Cảnh báo gia tăng tình trạng lừa đảo qua điện thoại

Theo ktdt.vn

(Tài chính) Việc lợi dụng mạng viễn thông, internet để lừa đảo đã và đang bị các đối tượng phạm tội khai thác triệt để. Đặc biệt, thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại với các thủ đoạn khó lường khiến nhà chức trách đau đầu.

Nhiều “chiêu trò” lừa đảo

Ngày 4/3, tại buổi làm việc với phóng viên, Đại tá Lê Hồng Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) cho biết, ngày 3/3, PC50 đã phát thông tin chính thức phá nhóm giả danh là nhân viên Viettel gọi điện thoại cho khách hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Phúc tại xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội. Theo đó, 4 đối tượng gồm Trương Văn Chỉ (sinh năm 1991), Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1991), Nguyễn  Xuân Hùng (sinh năm 1994) và Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1957), cùng trú tại tỉnh Hà Tĩnh bị bắt giữ.

Đại tá Lê Hồng Sơn phân tích, thủ đoạn của các đối tượng được xác định như sau: Trương Văn Chỉ giả nhân viên Viettel điện thoại cho một cá nhân tên Phúc thông báo: Nhân dịp 25 năm ngày thành lập Công ty Viettel, số điện thoại của ông  Phúc may mắn được trúng thưởng số tiền 137 triệu đồng (bao gồm 100 triệu tiền mặt và 37 triệu đồng tương đương một chiếc xe máy). Chỉ yêu cầu ông Phúc cung cấp thông tin cá nhân để làm hồ sơ lĩnh thưởng và nộp 600.000 đồng thẻ cào điện thoại Viettel để lấy mã số nhận thưởng. Tưởng thật, ông Phúc đồng ý và mua 6 thẻ cào Viettel mệnh giá 100.000 đồng gửi cho Chỉ. Tiếp đó, các đối tượng yêu cầu ông Phúc nộp 3,6 triệu đồng thẻ cào điện thoại Viettel để làm thủ tục đăng ký giấy tờ cho xe máy trúng thưởng.

Ngoài ra, một đối tượng khác giả danh công an kinh tế và cán bộ chi cục thuế đề nghị ông Phúc nộp 6,3 triệu đồng đóng thuế cho số phần thưởng trên. Ông Phúc đồng ý và tiếp tục mua thẻ cào điện thoại Viettel. Như vậy, toàn bộ số mã thẻ cào trị giá 10,5 triệu đồng của ông Phúc đã bị chiếm đoạt.

Một thủ đoạn nữa, đó là các đối tượng sử dụng điện thoại có mã số nước ngoài rồi gọi vào di động của ông K. và thông báo đang giữ con trai ông vì nợ số tiền 120 triệu đồng. Ông K. tưởng là con trai mình nên đã chuyển 50 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng. Sau khi chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho các đối tượng, ông K. gọi điện thoại cho con trai xác minh thông tin thì mới biết mình đã bị lừa.

Cơ quan công an cũng vừa bắt Trần Văn Tèo (25 tuổi), Trần Văn Huy (21 tuổi), cùng ở TP Cần Thơ, liên quan tới việc chiếm đoạt tiền qua điện thoại. Bằng hình thức qua điện thoại, chúng tự xưng là cán bộ điều tra, hù dọa nạn nhân là đang dính líu đến vụ án hoặc liên quan đến tội phạm rửa tiền, để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của chúng nhằm phục vụ công    tác điều tra. Kịch bản mà chúng đưa ra nhằm cố tình tạo ra các tình huống phạm tội và đưa người sử dụng điện thoại vào bẫy, nhiều người sập bẫy đáng tiếc.

Cảnh báo khẩn

Trước thực tế các vụ việc lừa đảo qua điện thoại đang "nở rộ", Đại tá Lê Hồng Sơn cảnh báo, nhóm tội phạm công nghệ cao rất tinh vi, có sử dụng tài khoản của người khác dạng mua lại để gây án. Do đó, người dân nên cảnh giác khi trò chuyện với người lạ, đặc biệt là người xưng là cán bộ cơ quan pháp luật; đồng thời cảnh báo những người dân không nên cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác, vì dễ dàng tiếp tay cho các băng nhóm lừa đảo bằng công nghệ cao.

"Để phối hợp với cơ quan công an đấu tranh với loại tội phạm này, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới của bọn tội phạm. Một thực tế, không có chuyện có người gọi điện đến thông báo cho chủ thuê bao được tài sản nọ kia. Do vậy, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an khi nhận được cuộc gọi lạ để cùng phối hợp giải quyết. Các thuê bao khi nhận được các cuộc gọi đến có dấu hiệu quấy rối, mạo danh nhà mạng hoặc công an thì không được làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại" - Đại tá Lê Hồng Sơn nói. 

Về các thông tin hù dọa bắt cóc người thân, cơ quan công an khuyến cáo, trường hợp người dân nhận được điện thoại hoặc tin nhắn có nội dung đe dọa rằng người thân của mình đã bị bắt cóc và yêu cầu nộp một số tiền, phải hết sức bình tĩnh, cố gắng kéo dài thời gian để xác minh và báo cáo sự việc với cơ quan công an phối hợp xử lý. Chỉ có như vậy, người dân mới tránh khỏi bị bọn tội phạm lợi dụng thủ đoạn đe dọa bắt cóc để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với các vụ việc kèm thủ đoạn được cơ quan công an phân tích nói trên, mỗi người dân cần nhìn vào để có đối sách trước những đối tượng lừa đảo qua điện thoại.