Cần đảm bảo bình đẳng, công bằng trong chính sách tiền lương với nhà giáo

Trần Huyền

Thảo luận về Luật Nhà giáo, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với ưu tiên về chính sách tiền lương, phụ cấp với nhà giáo. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý chính sách ưu tiên cũng cần đi kèm với chất lượng của nhà giáo cũng như đảm bảo bình đẳng, công bằng giữa các đối tượng.

Toàn cảnh phiên thảo luận ở Hội trường Quốc hội sáng 20/11.
Toàn cảnh phiên thảo luận ở Hội trường Quốc hội sáng 20/11.

Thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng 20/11, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết của dự án Luật Nhà giáo. Các đại biểu cho rằng, việc thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” và “nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục” là hết sức cần thiết. Đại biểu nhấn mạnh, tạo cơ sở pháp lý phát triển đội ngũ nhà giáo có vai trò rất là quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cho Đất nước. 

Thảo luận về chính sách tiền lương, phụ cấp với nhà giáo, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.​

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho rằng, việc quy định nhà giáo là người dân tộc thiểu số có chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác là chưa phù hợp. Các nhà giáo có cùng trình độ chuyên môn, cùng năng lực, cùng công tác trong môi trường, hoàn thành khối lượng công việc như nhau nhưng lương của nhà giáo là người dân tộc thiểu số lại cao hơn. Điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về lao động và trái với các quy định của pháp luật về lao động hiện hành. Do đó, đại biểu đề nghị các cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ nội dung này.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Hoàng Văn Cường - TP. Hà Nội cho biết, đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, trong khi đó, chúng ta đang áp bảng lương đội ngũ viên chức cho đội ngũ nhà giáo. Theo Đại biểu, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng thì vẫn là không phù hợp. Vì vậy, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo. Đại biểu đề xuất cần quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như đối với sĩ quan trong quân đội. Chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng hao phí lao động, để nhà giáo yên tâm công tác.

Cùng quan điểm này, Đại biểu, Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Quảng Ninh đề nghị, lương của nhà giáo phải được tính toán, sắp xếp để dù ở khối trường công hay trường tư, ở thành thị, nông thôn hay miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng phải có mức lương tương xứng, đủ sống để phát huy được chuyên môn, tâm huyết, sở trưởng của mình.

Theo Đại biểu, Dự thảo luật đưa ra những quy định rất hợp lý nhưng vẫn còn chung chung, do đó đại biểu đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề tiền lương của nhà giáo. Luật cũng có định hướng về nguyên tắc để Chính phủ xây dựng chính sách tiền lương, Đại biểu bày tỏ quan điểm nền có một thang, bảng lương riêng để nhà giáo để cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và của Quốc hội.

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề nghị đánh giá khách quan thu nhập bình quân của nhà giáo hiện nay so với lĩnh vực khác trong xã hội. Từ đó tham mưu cho Chính phủ quy định chi tiết phù hợp với thực tế, đảm bảo chế độ ưu tiên nhưng phải bình đẳng, công bằng. Nhất là chế độ thu hút nói chung, thu hút vùng miền nói riêng, phụ cấp ưu đãi nghề, ưu đãi trong các cấp học, chế độ biệt phái, điều động, chế độ nghỉ hè, đào tạo, bồi dưỡng... nhằm tránh tối đa việc bất bình đẳng trong thu nhập cũng như tạo kẽ hở, tạo đặc quyền đặc lợi, từ đó sinh ra tiêu cực trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục.