Cần kích hoạt nền kinh tế cả cung và cầu

Theo Đại biểu Nhân dân

Trong tháng 4/2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,02% so với tháng trước và là mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ 10 năm trở lại đây. Nhưng theo Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2012 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn không ngừng gia tăng.

Cần kích hoạt nền kinh tế cả cung và cầu
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Do giá xăng dầu đã được điều chỉnh lên 1.500 đồng/lít trong cuối tháng 3 nên nhiều ý kiến lo ngại CPI tháng 4 sẽ tăng cao. Nhưng trên thực tế, chỉ số này chỉ tăng nhẹ. Trong đó, lương thực, thực phẩm là nhóm giảm mạnh nhất trong số các nhóm hàng tính CPI. Và nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trước đây thường biến động theo giá xăng dầu, nay dường như không có sự ảnh hưởng. Thậm chí như nhận định của Tổng cục Thống kê, nếu không có sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo quyết định hành chính thì CPI sẽ giảm 0,2%. CPI trong tháng 4 năm nay cũng là mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ 10 năm qua.

Mục tiêu kiềm chế lạm phát đã được thực hiện tốt trong tháng 4 vừa qua, cũng như 4 tháng đầu năm. Nhưng giá trị và sản lượng hàng tồn kho trong 4 tháng đầu năm vẫn ở mức khá cao (tăng 16,5%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn xã hội cũng ở mức thấp. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng cả quý I/2013 chỉ tăng 4,5%, bằng 1/3 so với mức tăng trung bình một vài năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, theo báo cáo của VCCI, trong năm 2012, đã có hơn 54.260 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động. Điều này khiến thất nghiệp gia tăng và gây ra tình trạng lương/thưởng của hàng vạn lao động không ổn định.

Như vậy, trong khi thu nhập danh nghĩa chưa được cải thiện, thu nhập thực tế của người dân ngày càng hạn hẹp, khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn đang chồng chất. Các yếu tố này đã ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin tiêu dùng. Vì thế, vòng luẩn quẩn sức mua giảm, sản xuất đình trệ, hàng tồn kho tăng cao vẫn chưa thể thoát ra được.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 của Công ty Dịch vụ Thông tin Tài chính WVB Việt Nam, chỉ số niềm tin kinh doanh đã tăng điểm ngay trong những tháng đầu năm, với mức tăng 31 điểm so với quý IV/2012. Đại đa số doanh nghiệp đều cho rằng, mặc dù mức tồn kho của nhóm hàng vật liệu xây dựng tiếp tục tăng và tồn kho của các mặt hàng thiết yếu ở mức lớn, thì tình hình của nền kinh tế nước ta hiện nay đã tốt hơn 12 tháng trước. Các doanh nghiệp cũng nhận định, nền kinh tế tiếp tục sẽ có triển vọng tốt hơn nữa trong thời gian tới. Doanh nghiệp có sự lạc quan này do các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường của Chính phủ đã có những hiệu ứng tích cực.

Giới phân tích cho rằng, cần mạnh mẽ hơn trong việc giảm, giãn, miễn, hoãn tất cả các loại thuế (có thể) để kích hoạt nền kinh tế, kể cả từ phía cung lẫn phía cầu. Trong đó, thay vì tập trung hỗ trợ nguồn cung, cần chú trọng xử lý phía cầu bởi nếu sức mua yếu thì mọi sự tác động, hỗ trợ đều không hiệu quả. Ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung giảm nhẹ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, cùng lúc, phải tạo cơ chế để thúc đẩy tiêu dùng. Chỉ khi sức mua được cải thiện, niềm tin tiêu dùng trở lại ắt sẽ khơi thông hàng tồn kho, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.