Cách sinh lợi hàng trăm triệu đồng với số vốn 4 tỷ

Theo vnexpress.vn

Ngoài việc có thể gửi tiết kiệm để thu được tiền lãi danh nghĩa 288 triệu đồng mỗi năm từ khoản tiền nhàn rỗi 4 tỷ đồng, bạn vẫn có thể đầu tư vào bất động sản, vàng, ngoại tệ và chứng khoán để đạt được suất sinh lợi khả quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dưới đây là những chia sẻ của Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Khoa quản trị kinh doanh,Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh liên quan đến các kênh đầu tư có khả năng sinh lợitốt với số tiền nhàn rỗi 4 tỷ đồng.

Gửi tiết kiệm

Khi sở hữu số tiền nhàn rỗi 4 tỷ đồng mà chưa có ý định kinh doanh hay đầu tư gì thì gửi tiết kiệm được xem là cách sinh lời an toàn, ổn định của nhiều người.

Với mức lãi suất tiết kiệm hiện nay ở kỳ hạn 12 tháng bình quân tầm 7,2% một năm, tính ra số tiền gửi 4 tỷ đồng sẽ thu lãi hàng tháng được 24 triệu đồng, tức một năm khoảng 288 triệu đồng.Tuy nhiên, lạm phát năm 2016 dự kiến 5%, điều này có nghĩa là mức thu nhập thực sau khi trừ lạm phát chỉ còn khoảng 2,2% (tương đương trên dưới 88 triệu đồng.Do đó, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, bạn có thể cân nhắc những ưu nhược điểm của nó.

Trước hết là ưu điểm. Khi bạn gửi tiết kiệm thì cái mà nhiều người thích là tính thanh khoản cao, tức là người gửi tiền có thể rút ra bất cứ lúc nào khi cần.Song song đó, sự an toàn về tiền gửi gần như là 100%, bởi số tiền của người gửi tiền sẽ được ngân hàng đảm bảo.

Bên cạnh đó, bạn sẽ có khoản thu nhập ổn định và xác định trước được dòng tiền nên có thể dùng để dự trù cho những kế hoạch khác.

Tuy nhiên, với kênh này thì bạn cũng nên lưu ý đến những nhược điểm đi kèm. Đó là nếu không tính toán kỹ thời gian gửi, hoặc có việc gấp cần rút tiềntrước hạn thì sẽ phải chịu mức lãi suất không kỳ hạn rất thấp, khoảng 0,3-0,5% mỗi năm.

Thêm vào đó, nguồn thu nhập sau khi trừ lạm phát thì mức thực tế thu được tương đối thấp so với các kênh đầu tư khác. Và một khi mà lạm phát càng cao thì mức lãi thu thực tế của bạn càng thấp, thậm chí là bị âm.

Đầu tư bất động sản

Trong điều kiện có nhiều thuận lợi ở một số phân khúc nhất định vì nhà đầu tư ngoại đổ vốn mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua các hình thức FDI, kiều hối… Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng đang mạnh tay cho vay bất động sản; lãi suất cho vay thấp và nhiều ưu đãi so với điều kiện vay của những năm vừa qua. Do đó, thị trường này đang có dấu hiệu ấm lên nên có tiền nhàn rỗi đầu tư vào cũng là một lựa chọn đáng lưu ý.

Nhưng việc chọn phân khúc đầu tư nào cho hợp lý nhất là vấn đề rất quan trọng. Trong bối cảnh này, bạn có thể cân nhắc đầu tư vào các căn hộ chung cư tại các khu vực tiềm năng hoặc khu vực mới đông dân cư như Thủ Thiêm, quận 2, hay các chung cư đang xây tại các khu công nghiệp.

Theo phân tích đánh giá sơ bộ của tôi, tỷ suất sinh lời vào phân khúc này hoàn toàn có thể đạt được mức từ 10-20% mỗi năm (tức là bằng hoặc cao hơn mức sinh lời ở phân khúc này của năm 2014 dao động 5-7%, 2015 là 7-10%). Như vậy, mỗi năm với số tiền 4 tỷ đồng, bạn vẫn có thể sinh lợi 400-800 triệu đồng. Có thể thấy đây là kênh sinh lời tốt nhưng tương đối.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, bạn cũng nên hạn chế mua đất nền hoặc căn hộ tại nơi dân cư sống lâu đời, đông đúc hay những khu xa vắng dân cư và tính pháp lý của hồ sơ đất không rõ ràng, uy tín và khả năng tài chính của chủ đầu tư yếu.

Ngoài ra, khi đầu tư vào kênh bất động sản thời điểm này, bạn nên lưu ý là chỉ đầu tư theo số tiền mình có, tránh không chạy theo đầu cơ khi thấy tỷ lệ sinh lời ngày càng cao. Bởi như vậy sẽ rất rủi ro.

Kinh doanh chứng khoán

Với kênh đầu tư chứng khoán, ở giai đoạn hiện tại, bên cạnh các thông tin hỗ trợ về vĩ mô, cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các FTA, các vướng mắc về nới room sắp được tháo gỡ... đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.Do đó, nếu có số tiền nhàn rỗi tương đối lớn 4 tỷ đồng thì bạn vẫn có thể cân nhắc rót tiền vào kênh này.

Và dựa vào diễn biến vĩ mô thì có thể nhìn thấy nhiều tín hiệu đang hỗ trợ cho các nhóm ngành nghề cơ bản gắn liền với chu kỳ kinh tế như ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng - thép, cảng biển, dệt may… Nếu theo chu kỳ kinh doanh, đây cũng là nhóm cổ phiếu sẽ có lợi thế hơn các nhóm khác trong giai đoạn hiện tại.

Dự kiến tỷ suất sinh lời của thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay từ 7 đến 10%. Với số tiền nhàn rỗi 4 tỷ đồng, nếu đầu tư thuận lợi và đạt mức sinh lợi này thì mỗi năm cũng thu vào 280-400 triệu đồng.

Tuy nhiên, rủi ro mà bạn cần lưu ý là thị trường thường bị dẫn dắt bởi các nhóm đầu cơ trong và ngoài nước với tiềm lực tài chính mạnh và chuyên nghiệp. Do đó, muốn tham gia kênh này đòi hỏi người đầu tư phải luôn theo dõi thị trường và phải có kiến thức về tài chính. Nếu không, bạn sẽ rất khó để đón được trúng sóng của thị trường nhằm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, bạn cần phải cân nhắc thật kỹ với kênh này vì nó được xem là khá rủi ro nhưng khả năng sinh lời không quá cao.

Chia "trứng ra nhiều giỏ"

Tuỳ theo khẩu vị rủi ro và mong muốn mức lợi nhuận, nhà đầu tư cũng có thể phân chia khoản tiền 4 tỷ đồng này vào nhiều kênh khác nhau và theo tỷ lệ khác nhau. Nếu bạnít chấp nhận rủi ro, mong muốn lợi nhuận ổn định ở mức vừa phải thì có thể chọn gửi một phần vào tiết kiệm, một phần mua USD, một phần mua vàng.

Trường hợp bạn là người chấp nhận rủi ro cao hơn, mong muốn lợi nhuận ổn định ở mức cao thì có thể kết hợp vừa gửi tiết kiệm, vừa mua USD gửi ngân hàng và đầu tư bất động sản (có thể cân nhắc tỷ lệ 70% vào bất động sản ở phân khúc căn hộ và 30% cho hai kênh còn lại).

Với những người chấp nhận rủi ro rất cao, mong muốn lợi nhuận cũng rất cao thì nên đầu tư vào 2 kênh chứng khoán và vàng. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của các sàn giao dịch vàng thời gian qua, trên 90% những người tham gia là thua, và trên 50% những người đầu tư chứng khoán cá nhân cũng bị thua. Do đó, phải cân nhắc khi chọn lựa danh mục đầu tư thật kỹ.

Ngoài ra, một lựa chọn khác cũng có thể được xem là hợp lý trong bối cảnh này đó là dùng 50% của 4 tỷ đồng đầu tư vào bất động sản với mức giá trung bình, 20% nên gửi tiết kiệm và 30% có thể đầu tư kinh doanh một cơ sở nhỏ như mở quán café, quán nhậu…