Cách nhận diện website thương mại điện tử uy tín
Người tiêu dùng nên mua hàng ở những website cung cấp thông tin minh bạch về mua bán, thanh toán, vận chuyển cũng như chính sách bảo mật...
Theo các chuyên gia thuộc Cục thương mại điên tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương (Vecita),trước khi đưa ra quyết định mua hàng, người tiêu dùng cần chú ý 3 nội dung hiển thị trên website.
Thứ nhất, website phải đảm bảo việc minh bạch hóa thông tin. Một website thương mại điện tử uy tín phải hiện thị đầy đủ các thông tin về người bán, sản phẩm, quy trình mua hàng, thanh toán và vận chuyển hàng hóa rõ ràng. Đây là những thông tin đầu tiên mà người mua hàng cần tiếp cận và tìm hiểu khi có ý định giao dịch trực tuyến. Vecita cho biết, hiện nay có nhiều website kinh doanh thương mại điện tử không cung cấp đầy đủ các thông tin, khiến cho thị trường trở nên mù mờ và rất khó kiểm soát.
"Điển hình là việc đăng hình quảng cáo và sản phẩm thật hoàn toàn khác nhau về mẫu mã và chất lượng. Do đó, người mua hàng cần tỉnh táo, tìm hiểu đầy đủ thông tin để tránh tình trạng mua phải sản phẩm không như mong đợi", Vecita khuyến cáo.
Thứ hai,người mua có quyền được đảm bảo thông qua chính sách bảo vệ thông tin cá nhân và giải quyết tranh chấp, khiếu nại. Do đó, một website thương mại điện tử uy tín phải có chính sách bảo mật thông tin và khiếu nại hợp lý. Hiện nay, đa phần các website chưa chú trọng nhiều đến những nguyên tắc này.
"Nhiều đơn vị sau khi có được thông tin của khách hàng đã bán lại hoặc để mất vào tay các đối tượng phạm pháp, gây ra nhiều vụ mất cắp tài khoản ngân hàng", Vecita nhận định.
Ngoài ra, theo cơ quan quản lý, trong nhiều trường hợp, khi cần giải quyết những vấn đề liên quan đến khiếu nại hàng hóa, người mua hàng cũng không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Vì vậy, để đảm bảo việc mua bán trực tuyến được diễn ra hiệu quả và mang lại lợi ích song phương, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về các website thương mại điện tử đạt tiêu chuẩn uy tín.
Cuối cùng, người tiêu dùng nên mua hàng tại những website được nhận định thông qua nhãn uy tín. Đây cũng là xu hướng toàn cầu - khẳng định uy tín của website thông qua một vị trung gian thứ 3.
Nhãn uy tín là chủ thể trung lập đứng ra thẩm định websie căn cứ trên bộ nguyên tắc hay tiêu chí của nhãn. Đó chính là cầu nối giúp cho các doanh nghiệp thương mại điện tử xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng. Tương tự giống như nhãn uy tín của các nước phát triển như Truste của Hoa Kỳ, TradeSafe của Nhật Bản, TrustSg của Singapore...
Hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch điện tử Việt Nam - SafeWeb là nhãn uy tín quốc gia. Cơ quan quản lý sẽ thẩm định và phân biệt rõ những website bán hàng trực tuyến tồn tại thật để cấp nhãn cho các website. Đồng thời, khách hàng cũng dễ dàng xác định những website an toàn để tự tin mua sắm nhiều hơn.