Cần những bước đi thần tốc, táo bạo trong xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển
Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, với nhiều nội dung mới đang rất cần sớm được thể chế hóa, để khẩn trương phát huy cao độ hiệu quả trong thực tiễn.
Đúng thời khắc tròn 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết với nhiều nội dung mới mang tinh thần “thần tốc, báo tạo” của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đang được trông đợi sẽ tạo ra những bước đi “thần tốc hơn, táo bạo hơn” trong giải phóng mọi nguồn lực của Đất nước, cũng như tranh thủ được nguồn lực thời đại để đưa Đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
Điểm nhấn đầu tiên của Nghị quyết số 66-NQ/TW là Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật trực thuộc Bộ Chính trị, trực tiếp do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Với nỗ lực nhất quán, bài bản nhằm tạo ra những bước đi mới, mạnh mẽ trong phát huy ở mức cao nhất các nhân tố cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, cách đây không lâu, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm cũng trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đặc biệt, Nghị quyết số 66-NQ/TW yêu cầu triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề, thủ tục hành chính bất hợp lý; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định.
Bảo đảm thực chất quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do hợp đồng: sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Tạo cơ sở pháp lý để khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả các nguồn lực về vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tập trung xây dựng pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, phi truyền thống (trí tuệ nhân tạo, chuyên đổi số, chuyển đổi xanh...) để hình thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh cho trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, khu kinh tế trọng điểm...
Cũng theo Nghị quyết số 66-NQ/TW, thực hiện chính sách đặc thù, vượt trội, áp dụng chế độ thù lao, thuê khoán tương xứng để thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia các nhiệm vụ, hoạt động xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật. Có cơ chế, chính sách kéo dài thời gian công tác, không giữ chức vụ cho một số cán bộ, công chức đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, nhưng có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật.
Nghị quyết số 66-NQ/TW cho phép thu hút, tiếp nhận chuyên gia, nhà khoa học pháp lý, luật gia, luật sư giỏi vào khu vực công. Hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị.
Xây dựng Đề án nâng tầm tổ chức nghiên cứu chiến lược, chính sách trong lĩnh vực pháp luật thuộc Bộ Tư pháp trở thành cơ sở nghiên cứu trọng điểm quốc gia, trung tâm nghiên cứu chính sách, pháp luật thuộc nhóm dẫn đầu các nước ASEAN.
Đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách dành cho công tác xây dựng pháp luật trên nguyên tắc kịp thời, đúng, đủ và gắn với khoán chi theo kết quả, sản phẩm của từng nhiệm vụ, hoạt động.
Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Do đó, để sớm đưa những điểm mới trên vào thực tiễn cuộc sống, nhằm mở đường, khơi thông mọi nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, rất cần những bước đi “thần tốc, “táo bạo” tiếp theo của Chính phủ, Quốc hội, cũng như các bộ, ngành, địa phương trong thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW, nhằm xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch và khả thi hơn, cũng như tổ chức triển khai các quy định này hiệu quả vào cuộc sống.
Qua đó, đưa Đất nước ta viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của những Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh trên mặt trận xây dựng và phát triển một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ hằng mong ước./.