Cẩn trọng "mắc cạn" khi ham "lướt sóng" bất động sản
(Tài chính) Cùng với sự hồi phục của thị trường, giới đầu tư, đầu cơ địa ốc cũng đã bắt đầu quay lại, sau một thời gian dài “án binh bất động”. Điều này một mặt tác động tích cực đến thị trường, góp phần làm gia tăng thanh khoản, song nếu không cẩn trọng, nhà đầu tư lướt sóng có thể bị “mắc cạn”.
Xuất hiện bóng dáng đầu cơ
Thị trường bất động sản thời gian gần đây đã tốt lên thấy rõ, thanh khoản được cải thiện ở hầu hết phân khúc, đặc biệt là phân khúc nhà bình dân. Theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, hiện tượng khách hàng phải bốc thăm quyền mua sản phẩm đã xuất hiện tại một số dự án.
Điều này một mặt xuất phát từ thực tế, dự án được mở bán có nhiều yếu tố thuận lợi về vị trí, giá bán…, nhưng mặt khác cũng xuất phát từ “chiêu trò” của chủ đầu tư và giới đầu cơ khi tạo sự khan hiếm nguồn cung giả tạo bằng việc tung sản phẩm nhỏ giọt.
Bà Dương Thùy Dung, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Công ty CBRE Việt Nam cho biết, trong sự kiện bán hàng của một số dự án gần đây, có nhiều khách hàng mua cùng lúc 10 - 20 căn hộ, thậm chí, có người mua lại nguyên cả sàn căn hộ để bán lại.
“Đây là yếu tố quan trọng giúp số lượng căn hộ chào bán ra thị trường tăng lên và giúp cho thị trường trở nên sôi động hơn trong thời gian tới”, bà Dung nói và phân tích, bất động sản lâu nay vẫn là kênh đầu tư luôn được chú trọng. Trong bối cảnh lãi suất giảm và khả năng tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn, đã kích thích giới đầu tư trở lại thị trường bất động sản.
Ngoài dân “lướt sóng”, trên thị trường cũng xuất hiện xu hướng nhiều nhà đầu tư mua căn hộ tốt để cho thuê lại.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Him Lam, qua khảo sát thực tế từ khách hàng mua sản phẩm các dự án do Him Lam mở bán thời gian qua, có không ít khách hàng cho biết, mua căn hộ để cho thuê lại.
“Trong bối cảnh các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng có nhiều biến động, lãi suất tiền gửi thấp, trong khi bất động sản đã chạm đáy và hồi phục, đặc biệt với các dự án tốt, quỹ đất không còn nhiều, nên việc mua căn hộ để cho thuê lại, một mặt thu được lợi ích trước mắt, mặt khác đầu tư giá trị vào bất động sản được xem là lựa chọn thông minh hiện nay”, ông Phúc nhận định.
Coi chừng “mắc cạn”
Không thể phủ nhận, bất động sản là kênh đầu tư được đánh giá khá hấp dẫn, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, bản chất của thị trường hiện tại vẫn chủ yếu tập trung vào nhu cầu thực tế. Chỉ các dự án có vị trí tốt, chủ đầu tư uy tín, dự án được xây dựng bài bản, thì cơ hội đầu tư và cả đầu cơ mới khá an toàn, còn không, thì nhà đầu tư có nguy cơ bị “mắc cạn”.
Thực tế thời gian qua, lợi dụng cơ hội thị trường hồi phục, niềm tin của người mua trở lại, đã có những dự án có lịch sử bê bối được một số doanh nghiệp đưa ra thị trường trở lại với các chiêu trò như đổi tên, đưa ra những lời quáng cáo "có cánh" để chiêu dụ khách hàng, trong đó, Dự án Đông Tăng Long tại quận 9, TP. HCM là một ví dụ.
Dự án Đông Tăng Long nằm ở phường Trường Thạnh, cách xa trung tâm TP. HCM hàng chục km, nơi có hạ tầng nhếch nhác. Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, có quy mô diện tích lên đến hơn 159 héc-ta, được khởi công từ năm 2005 và từng được coi là dự án trọng điểm của quận 9. Tuy nhiên, đã gần 10 năm trôi qua, phần lớn những vẻ đẹp theo quy hoạch của dự án vẫn còn nằm trên giấy. Hiện nay, dự án vẫn chỉ là một khu đất trống bạt ngàn cỏ hoang, với vài căn nhà được mọc lên, nhưng vắng bóng người ở.
Nhiều năm trước, dự án này đã từng được tung ra nhiều đợt mở bán với những lời giới thiệu “có cánh”, nhưng sau đó vẫn không có nhiều thay đổi. Mới đầy, Công ty Thăng Long Real một lần nữa tung dự án này ra thị trường, với chủ đầu tư mới được giới thiệu là Công ty Thủ Thiêm. Tuy nhiên, chưa ai có thể khẳng định, bao lâu nữa, hình hài về một khu đô thị đúng nghĩa mới được hình thành tại dự án này.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, không thể phủ nhận bất động sản là kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện thị trường vẫn thuộc về người mua và họ có quyền lựa chọn dự án và chủ đầu tư.
“Theo tôi, người tiêu dùng thông minh sẽ không chạy theo đám đông, lao vào những sản phẩm được cho rằng đang ‘hot’ để rơi vào bẫy ‘chiêu trò’ của một số chủ đầu tư ăn xổi”, ông Châu đánh giá.