Cẩn trọng với thực phẩm chay giả mặn 'ngậm đầy' phẩm màu
Thực phẩm chay giả mặn được chủ hàng quảng cáo là hàng Ấn Độ, Thái Lan…nhưng lại không nhãn mác, sản phẩm phủ đầy phẩm màu.
Một số chợ lớn trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm – Đức Viên, hệ thống các siêu thị hay các hàng quán gần chùa đều tràn ngập các loại đồ ăn chay đóng gói, đồ ăn chay tươi hay các loại gia vị dùng để chế biến.
Thị trường năm nay có thêm nhiều thực phẩm chay mới như thịt dê, cừu chay, tương đậu Hàn Quốc, cá hồi, ba sa, diêu hồng, tai tượng…
Theo nhiều tiểu thương, đồ ăn chay đóng gói được nhập từ Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan…Tuy nhiên, trên bào bì sản phẩm ghi thông tin sơ sài, chữ nhòe nhoẹt, thậm chí còn không có hạn sử dụng và địa chỉ sản xuất.
Các loại đồ ăn giả mặn thịt lợn, gà, bò, dê, cừu, cá…đều là hàng khô, thái lát mỏng đựng trong hũ nhựa xỉn màu, giá trung bình từ 15.000 đồng/ lạng, loại thịt dê và cừu đắt hơn từ 3.000 – 5.000 đồng/ lạng.
Nhiều sản phẩm còn ghi rõ phụ gia không có lợi cho sức khỏe ngay trên bao bì như thịt ba rọi chay, ngoài tinh bột khoai sọ còn có tinh bột, muối ăn, phụ gia thực phẩm betacaroten, titanium dioxyde, sodium carbonate, calcium hydroxide… Tuy nhiên, khách hàng không hề quan tâm tới nhãn mác cũng như thông tin về sản phẩm.
Anh Đức Tuấn (Thanh Hóa) cho biết, đồ chay giả mặn như thịt dê, thịt gà, cá hồi, xúc xích…nguyên liệu chính là bột và tạo màu cho giống thật.
“Đồ chay giả mặn chuẩn ăn rất ngon, tuy nhiên với những loại không rõ nguồn gốc, phủ đầy phẩm màu bắt mắt thì người tiêu dùng cần cân nhắc khi mua”, anh Đức Tuấn cho hay.
Theo Ngọc Trang, làm việc tại Gia Lai, đồ chay giả mặn có hình thù y chang đồ mặn thật, thậm chí màu sắc còn bắt mắt hơn, các món ăn lại rất đa dạng nhưng về cách thức chế biến thì người mua hoàn toàn không rõ.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng phát hiện 19 thùng hàng sườn non chay của bà Trần Phan Huy Tưởng ở phường Thuận Giao (Thuận An, Bình Dương) có giòi và côn trùng lúc nhúc bên trong.
TS. Phan Thế Đồng (Đại học Hoa Sen) cho biết, nguyên liệu chính của thực phẩm chay là bột. Bột vốn có màu trắng, để tạo thành con tôm màu đỏ buộc phải sử dụng phẩm màu.
Màu tự nhiên làm từ thực vật, động vật có độ bền kém, phải dùng số lượng lớn nên giá thành cao. Màu tổng hợp có độ bền cao, dễ sử dụng, giá thành lại rất rẻ.
Hiện nay, một số phẩm màu vẫn được phép sử dụng tại Việt Nam nhưng ở Mỹ và một số nước đã cấm sử dụng. Chẳng hạn, phẩm màu Brilliant blue FCF (trong sữa, mứt, thạch, tương ớt, quả ngâm đường, rau củ đóng hộp, đóng chai,…), erythrosine (thịt gia cầm qua chế biến, mứt, thạch, trái cây đóng hộp hoặc chai…Việc sử dụng phẩm màu tổng hợp trong thời gian dài, vượt mức cho phép rất có hại cho sức khỏe.
Với ý nghĩa ăn chay để thanh lọc cơ thể, việc chọn thực phẩm chay công nghiệp giả mặn hoàn toàn không đem lại sự thuần khiết tự nhiên mà ngược lại còn đầu độc cơ thể vì thành phần của chúng chứa nhiều chất độc hại.