Cần giải quyết 4 bức xúc về đất đai

Đình Thắng (Dân Việt)

Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam, lãnh đạo Tổ chức Oxfam đại diện các tổ chức quốc tế có bài tham luận góp ý cho Luật Đất đai (sửa đổi). Phóng viên đã phỏng vấn ông Bert Maerten - đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam về vấn đề này.

Cần giải quyết 4 bức xúc về đất đai
ông Bert Maerten - đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam

 Phóng viên đã phỏng vấn ông Bert Maerten - đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam về vấn đề này.

Oxfam đánh giá như thế nào về nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mà Chính phủ Việt Nam đã công bố?

- Luật Đất đai hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được tình hình thực tế, vì vậy việc sửa đổi luật trong thời điểm này là rất hợp lý. Việc sửa đổi Luật Đất đai rõ ràng là một bước đi quan trọng của Chính phủ Việt Nam để khắc phục các bất cập còn đang tồn tại. Ban soạn thảo luật đã thấy sự cần thiết phải tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, khẳng định vai trò của các bên khác nhau trong việc sở hữu và quản lý đất đai. Tuy nhiên cũng có những điểm mà dự thảo luật chưa làm rõ và cần phải hoàn thiện trong thời gian tới.

Các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ quốc tế quan tâm đến nội dung nào của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và có những góp ý gì để bổ sung hoàn thiện?

- Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ đơn thân. Chính vì vậy những góp ý mà Oxfam và các tổ chức phi chính phủ quốc tế cũng xoay quanh những nhóm dân số này.

Thứ nhất, luật sửa đổi cần xem xét việc trao quyền sử dụng đất nông nghiệp lâu dài hơn cho các hộ gia đình và cần quy định chặt chẽ về chuyển mục đích sử dụng đất.

Thứ hai, luật sửa đổi cần tăng cường tính minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin, cơ hội tham gia của người dân và cộng đồng vào quyết định, thực hiện và giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ ba, luật sửa đổi cần công nhận quyền sử dụng đất chung của cộng đồng dân tộc thiểu số, công nhận các luật tục phù hợp về sử dụng đất, cũng như văn hóa và bản sắc dân tộc.

Đây chính là nguyện vọng của họ. Thứ tư, cần đẩy nhanh tiến trình và công khai kết quả đánh giá các nông, lâm trường quốc doanh và ban quản lý rừng phòng hộ về hiện trạng sử dụng đất, năng suất, khả năng tạo việc làm, các chức năng xã hội và việc phân chia lợi ích.

Theo đánh giá của ông, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào năm sau có thể đảm bảo giải quyết hết những bức xúc về đất đai vừa nêu không?

- Chúng tôi đồng thuận với quan điểm của nhiều chuyên gia về chính sách đất đai của Việt Nam khi họ đánh giá Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thể bảo đảm giải quyết được hết 4 bức xúc hiện tại về vấn đề đất đai. Cụ thể, một là chưa tạo được động lực mới cho nông nghiệp, nông dân chưa thực sự yên tâm đầu tư làm ăn lớn. Hai là không thể loại bỏ nguy cơ tham nhũng.

Ba là chưa có giải pháp thực thi để giảm nguyên nhân gây khiếu kiện. Bốn là chưa có giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh thực thi pháp luật. Đây là 4 vấn đề rất quan trọng được đưa ra để đánh giá, đo lường dự thảo luật này. Để giải quyết được 4 vấn đề trên cần có sự tham gia của người dân, được người dân đồng thuận trong mọi khía cạnh về những sự thay đổi trong chính sách đất đai.

Được biết, Oxfam đã bắt đầu có những hoạt động tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dư luận người dân quan tâm vấn đề gì?

- Tham vấn cộng đồng của Oxfam dự kiến thực hiện ở 5 tỉnh: Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Bình, An Giang, Long An. Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành ở Hòa Bình. Người dân ở nơi được tham vấn rất quan tâm đến quyền sử dụng đất rừng, đặc biệt quyền sử dụng và sử dụng đất rừng cộng đồng, vai trò và tính hiệu quả của các nông, lâm trường quốc doanh.

Người dân cũng rất quan tâm đến việc thu hồi đất, đền bù và hỗ trợ tái định cư, họ muốn được thông báo, bàn bạc và đồng thuận trong toàn bộ quy trình này. Người dân không biết giá trị đền bù được tính toán thế nào, có một số nơi không được công khai, họ chỉ biết nhận tiền và những băn khoăn không được giải đáp. Có nơi chính quyền đến bù 35.000 đồng/m2 đất nông nghiệp, trong khi đó họ phải đóng thuế đăng ký sổ đỏ cho đất vườn là 55.000 đồng/m2 (?!).

“Nếu Luật Đất đai đảm bảo cân bằng được quyền lợi của các đối tượng sử dụng đất thì sẽ giúp Việt Nam phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội”.

Ông Bert Maerten

Từ góc nhìn quốc tế, ông đánh giá như thế nào về việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các hộ nông dân nhỏ lẻ, vốn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những người sử dụng đất hiện nay?

- Quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) đã có rất nhiều thảo luận, tranh luận tại các hội thảo của các bộ, ngành, các cuộc họp giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, các đại biểu Quốc hội cũng đã góp ý... nhắm vào nhiều điểm quan trọng của luật.

Sắp tới Quốc hội sẽ tiếp tục lấy ý kiến của người dân về dự thảo luật này, tôi nghĩ đây là điểm rất quan trọng, là cơ hội để các đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến của người dân để có những quyết định phù hợp với nguyện vọng và mong đợi của người dân.

Xin cảm ơn ông!