Cần mở rộng đối tượng tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh
(Tài chính) Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo đúng lộ trình - thí điểm từ năm 2015 - nghĩa là chỉ còn hơn 2 tháng nữa. Từ thực tế sau hai năm chính thức thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh (từ 1/7/2012 đến nay), nhiều chuyên gia cho rằng, cần xây dựng thêm các cơ chế chống độc quyền, tạo cạnh tranh và mở rộng các đối tượng tham gia thị trường phát điện.
Mặc dù chưa có đánh giá chính thức về diễn biến thực tế của thị trường phát điện cạnh tranh sau 2 năm triển khai, song, theo đại diện Hiệp hội năng lượng Việt Nam đã có những tác động tích cực. Ví dụ, đã thu hút được nhiều nhà máy điện tham gia thị trường hơn, với khoảng 80/102 nhà máy điện đang vận hành (có công suất từ 30MW trở lên) tham gia vào thị trường điện theo cả 2 hình thức trực tiếp và gián tiếp, thay vì chỉ có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá như trước đây. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho rằng, hiện nay, trên cả nước có rất nhiều nhà máy công suất lớn, nhỏ tham gia sản xuất điện, với đa dạng nguồn phát và các hình thức đầu tư khác nhau. Vì vậy, các nhà máy điện này cũng cần được tham gia chào giá nếu đủ các điều kiện của thị trường, tạo nên bức tranh sinh động hơn và có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Và đã tham gia thị trường thì không cần phải có sự điều tiết gì cả mà tự thị trường sẽ quyết định.
Nhiều ý kiến đề xuất, các nhà máy thủy điện đa mục tiêu như Sơn La, Hòa Bình, Ialy… và sắp tới thủy điện Lai Châu cũng nên tham gia thị trường phát điện cạnh tranh trực tiếp, thay vì phải chào giá gián tiếp như hiện nay. Bởi nếu nhà máy thủy điện đa mục tiêu sau khi thực hiện được các yêu cầu của Hội đồng quốc gia về sử dụng tài nguyên nước trong một năm, thì phần điện năng và khả năng phát điện còn lại hoàn toàn thuộc quyền của nhà máy. Như vậy, về nguyên tắc, phần điện năng và khả năng phát còn lại hoàn toàn đủ điều kiện để tham gia thị trường điện cạnh tranh.
Không chỉ mở rộng, đa dạng công suất nguồn tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh, nhiều chuyên gia cho rằng, để có thể thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh, cần sớm thành lập thêm các công ty mua bán điện tham gia thị trường. Trên thực tế 2 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, vẫn chỉ có duy nhất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua thông qua một công ty mua bán điện, nên giá chào trên thị trường chưa thực sự linh hoạt. Chỉ khi có nhiều người mua, với nhiều loại giá mới giảm được độc quyền, tính cạnh tranh sẽ cao hơn.
Một vấn đề được giới phân tích khuyến cáo là sẽ rất khó khăn đối với việc vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đó chính là chưa có cạnh tranh ở thị trường năng lượng sơ cấp. Trong khi đó, chỉ khi bảo đảm tính cạnh tranh ở thị trường năng lượng sơ cấp - đầu vào của các nhà máy điện, mới có cơ sở để tính toán giá thành điện đầu vào cho các nhà máy điện khi triển khai thị trường bán buôn cạnh tranh.
Thời điểm vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã đến gần, vì thế, cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần tiến hành tổng kết, đánh giá và giải quyết căn cơ những tồn tại của thị trường phát điện cạnh tranh sau hơn 2 năm thực hiện. Cụ thể, cần làm rõ cơ chế hoạt động của 3 tổng công ty phát điện (các genco miền); các genco sẽ chào giá theo từng nhà máy hay từng genco khi tham gia thị trường điện cạnh tranh?
Ngoài ra, thị trường bán buôn điện cạnh tranh chỉ có thể hình thành đúng với tiêu chí đã đề ra, nếu bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong điều hành. Các nhà máy điện tham gia thị trường điện cạnh tranh, các genco phải độc lập với đơn vị truyền tải điện, không thể duy trì tình trạng các đơn vị này vẫn đang do EVN điều phối trực tiếp. Nếu khắc phục nhanh những tồn tại cơ bản này, thì theo các chuyên gia, chắc chắn sẽ rút ngắn được lộ trình thị trường điện ít nhất là 2 năm so với kế hoạch ban đầu.