Cách lập ngân sách cho người lười
(Tài chính) Rào cản cơ bản nhất khiến chúng ta không thể có kế hoạch chi tiêu khoa học chính là sự lười biếng. Những bước sau đây sẽ giúp bạn vượt qua trở ngại này.
Hãy ghi nhớ nguyên tắc cơ bản sau: Tiêu ít hơn thu.
Sau khi đã thuộc lòng câu nói trên, bạn có thể bắt đầu học cách áp dụng nó. Mục tiêu của ngân sách này là xây dựng một hệ thống quản lý việc chi tiêu hàng ngày của bạn. Chúng ta sẽ tạm thời bỏ qua chi phí nhà ở và những khoản tiết kiệm quan trọng khác.
Bước 1: Theo dõi chi tiêuMọi ngân sách đều bắt đầu từ việc theo dõi thói quen chi tiêu hàng ngày của bạn và tìm ra dòng tiền đang chảy đi đâu. Đừng bỏ qua bước này. Vì nếu bạn không nắm được mình đang tiêu bao nhiêu cho những thứ gì ngày hôm nay, thì bạn sẽ không thể kiểm soát được điều đó từ giờ trở đi.
Bạn có thể theo dõi việc chi tiêu của mình qua bảng kê của ngân hàng nếu sử dụng dịch vụ thẻ. Ngoài ra, một lựa chọn khác là ghi lại tất cả những lần mua bán vào một cuốn sổ tay.
Bước 2: Lên kế hoạch mua sắm
Hãy thử tưởng tượng bạn đang tung tăng dạo chơi trong một khu thương mại lớn.
- Dùng một mảnh giấy và một cây bút chì.
- Viết một danh sách gồm những gì bạn cần mua hoặc làm trong vòng 3 đến 6 tháng tới. Đó có thể là những thứ như điện thoại, lốp xe ... hay các kế hoạch tài chính.
- Làm tương tự với dự định dài hạn hơn (1 đến 5 năm).
Cuối cùng bạn đã có một “kế hoạch chi tiêu” (nhẹ nhàng, đơn giản hơn rất nhiều so với cụm từ ngân sách đáng sợ phải không nào?). Từ giờ, mỗi lần đi siêu thị, bạn đã có một mục tiêu ảo trong đầu dẫn đường. Bạn sẽ tự cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định phung phí tiền của vào một thú vui nào đó.
Ngoài ra: Nếu có thời gian, bạn hãy lập lại bài tập trên nhưng chỉ chú trọng vào khía cạnh tinh thần. Viết ra năm cách sử dụng đồng tiền mà có khả năng làm cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn trong tương lai. Sau đó, viết năm cách tiêu tiền giúp nâng cao chất lượng sống của bạn trong mười năm hoặc hơn thế. Nghe có vẻ kì lạ, nhưng phương pháp này giúp bạn xác định những gì mình thực sự muốn và có thể gây tác động lớn tới kế hoạch chi tiêu cũng như tiết kiệm của bạn.
Bước 3: Làm một vài phép chia đơn giản
Với danh sách những thứ cần mua trong tay, bạn hãy tính toán xem mỗi tháng cần chi bao nhiêu tiền cho từng mục. Ví dụ như chiếc điện thoại, hãy chia giá bán cho số tháng từ giờ đến khi bạn mua.
Bước 4: Xây dựng hệ thống tiết kiệm
Sau khi đã có kế hoạch chi tiêu, công việc tiếp theo là hướng tới mục tiêu. Nếu bạn là một con nghiện mua sắm với cả tá thứ “không thể sống được nếu thiếu”, thì đây là giải pháp:giấu tiền đi chỗ khác.
Cách tốt nhất để tiết kiệm là giữ tiền ở nơi niềm đam mê mua sắm không thể với tới. Hãy lập nhiều tài khoản tiết kiệm nhỏ thay vì một tài khoản lớn, và giữ chúng tách khỏi tài khoản thanh toán bạn vẫn sử dụng hàng ngày.
Thiết lập lệnh tự động chuyển tiền từ tài khoản lương sang các tài khoản tiết kiệm.
Bước 5: Ngừng việc vung tay quá trán
Cuộc sống vốn đầy những cám dỗ. Nhưng bạn có thể chế ngự chúng với phương pháp “phong bì”.
- Hãy để một khoản hợp lý cho các danh mục chi tiêu lớn nhất trong tuần như thực phẩm, giải trí, đi lại, dịch vụ ...
- Làm một chiếc phong bì cho mỗi khoản trên
- Để số tiền dự tính vào mỗi phong bì.
- Khi tiêu hết số tiền đó, không tự ý cho thêm tiền vào bao.
Sau tất cả, hãy nhớ rằng bạn nên duy trì mọi thứ một cách đơn giản và đừng tự đánh thuế bản thân quá nhiều. Một điều nữa, cân nhắc kỹ trước các khoản chi lớn mới là cách hiệu quả nhất để tiết kiệm.