Cải thiện đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu vực APEC
(Tài chính) Việc đầu tư xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, thuận tiện và hữu ích nhằm phục vụ cho cuộc sống của người dân và đóng góp cho thịnh vượng chung của khu vực là yếu tố mang tính quyết định tới sự phát triển của mỗi quốc gia.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên: “Cơ sở hạ tầng còn mang ý nghĩa sống còn cho sự phát triển kinh tế, thương mại, tăng trưởng GDP và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nền kinh tế. Thực tế cho thấy, quốc gia nào có hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, lạc hậu và không đồng bộ đều rất khó thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.
Cơ sở hạ tầng, bao gồm cả khía cạnh cứng và mềm, được ví như xương sống của nền kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh, giúp nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh, bền vững, cũng như giúp các quốc gia kết nối toàn diện hơn, nhằm tiến tới xây dựng một khu vực hoàn toàn gắn kết trên mọi bình diện.
Tuy nhiên, thách thức lớn là tất cả các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng đều đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ và hầu như một mình chính phủ không thể đáp ứng được một cách đầy đủ.
Theo báo cáo năm 2014 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ước tính mỗi năm, toàn thế giới thiếu hụt ít nhất 1.000 tỷ USD vốn đầu tư cho việc phát triển cơ sở hạ tầng. Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, dự tính trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020, riêng khu vực Châu Á cần khoảng 8 nghìn tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm duy trì được mức tăng trưởng kinh tế hiện tại. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, mỗi USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng sẽ tạo ra khoảng 0.05-0.25 USD, tương tương với mức tăng trưởng từ 5 đến 25%.
Như vậy, có thể thấy, bài toán đầu tư vào việc duy trì và nâng cấp cơ sở hạ tầng là điều cần và bắt buộc phải triển khai. Dù đây là việc gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi nguồn lực lớn, song nếu thực hiện thành công thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế-xã hội rất cao.
Trong những năm qua, APEC luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hội nhập, hợp tác sâu hơn và củng cố quan hệ đối tác công-tư (PPP) về đầu tư cơ sở hạ tầng.
Năm 2009, các Bộ trưởng Tài chính APEC đã dự đoán trong thập niên sau năm 2010, nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong các thành viên APEC sẽ lên đến 750 tỷ USD/năm. Trong những năm sau đó, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng tiếp tục là một trọng tâm hợp tác trong chương trình nghị sự APEC. Trong đó nổi bật là sự kiện các nhà lãnh đạo APEC thông qua “Kế hoạch nhiều năm của APEC về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng” tại Hội nghị Cấp cao APEC được tổ chức tại Bali, Indonesia tháng 10/2013.
“Đối thoại Công-Tư về xác định và tháo gỡ các rào cản, nhằm cải thiện đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khu vực APEC” là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa “Kế hoạch nhiều năm của APEC về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng”.
Đối thoại này sẽ tạo cơ hội trao đổi, thảo luận trực tiếp, thẳng thắn giữa khu vực Nhà nước và tư nhân nhằm xác định những rào cản trong quá trình đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng. Sự kiện này cũng là cơ hội để các đại biểu tham dự đề xuất những khuyến nghị chính sách thực sự có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực nói chung và của Việt Nam nói riêng, cũng như nhằm nâng cao uy tín của Việt Nam trong hợp tác kinh tế APEC. Kết quả của Đối thoại sẽ được báo cáo lên các diễn đàn có liên quan của APEC, nhằm sớm biến các định hướng chính sách thành hiện thực trong thời gian tới.