cơ lan truyền đổ vỡ cũng phải được gấp rút triển khai.
Cho đến nay, các vấn đề đặt ra cho quá trình tái cơ cấu đã dần được giải quyết, điều đáng mừng là thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện rất nhiều. Đến nay, 8/9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được cơ cấu lại đều hoạt động ổn định. Hy vọng trong năm nay sẽ xử lý xong tất các ngân hàng thương mại yếu kém. Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã chính thức đi vào hoạt động, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác của Chính phủ và NHNN góp phần xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể hơn, trong câu chuyện xử lý một số vấn đề liên quan đến hệ thống ngân hàng thì ngoài việc ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều vấn đề khác, như minh bạch thông tin, xây dựng hệ thống giám sát cho toàn bộ hệ thống ngân hàng, áp dụng các thông lệ, các chuẩn mực tốt nhất vào quản trị ngân hàng, quản trị rủi ro cao hơn, xử lý vấn đề sở hữu chéo,… Mặc dù thời gian qua, NHNN đã làm được khá nhiều việc, nhưng trước mắt còn cả một núi công việc cần phải hoàn thành, đòi hỏi NHNN cần phải cố gắng hơn nữa.
Xin cám ơn Ông!