Cách tiết kiệm tiền nhàn rỗi cuối năm cho người ưa an toàn
Đối với người ưa an toàn, gửi ngân hàng ít rủi ro hơn các kênh tiết kiệm và đầu tư khác như mua vàng, bất động sản, chứng khoán...
Cuối năm, người dân có xu hướng tìm kiếm các kênh tiết kiệm và đầu tư hiệu quả cho nguồn tiền nhàn rỗi. Các khoản thu nhập đến từ nhiều nguồn như doanh thu bán hàng cận Tết, tháng lương thứ 13, tiền thưởng cuối năm, các khoản quà cáp, biếu tặng...
Theo báo cáo chỉ số niềm tin người tiêu dùng của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen trong quý III/2016, người Việt dẫn đầu top 10 quốc gia tiết kiệm nhất Đông Nam Á. 78% người được khảo sát sử dụng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm. 85% số người được hỏi cho biết rằng, họ đã thay đổi thói quen chi tiêu nhằm nỗ lực tiết kiệm chi phí gia đình trong 12 tháng qua.
Nếu như trước đây, các bậc cha ông thường tiết kiệm của cải, tiền bạc bằng cách chôn cất kỹ trong nhà hoặc giữ bên người với quan niệm “đồng tiền đi liền khúc ruột”, thì hiện nay, người trẻ lựa chọn gửi tiền tiết kiệm hoặc đầu tư để sinh lời.
Bà Vũ Thị Mai, chủ một cửa hàng tại Hà Nội có 700 triệu đồng tiết kiệm để không. Vì muốn đầu tư sinh lời nhanh, bà Mai tin tưởng cho hàng xóm vay lãi suất cao hàng tháng. Về sau, người này làm ăn thất bát, vay nặng lãi nhiều nơi nên cầm tiền trốn mất. “Đến nhà đòi tiền thì khóa cửa, chủ không thấy về, mấy tháng nay tôi như ngồi trên đống lửa chỉ vì ham lãi suất cao”, bà Mai nói.
Đối với người ưa an toàn, gửi ngân hàng ít rủi ro hơn các kênh tài chính khác (mua vàng, bất động sản, chứng khoán...). Chị Hoàng Hương Giang (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội), một cán bộ nhà nước sinh sống trên cho biết: “Tôi không có điều kiện để đầu tư sản xuất hay kinh doanh dịnh vụ. Mua ngoại tệ hay vàng trong thời điểm thị trường thế giới thay đổi liên tục như hiện nay cũng nhiều rủi ro. Bạn bè tôi có người chơi chứng khoán thu lợi, nhưng đây là kênh đầu tư cần kiến thức sâu, vốn lớn, còn hầu hết đầu tư nhỏ lẻ dễ thua thiệt”.
Khi được hỏi về cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản, chị Giang lắc đầu: “Số tiền của tôi quá ít để có thể mua nhà, hơn nữa bất động sản bây giờ đóng băng nên đầu tư vào không khác gì đánh bạc”, chị Giang chia sẻ.
Thay vào đó, chị Giang chọn hình thức tiết kiệm an toàn là gửi tiền vào ngân hàng mỗi tháng, sau một thời gian tích cóp sẽ được khoản lớn hơn. Tài khoản tiết kiệm không bao giờ dậm chân tại chỗ mà luôn gia tăng từng ngày. Khi có việc cần có thể linh hoạt rút ra, chưa cần thì để đó sinh lời và ít rủi ro.
Các chuyên gia tài chính cho biết, tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng không chỉ giúp người dân thu lãi trong ngắn hạn, mà còn tích lũy để thực hiện kế hoạch đầu tư sản xuất kinh doanh trong tương lai, hoặc bảo đảm cuộc sống ổn định khi hết tuổi lao động.
Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dân nên chọn ngân hàng lớn, phát triển ổn định, có bề dày lịch sử, độ an toàn cao. Mặt khác, ưu tiên ngân hàng có nhiều chi nhánh, mạng lưới gần nơi sinh sống hoặc có nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ và sản phẩm gửi tiết kiệm online. Nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện, thủ tục nhanh chóng lúc rút hay gửi tiền… cũng giúp người dân giao dịch thuận lợi hơn.