Cán bộ công chức nữ đã thực sự trở thành một lực lượng quan trọng của ngành Tài chính

GS.,TS.Nguyễn Công Nghiệp - Bí thư Đảng uỷ, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính

Thực hiện Quyết định ngày 21/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010, nhiều năm qua, Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tài chính đã thường xuyên chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) ngành Tài chính đạt hiệu quả cao nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, tạo mọi điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Nhân dịp Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị vì sự tiến bộ của phụ nữ, TCTC Online xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Công Nghiệp - Bí thư Đảng uỷ, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính về công tác này.

Là cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính, đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ Tài chính có trên 7 vạn cán bộ, công chức, viên chức, trong đó đội ngũ cán bộ nữ lên tới gần 3 vạn người. Đội ngũ cán bộ nữ ngành Tài chính đã có mặt trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Bộ, từ nghiên cứu, hoạch định, triển khai thực thi chính sách chế độ tài chính, thuế, hải quan, kiểm soát chi tiêu, thị trường chứng khoán, dự trữ quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế… đến công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, báo chí xuất bản, sản xuất kinh doanh, dịch vụ tài chính, hậu cần, phục vụ, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi công tác của toàn Ngành.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác cán bộ nữ, quán triệt chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và kế hoạch hành động; kiện toàn bộ máy hoạt động của Ban VSTBPN Bộ Tài chính; chỉ đạo các cấp ủy đảng và lãnh đạo các đơn vị tổ chức quán triệt Chiến lược quốc gia VSTBPN, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kĩ năng, nghiệp vụ và hiểu biết pháp luật cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ, công chức… Từ đó, nhận thức của cán bộ, công chức nói chung và lãnh đạo các đơn vị nói riêng về bình đẳng giới, về công tác cán bộ nữ ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động VSTBPN ngành Tài chính đạt hiệu quả.
 
Sau 10 năm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động VSTBPN của Bộ Tài chính đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các mục tiêu. Cụ thể là:
 
Đối với mục tiêu thứ nhất của Chiến lược quốc gia VSTBPN thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm cho thấy: Công tác tuyển dụng cán bộ được thực hiện theo hướng công bằng, bình đẳng nam - nữ nhưng có ưu tiên lựa chọn cán bộ nữ trong điều kiện kết quả thi tuyển như nhau. Tạo điều kiện để cán bộ nữ được tham gia vào hầu hết các lĩnh vực công tác của đơn vị, đặc biệt là tham gia xây dựng chính sách, chế độ liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em. Bố trí, sắp xếp công việc cho cán bộ nữ phù hợp chuyên môn đào tạo, sức khỏe và hoàn cảnh gia đình. Số lượng cán bộ nữ tuyển dụng qua các năm đều chiếm tỷ lệ cao (từ 50% đến 75%); 100% các DN trực thuộc Bộ bố trí đầy đủ việc làm cho lao động nữ.
 
Đối với mục tiêu tạo điều kiện bình đẳng đối với phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Cấp ủy Đảng và lãnh đạo các cấp trong ngành Tài chính luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ nữ cán bộ công chức để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý. Ở từng đơn vị, hình thức hỗ trợ khá phong phú như hỗ trợ về kinh phí, thời gian hoặc mời giáo viên đến dạy tại cơ quan. 10 năm qua, trình độ của đội ngũ cán bộ nữ trong ngành tăng lên rõ rệt. Tính đến nay, cán bộ nữ có trình độ cao đẳng trở lên chiếm tỷ lệ 81% trên tổng số cán bộ nữ của ngành, trong đó 100% cán bộ nữ làm chuyên môn nghiệp vụ ở Trung ương và cấp tỉnh có trình độ đại học trở lên. Đặc biệt, tại Học viện Tài chính có 20 tiến sỹ, 89 thạc sỹ, 3 phó giáo sư là cán bộ nữ; cán bộ nữ trong học viện có trình độ đại học trở lên chiếm 86%; tại UB Chứng khoán Nhà nước có 2 tiến sỹ và 26 thạc sỹ là cán bộ nữ, số cán bộ nữ có trình độ đại học chiếm tỷ lệ 89%. Số lượng cán bộ nữ được tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, lý luận chính trị không ngừng tăng qua các năm.
 
Đối với mục tiêu thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe: hàng năm các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ đều tổ chức khám sức khỏe, tư vấn phòng, chữa bệnh cho cán bộ công chức nói chung và ưu tiên cán bộ công chức nữ trong việc kiểm tra sức khoẻ liên quan đến nữ giới. Những chị em ốm đau đều được cơ quan, công đoàn quan tâm thăm hỏi, trợ cấp kịp thời; các chị em có thai, nghỉ sinh con đều được hưởng đầy đủ các chế độ, quyền lợi theo quy định.
 
Về mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cán bộ công chức nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo các cấp, các ngành: Với sự quan tâm của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị; sự cố gắng vượt bậc của bản thân mỗi cán bộ công chức nữ, từ năm 2001 đến nay, toàn ngành đã bổ nhiệm 1812 cán bộ nữ giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phòng trở lên, trong đó lãnh đạo cấp tổng cục là 6 chị, cấp vụ và tương đương thuộc cơ quan Bộ Tài chính là 13; số cán bộ nữ là lãnh đạo cấp vụ, cục thuộc các tổng cục là 165. Công tác phát triển Đảng trong nữ cán bộ công chức toàn ngành cũng được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện bồi dưỡng, kết nạp.

Chỉ tính riêng Đảng bộ Bộ Tài chính trong 3 năm từ 2007-2009, đảng viên nữ được kết nạp là 339/552 đảng viên được kết nạp, chiếm tỷ lệ 61%. Số cán bộ nữ tham gia cấp ủy, công đoàn cũng tăng qua các năm. Một số chị em được tín nhiệm bầu giữ chức vụ chủ chốt của tổ chức đảng. Hoạt động nữ công của các đơn vị cũng luôn được các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện. Trên 80% chị em đã đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, trong đó trên 20% các chị đã được Tổng liên đoàn, Công đoàn Viên chức Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Công đoàn Bộ Tài chính tặng bằng khen và giấy khen.

Ghi nhận thành tích và những đóng góp của cán bộ nữ toàn ngành, 5 năm qua, nhiều chị đã được tặng thưởng và đề nghị tặng thưởng các danh hiệu cao quý, như chị Nguyễn Thị Phương Dung, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Thời kỳ đổi mới. 1 chị được tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2005, nhiều chị được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các danh hiệu cao quý khác.
 
Đối chiếu với các chỉ tiêu đặt ra cho thấy, ngành Tài chính đã có 17/18 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch, đạt tỷ lệ 94,44%. Trong thời gian tới, để làm tốt công tác cán bộ nữ, Bộ Tài chính đã xây dựng Kế hoạch hành động VSTBPN với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó có một số điểm cần đặc biệt chú trọng. Đó là phấn đấu nâng tỷ lệ cán bộ nữ trong toàn ngành có trình độ cao đẳng từ 81% hiện nay lên 85%; 40-45% số người được cử đi đào tạo trên đại học là nữ; 60-65% cán bộ nữ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở Học viện Tài chính và các trường ĐH, CĐ thuộc Bộ đạt trình độ trên đại học; 40-50% cán bộ nữ được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ. Phấn đấu có ít nhất 1 lãnh đạo Bộ là nữ; đạt tỷ lệ 30-35% cán bộ nữ được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo từ cấp phòng trở lên; tăng tỷ lệ cán bộ nữ được kết nạp vào đảng từ 25-30%, phấn đấu đạt tỷ lệ 40% cán bộ nữ tham gia cấp ủy, các tổ chức đoàn thể các cấp.
 
Thực tiễn 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia VSTBPN và 5 năm thực hiện mục tiêu Kế hoạch hành động VSTBPN của Bộ Tài chính cho thấy, để có được thành công trong công tác này, cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện thuận lợi của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ. Ban VSTBPN Bộ Tài chính, Ban VSTBPN các đơn vị luôn bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hành động để tham mưu với lãnh đạo có các giải pháp cụ thể; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp khắc phục. Nhận thức của Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị về công tác cán bộ nữ được nâng cao, tạo điều kiện để hoạt động VSTBPN đạt hiệu quả thiết thực. Tự thân mỗi chị em cán bộ nữ phải có sự cố gắng nỗ lực, vượt khó để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ.
 
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Tài chính nói chung, của từng đơn vị nói riêng cần phải được các cấp uỷ Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị quan tâm nhiều hơn nữa. Phải coi hoạt động này như một nhiệm vụ chính trị và đưa vào sơ kết, tổng kết công tác của đơn vị, thống kê tình hình cán bộ nữ hàng năm để có cơ sở đánh giá kiểm điểm việc thực hiện các chỉ tiêu, từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Phải chú trọng quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo nữ và có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng bám sát vào các chỉ tiêu đề ra. Cần đào tạo kỹ năng cho tất cả các cán bộ làm công tác VSTBPN; tạo điều kiện để các tổ chức nữ công được tham gia với lãnh đạo đơn vị trong thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ nữ.