Cách phân biệt vàng thật - vàng giả đơn giản nhất

Theo Đời sống & Pháp luật.

Làm thế nào để phân biệt được vàng thật vàng giả nếu bạn nghi ngờ một món trang sức bằng vàng là giả... Với những cách thử vàng sau, đảm bảo bạn sẽ biết được sự thật, nó có phải là vàng giả hay không?

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Nói riêng về vàng ta và vàng tây (không kể vàng trắng), các chiêu để rút ruột vàng ta là tạo ra vàng “hai da” và vàng bọng.

Cụ thể, vàng “hai da” được thợ kim hoàn tạo hai lớp: lớp thứ nhất bên ngoài là vàng có độ tuổi cao, lớp thứ hai bên trong có độ tuổi thấp. Vàng “bọng” (vàng rỗng ruột) sẽ được bơm chì, bạc, thau vào để nâng trọng lượng.

Đặc biệt, hiện tượng gian lận tuổi vàng xảy ra nhiều nhất ở vàng Tây. Dựa vào quy trình chế tác, nhiều thợ kim hoàn đã rút nguyên liệu vàng trong quá trình pha chế. Hàm lượng vàng chỉ còn lại từ 50% - 55% vàng ta. Trong khi người tiêu dùng vẫn phải trả tiền với giá là 58,5% - 75% vàng ta.

Một số cửa hàng vàng làm ăn “bát nháo” có thể pha vàng Tàu, vàng Lào (chất lượng không bằng và giá thì rẻ hơn vàng ta) và độn thêm chì và đồng vào vàng – khiến tuổi vàng thấp, bằng mắt thường khách hàng không thể nhận biết được.

Có những cửa hàng độn từ 1-90% các loại kim loại kể trên, hàm lượng vàng ta chỉ còn tí xíu, không đáng kể - nên mới gọi là “vàng giả”, khi mua thì đắt, khi bán thì “rẻ bèo”.

Ngay cả khi các cửa hàng vàng có máy cân đo tuổi vàng (hàm lượng vàng ta), kết quả cũng khác nhau, đo nhà này một tuổi, đo hàng bên cạnh lại tuổi khác.

Đến nay chưa có cơ quan kiểm định tuổi vàng độc lập để người tiêu dùng có thể mang đến cân đo. Do đó, khách hàng khi mua vàng tích trữ hay vàng trang sức (kể cả vàng ta, vàng tây, vàng trắng) nên mua ở những cửa hàng có uy tín và đáng tin cậy.

Quan sát

Dùng kính lúp soi vàng. Vàng thật, đủ độ già sẽ có bề mặt mịn, không có các chấm nhỏ li ti, không lồi lõm.

Kiểm tra ở các vết khắc, vết chạm trổ

Nếu vết khắc vẫn có màu đẹp, các cạnh của vàng không bị đổi màu, thì đó chính là vàng thật. Nếu ở các vết khắc vết chạm có màu xanh lá cây hoặc xanh đen: thì đó chính là vàng độn.

Thử cắn vàng

Đây là cách kiểm tra của người xưa. Nếu sau khi cắn vàng mà có để lại dấu răng thì là vàng thật (vàng thật rất dẻo, mềm hơn các kim loại khác). Nếu không để lại dấu vết gì rõ ràng thì đó là vàng giả.

Dùng nam châm thử vàng:

Vàng thật sẽ không bị nam châm hút. Nếu bị hút thì đó chính là vàng có pha sắt, hoặc vàng giả. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một cách. Vẫn có những loại vàng pha tạp không bị nam châm hút.

Tìm một mảnh gốm không tráng men để kiểm tra

Chà vàng lên bề mặt gốm. Nếu có vệt vàng có nghĩa là vàng thật, vệt đen là vàng giả.

Dùng axit nitric kiểm tra

Nếu vàng đổi thành màu xanh thì đó là kim loại mạ vàng. Nếu vàng vẫn nguyên vẹn hoặc hơi vàng nâu thì là vàng thật.

Đem thử lửa

Dùng mỏ đốt nung vàng từ 1.000 – 1.400 độ, nếu vàng sẽ nóng chảy như giọt nước, khi để nguội sẽ co vào với nhau thì đó là vàng thật, bởi khi đốt ở nhiệt độ cao nếu là vàng giả được làm bằng kim loại khác thì trong quá trình đốt sẽ bị cháy và bay hơi đi mất.

Kiểm tra vàng theo kinh nghiệm

Đây là cách đơn giản dựa theo kinh nghiệm của những người đi trước. Cụ thể bạn có thể cầm thử vàng xem độ nặng nhẹ, nhìn bằng, đặc biệt là gõ nghe tiếng kêu, thậm chí cắn, nhiều người có thể kết luận khá chính xác. Bởi vàng có màu sắc, độ nặng, độ mềm và tiếng kêu khá riêng biệt.

Riêng đối với vàng miếng người dùng có thể dùng lực uốn, hoặc xung lực tác động (dùng búa gỗ hoặc nhựa) nếu là vàng thật, miếng vàng sẽ cong đều còn nếu là vàng giả sẽ rất cứng thậm chí có thể đột ngột gãy.

Kiểm tra trên bề mặt vàng

Khi cầm miếng vàng, người dùng nên nhìn một cách cẩn thận, nếu có bất kỳ điểm màu xanh lá cây hoặc màu đen, thì đó không phải là vàng nguyên chất. Đặc biệt chú ý đến các cạnh và móc khi kiểm tra bề mặt vàng vì sự đổi màu thường xuất hiện ở đây.

Dùng huỳnh quang tia X

Với những loại vàng làm giả cực tinh vi, người tiêu dùng có thể dùng huỳnh quang tia X để phân biệt. Tuy nhiên cách này cần có vật thử chuyên dụng.

Ngoài ra, việc dùng huỳnh quang tia X đôi khi cũng không phát hiện được vàng nguyên chất hay pha trộn vì tia này chỉ bắn được chuyên sâu dưới 1 mm, không vào được lớp có bọc vonfram bên trong miếng vàng giả.

Cắt miếng vàng rồi dùng lửa khò kỹ

Cách tốt nhất để phân biệt vàng thật, giả là cần cắt thỏi vàng ra, dùng lửa khò thật kỹ. Nếu như vàng tan mà vẫn còn lớp bột ráp bám trên bề mặt cắt thì nhiều khả năng là vàng đã bị pha trộn kim loại khác.

Tuy nhiên, phải những người thợ cực giỏi và có kinh nghiệm mới nhận biết được vàng thật, giả thông qua máy khò. Khi khò, họ cũng phải nắm được các nguyên tắc về nhiệt độ, màu lửa, chất nào nóng chảy trước, chất nào chảy sau. Phương pháp đá thử vàng cũng có thể áp dụng tuy nhiên khá nhiều công đoạn và chủ tiệm phải mua thiết bị.

Phân kim

Các chuyên gia về vàng cho hay, đây thường là cách làm cuối cùng trong trường hợp những phương thức trên chưa chắc chắn. Bởi phân kim sẽ giúp phân định rõ ràng tỷ lệ, hàm lượng vàng nguyên chất.

Tuy nhiên, nhược điểm là sẽ làm cho vàng bị đun nóng, trở về dạng nguyên thủy và có nguy cơ bị hao hụt trong quá trình xử lý. Do đó, cách làm này thường ít được lựa chọn.

Để hạn chế mua phải vàng giả, vàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên mua vàng ở những doanh nghiệp lớn uy tín, có hóa đơn chứng từ rõ ràng thay vì những cửa hàng nhỏ lẻ.