Cần hỗ trợ bổ sung để người lao động quay trở lại làm việc

Theo Hà My/Thời báo Tài chính Việt Nam

Theo các chuyên gia, để giải bài toán đứt gãy nguồn lao động, bên cạnh các giải pháp từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ cho người lao động quay trở lại sản xuất.

Nên có hỗ trợ về nhà ở, an sinh trong 1 - 2 tháng đầu khi người lao động trở lại làm việc. Ảnh minh họa.
Nên có hỗ trợ về nhà ở, an sinh trong 1 - 2 tháng đầu khi người lao động trở lại làm việc. Ảnh minh họa.

Đã có 70 - 75% doanh nghiệp và người lao động trở lại làm việc

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã dẫn tới hàng loạt các doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, người lao động ồ ạt tháo chạy khỏi các thành phố lớn và không có ý định quay trở lại trong tương lai gần do đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Điều này khiến doanh nghiệp có thể phải đối mặt với việc thiếu hụt lao động khi hoạt động hết công suất trở lại.

Thống kê cho thấy, sau hơn một tháng kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả; đã có 70 - 75% doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc.

Theo nhận định của các địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp, nếu như tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định như hiện tại, tiến độ triển khai tiêm vắc-xin được đẩy nhanh hơn, diện bao phủ rộng hơn thì có khả năng trong cuối quý I, đầu quý II năm 2022, tình hình lao động, việc làm của các địa phương sẽ được khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương trọng điểm về các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung nhận định, đối với khu vực doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp cơ bản đã giữ chân được người lao động.

Với những lao động đã trở về quê từ các khu vực kinh tế lớn phía Nam, ông Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương, một mặt phải tiếp nhận người dân quay trở về quê, mặt khác cần có chính sách tạo việc làm để thu hút người lao động quay trở lại thành phố làm việc. Bên cạnh đó, cần có chính sách chăm lo, tạo công ăn việc làm cho người lao động có mong muốn ở lại địa phương.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH yêu cầu khi tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân, đảm bảo toàn bộ những người nằm trong diện chính sách phải được hưởng chính sách.

Bên cạnh đó, ông Đào Ngọc Dung đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá đầy đủ tình hình lao động - xã hội để đề xuất ban hành các chính sách, trong đó tập trung vào 3 vấn đề lớn: giữ chân người lao động; hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường; điều tiết thị trường, tập trung giải quyết cán cân cung cầu lao động.

Hỗ trợ bổ sung cho người lao động

Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh bao phủ vắc-xin, để giải bài toán đứt gãy nguồn lao động, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ cho người lao động quay trở lại sản xuất. Các hỗ trợ này là hỗ trợ trong 1-2 tháng đầu khi người lao động trở lại làm việc như nhà ở, an sinh xã hội để họ yên tâm sản xuất.

Hỗ trợ phục hồi thị trường lao động, mới đây Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có hướng dẫn bằng văn bản vấn đề hỗ trợ người lao động quay lại doanh nghiệp làm việc tại các địa phương phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An).

Theo đó, đoàn viên công đoàn và người lao động đã về quê, có nhu cầu quay lại doanh nghiệp làm việc (bao gồm cả người lao động đang tạm hoãn hợp đồng hoặc đang nghỉ việc không hưởng lương do COVID-19 theo thoả thuận với doanh nghiệp) sẽ được nhận hỗ trợ. Điều kiện để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ là doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn; có số lượng lao động từ 5.000 người trở lên; sẵn sàng đón, hỗ trợ tiền lương, nơi ở, các nhu cầu thiết yếu khác cho đoàn viên và người lao động.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ bằng tiền để công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp tổ chức phương tiện (ô tô, tàu hoả, máy bay) đón đoàn viên, người lao động quay lại làm việc. Mức hỗ trợ 50% tổng số kinh phí (chỉ cho phương tiện vận chuyển) tổ chức đón đoàn viên, người lao động quay lại làm việc. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1/11 đến hết ngày 31/12/2021.

Bên cạnh các giải pháp trên, theo chuyên gia, cần có những hỗ trợ bổ sung cho người lao động từ phía doanh nghiệp. Về hỗ trợ bổ sung, ThS. Nguyễn Thị Minh Thư - giảng viên ngành Quản trị nguồn nhân lực và ngành Khởi nghiệp (Đại học RMIT) gợi ý rằng, để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh, doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ đưa đón nhân viên, đặc biệt với những nhân viên đã rời thành phố định cư ở các tỉnh lân cận. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể hợp tác với bên cung ứng để bán thực phẩm và hàng thiết yếu ngay tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện có khá nhiều doanh nghiệp cũng đang đầu tư vào chương trình bảo hiểm y tế cho nhân viên. Cụ thể, một số doanh nghiệp đã mở rộng quyền lợi bảo hiểm cho cả người nhà nhân viên. Với cách làm như vậy, doanh nghiệp không chỉ khích lệ nhân viên quay lại làm việc, mà còn giải quyết được quan ngại về an toàn sức khỏe cho người thân của nhân viên./.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ bằng tiền để công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp tổ chức phương tiện (ô tô, tàu hoả, máy bay) đón đoàn viên, người lao động quay lại làm việc. Mức hỗ trợ 50% tổng số kinh phí (chỉ cho phương tiện vận chuyển) tổ chức đón đoàn viên, người lao động quay lại làm việc. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1/11 đến hết ngày 31/12/2021.