Cần chú ý tác động của giảm giá xăng đến CPI
(Tài chính) Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,27% so với tháng 10.2014. CPI trong tháng gần Tết giảm là diễn biến trái ngược so với cùng kỳ những năm trước, trừ năm 2008 khi nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI trong tháng 11 giảm do 4/11 nhóm hàng được ghi nhận giảm giá. Đặc biệt, nhóm giao thông vốn là nhóm có chỉ số cao trong rổ tính CPI lại có mức giảm lớn, giảm 2,75% so với tháng 10. Kế đến, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện nước, chất đốt tiếp tục giảm 0,74% sau nhiều tháng giảm liên tục trước đó. Nguyên nhân giảm giá của các nhóm hàng này là các mặt hàng chính như xăng dầu, gas, dầu hỏa… đã có những đợt giảm giá vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Trong đó, xăng, dầu giảm giá hai lần vào ngày 23.10 và 7.11 và gas giảm giá từ ngày 1.11 với mức 40.000 đồng/bình 12kg.
Trong khi đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục được ghi nhận giảm 0,03% so với tháng liền trước khi 2/3 thành tố tăng giá nhẹ là lương thực tăng 0,12%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,03%, thực phẩm giảm 0,1%. Ở chiều hướng ngược lại, các nhóm hàng như đồ dùng gia đình; đồ uống, thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép... tăng giá so với tháng 10 với mức tăng dao động từ 0,03 đến 0,34%.
CPI tháng 11 giảm 0,27% so với tháng 10 được cho là diễn biến khá bất thường. Bởi trong nhiều năm qua, vào các tháng cuối năm, CPI thường tăng mạnh nhất. Thực tế này với diễn biến giảm giá của nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo, lạm phát năm nay sẽ ở mức thấp hơn so với dự kiến đề ra hồi đầu năm là 7%.
Việc giảm phát như hiện nay mang lại niềm vui cho người tiêu dùng. Vì giá hàng hóa tăng cùng với nhu cầu mua tích trữ chuẩn bị Tết là gánh nặng không nhỏ với tài chính của các hộ gia đình trong những năm qua. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, đây lại là nỗi lo về cầu tăng thấp. Bởi thông thường, lực cầu thấp sẽ gây áp lực đến những nhà sản xuất và buộc họ phải giảm giá bán để tăng lượng hàng hóa tiêu thụ. Hơn nữa, CPI trong các tháng trước cũng chủ yếu giảm, hoặc có mức tăng yếu, nên khi những tháng cuối năm không cải thiện về sức mua trên thị trường sẽ khiến lượng hàng tồn kho có nguy cơ cao, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của nhà sản xuất.
Tổng cầu thấp sẽ khiến lạm phát khó ở mức cao. Nhưng cũng cần lưu ý là tình trạng lạm phát thấp có nhiều nguyên nhân, chứ không chỉ do tổng cầu thấp. Thực tế, trong năm 2014 giá xăng dầu trên thị trường liên tục giảm, số lần tăng rất ít và mức tăng thấp. Tại thị trường nước ta đã có 10 lần giảm giá xăng dầu liên tục trong những tháng qua và khiến nhóm hàng giao thông - vận tải có mức giảm cao trong tháng 11 này. Chỉ số này không chỉ ảnh hưởng đến chỉ số chung, mà còn ảnh hưởng đến giá cả của nhiều nhóm hàng hóa khác trong rổ tính CPI.
Như vậy, các cơ quan chức năng cần nhìn nhận đúng nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp trong 11 tháng qua, cũng như trong cả năm 2014. Bởi có thể thấy rõ sự nguy hiểm và rủi ro khi tiến hành các biện pháp tiền tệ, tài khóa để kích thích tổng cầu, đưa lạm phát tăng trở lại, trong khi nguyên nhân thực sự của giảm phát lại do giá xăng dầu giảm.